Dấu ấn của Trung đoàn quân tình nguyện trên đất nước Chùa Tháp

10 năm làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia, trải qua những trận chiến sinh tử, đi qua mùa khô khát, mùa mưa dai dẳng trên những điểm cao lịch sử đã trở thành kí ức không bao giờ có thể quên đối với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 20 Công an nhân dân vũ trang (CANDVT). Một thời máu và hoa của những người lính tình nguyện được khắc sâu qua những trang sách lịch sử và trong những câu chuyện kể của người trở về từ chiến trường.

Đại tá Nguyễn Văn Điệu, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 687 BĐBP thời gian từ năm 1979-1982. Ảnh: Trúc Hà

Dấu chân người lính tình nguyện

Ngày 18/1/1979, 4 tỉnh vùng Đông Bắc Campuchia là Mondulkiri, Ratanakiri, Stung Treng và Preah Vihear được giải phóng, chế độ diệt chủng do Pôn Pốt-Iêng Xa Ri cầm đầu đã bị đập tan, nước Cộng hòa nhân dân Campuchia ra đời. Tuy nhiên, nước bạn còn đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Lực lượng Pôn Pốt cơ bản bị đánh tan rã, nhưng kẻ thù của người dân yêu nước Campuchia chưa bị tiêu diệt hoàn toàn bởi chúng đã chạy sang đất Thái Lan, dựa vào rừng núi, cao điểm dọc biên giới Campuchia - Thái Lan làm bàn đạp âm mưu tiến hành cuộc chiến tranh lâu dài. Hòa cùng với các đơn vị vũ trang làm nhiệm vụ quốc tế, ngày 20/3/1979, tại thị xã Pleiku (tỉnh Gia Lai) - vùng đất Tây Nguyên bất khuất, Trung đoàn 20 CANDVT được thành lập với 3 Tiểu đoàn 210, 216 và 208.

Có thể nói, Trung đoàn 20 là đơn vị đặc biệt. Vì trước đó, Tiểu đoàn 210 đã hội quân sớm từ ngày 12/3/1979 tại bản Đôn, tỉnh Đắk Lắk để nhanh chóng cơ động sang Campuchia. Tiểu đoàn được biên chế Đại đội 1, 2, 3, 4 với các bộ phận trực thuộc đều là những chiến sĩ CANDVT các tỉnh Tây Nguyên vừa trải qua chiến đấu chống quân Pôn Pốt xâm lược ở biên giới Tây Nguyên. Cuối tháng 3/1979, tiểu đoàn đã tiếp quản đền Preah Vihear.

Tiểu đoàn 216 được thành lập cùng ngày với Trung đoàn ngày 20/3/1979 gồm Đại đội 5, 6,7,8, các bộ phận trực thuộc tiểu đoàn với cán bộ, chiến sĩ CANDVT các tỉnh ven biển Nam Trung bộ. Ngay sau khi thành lập, Trung đoàn 20, các cơ quan trực thuộc và Tiểu đoàn 216 đã nhanh chóng cơ động sang Campuchia tiếp quản huyện Chomkhsan (tỉnh Preah Vihear) cùng ngã ba biên giới Campuchia - Thái Lan - Lào.

Đối với Tiểu đoàn 208, tiền thân là Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 2 CANDVT thành lập giữa năm 1978 tại tỉnh Tây Ninh với các Đại đội 9, 10, 11 và 12, có khung cán bộ tiểu đoàn là cán bộ CANDVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Tiểu đoàn 208 tiếp nhận các tân binh tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc và thành phố Hải Phòng được huấn luyện cuối năm 1979. Ngày 22/1/1980, Tiểu đoàn 208 cơ động từ Tây Ninh sang Campuchia hội quân với Trung đoàn 20, đứng chân hoạt động chiến đấu tại địa bàn Ro Bênh - Ja Khạch.

Tháng 11/1979, Trung ương quyết định chuyển lực lượng CANDVT thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) thành lực lượng BĐBP (thuộc Bộ Quốc phòng). Ngày 28/12/1980, Trung đoàn 20 CANDVT đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 687 BĐBP trực thuộc Quân khu 5, trở thành đơn vị BĐBP vừa nghiệp vụ, vừa chiến đấu, được nâng tầm sức mạnh chiến đấu cao hơn với việc hình thành các đại đội binh chủng trực thuộc gồm súng cối, công binh, ĐKZ, thông tin, quân y, vận tải, trinh sát, 12 ly 7.

Khiến cho kẻ thù khiếp sợ

Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Mặt trận 579, từ năm 1980-1989, trung đoàn đã để lại nhiều dấu ấn bằng những chiến công lẫy lừng để mỗi khi nhắc đến các sư đoàn quân Pôn Pốt đều phải e dè. Trung đoàn 687 BĐBP hoạt động chiến đấu trên địa bàn biên giới rộng lớn, dưới chân dãy Đăng-rếch, cao điểm 547, đối đầu với 2 Sư đoàn 920 và 801 Pôn Pốt. Lúc này, Tiểu đoàn 210 là đơn vị cơ động, chủ công của trung đoàn; Tiểu đoàn 216 làm nhiệm vụ biên phòng chốt giữ biên giới; Tiểu đoàn 208 làm nhiệm vụ biên phòng chốt giữ biên giới vừa làm lực lượng cơ động vận chuyển đảm bảo hâụ̣ cần, kĩ thuật cho trung đoàn, vừa tham gia chiến dịch, chiến đấu.

Nụ cười của những người lính Trung đoàn 687 BĐBP gặp lại nhau sau 35 năm rời nước bạn Campuchia. Ảnh: Trúc Hà

Khi đã lớn mạnh, trung đoàn được trên tin tưởng giao tham gia các chiến dịch lớn của quân khu, như: C84, A4, K1, K3 trong mùa khô 1982-1983, 1983-1984, 1984-1985 và đều lập được chiến công, được cấp trên đánh giá cao về sự trưởng thành. Trong suốt 10 năm làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 687 BĐBP đã vượt qua muôn vàn thử thách, hi sinh, đánh hơn 200 trận lớn nhỏ, tiêu diệt, làm bị thương hàng trăm tên địch, tan rã nhiều lực lượng địch. Cho đến giờ, mọi người vẫn nhắc đến trận đánh bảo vệ chốt của Trung đội 2 (Đại đội 6, Tiểu đoàn 216) ngày 23/10/1980 đánh bại âm mưu tấn công chiếm chốt của địch.

Trong trận này, địch sử dụng một tiểu đoàn kết hợp với các loại hỏa lực, trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ Trung đội 2 vẫn giữ vững, làm chủ chốt. Hay trận giải vây chốt Đại đội 5, 6 (Tiểu đoàn 216) ngày 15/1/1982 do đồng chí Thính chỉ huy, đã diệt tại chỗ 13 tên, thu 2 súng 12 ly 7, 1 súng B40, phá hủy 1 súng DKZ 82 và nhiều trang bị, khí tài khác. Đây là trận đánh hiệu quả nhất Mặt trận 579 lúc bấy giờ. Đỉnh cao nhất vẫn là trận đánh ngày 16/9/1986, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn phó Chính trị Lê Ngọc Chinh, Tiểu đoàn 210 tại vùng biên giới Chăm-pa-sắc (vùng Hạ Lào) đã diệt được 73 tên Pôn Pốt, thu nhiều trang bị vũ khí, trong khi phía Tiểu đoàn 210 chỉ một đồng chí hi sinh, 2 đồng chí bị thương đã cho thấy hiệu suất chiến đấu vô cùng cao. Trận đánh này được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, được Quân khu 5 chọn đi báo cáo điển hình trong cả nước.

Suốt 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở một chiến trường đầy gian khổ, hi sinh, Trung đoàn 687 BĐBP đã có 188 đồng chí anh dũng hi sinh, trên 500 đồng chí thương, bệnh binh. Máu xương các đồng đội đã hòa quyện vào đất nước bạn Campuchia, trở thành nét son trong hành trình truyền thống của trung đoàn. Cảm động và sâu lắng nhất là Đại đội 6 (Tiểu đoàn 216), nguyên là Đại đội cơ động của CANDVT tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng với đại bộ phận là con em gia đình liệt sĩ vẫn tình nguyện sang chiến trường. Đây cũng là đại đội đóng chốt ở địa bàn khốc liệt nhất. Đại đội đã hi sinh 37 đồng chí, nhiều nhất trong các đơn vị của Trung đoàn 687 BĐBP.

Đại tá Nguyễn Văn Điệu (là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 687 BĐBP thời gian từ năm 1979-1982) khiến rất nhiều người xúc động khi nhắc lại những năm tháng gắn bó với tên đất, tên làng rất đỗi thân quen và gần gũi. Đó là cửa khẩu Lệ Thanh - Ô-da-đao có đồng đội đi qua mà không trở lại; những cầu Sê-rê-pốk, Bun-lung, ngã ba Kra-chê, Xim-bang, Xim-bọt, bến phà Tha-la đưa đồng đội đi qua vùng chiến địa. Những Cheep, Tà Ben đồi đá, đồi tròn, ngầm Xa- em, đền Preah Vihear, cao điểm 547 - điểm hẹn lịch sử của những mùa chiến dịch của quân tình nguyện. Những cứ điểm 400, 600, 700, Đăng-rếch, Yên Ngựa, Búi Cụt, Panatum, Chomkhsan, bình độ 121 là những cái tên đi vào ký ức, thật sâu lắng và muôn đời không thể nào quên.

45 năm trôi qua nhưng dường như vẫn còn đó những thổn thức của người lính tình nguyện: “Anh đang bò trên đất đai người khác/ Đã tình nguyện thì không hèn nhát/ Tổ quốc xa vời, Tổ quốc lại kề bên”.

Ngày 17/3, tại Đà Nẵng, hơn 300 cựu quân nhân Trung đoàn 20 CANDVT (687 BĐBP) đã tham dự gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập (20/3/1979 - 20/3/2024), cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống, những chiến công vẻ vang trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Nguyễn Hòa Bình

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dau-an-cua-trung-doan-quan-tinh-nguyen-tren-dat-nuoc-chua-thap-post473919.html