Dàn thiết giáp chứng tỏ chỉ Moscow mới biết cách chế tạo xe tăng!

Moscow ban đầu phải 'cầu xin' phương Tây bán cho những chiếc xe tăng hạng nhẹ Vickers, nhưng sau đó lại thần kỳ phát triển, trở thành cường quốc chế tạo và sử dụng xe tăng.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (năm 1917), Liên Xô phải sang Anh để hỏi mua những chiếc xe tăng Vickers hạng nhẹ 6 tấn. Người Anh cũng không mong đợi xe tăng hạng nhẹ của họ có thể chống lại bất cứ thứ gì, ngoại trừ các loại xe tăng hạng nhẹ khác, vì vũ khí trên xe chỉ là súng máy.

Dưới sự lãnh đạo của Dân ủy Trung ương, đứng đầu là Stalin, đã ra lệnh cho Quân đội, các ngành công nghiệp, viện nghiên cứu tự lực phát triển các mẫu xe tăng chiến đấu. Kết quả là chiếc xe tăng T-18 (hay còn gọi là MS-1) là mẫu xe tăng được sản xuất hàng loạt đầu tiên của Liên Xô (tổng cộng 960 chiếc) trong giai đoạn 1928-1931.

Xe tăng T-18 chỉ nặng 5,9 tấn, bọc giáp dày 6-16mm, kíp xe 2 người, trang bị pháo 37mm Model 28. T-18 lần đầu tham chiến trong nhiệm vụ bảo vệ đường sắt Viễn Đông chống lại sự xâm lược của đế quốc Mãn Châu vào năm 1929.

BT-7 là mẫu xe tăng hạng nhẹ nổi tiếng của Liên Xô, được chế tạo trong giai đoạn 1935-1945 (khoảng 2.700-5.300 chiếc). Xe có trọng lượng 13,9 tấn, kíp lái 3 người, bọc giáp dày 6-20mm (thân) và 10-15mm (tháp pháo), trang bị pháo 45mm L/46, 2 súng máy 7,62mm.

BT-7 tham chiến lần đầu tiên trong trận hồ Khasan giữa Hồng quân Liên Xô và phát xít Nhật năm 1938. Nhưng trận đánh nổi tiếng nhất của BT-7 là ở chiến trường Mông Cổ, khi nó thể hiện khả năng di chuyển cơ động của mình trên vùng đồng bằng thảo nguyên.

T-34 là thiết kế xe tăng chiến đấu hạng trung thành công nhất do Liên Xô chế tạo, với vỏ thép dày và hỏa lực mạnh mẽ (pháo 76mm và sau này là pháo 85mm). Ngay khi tham chiến, T-34 đã thể hiện được khả năng vượt trội. T-34 cũng là một trong những chiếc xe tăng được sản xuất nhiều nhất thế giới và được sử dụng đến tận những năm 1990.

KV-1 là mẫu xe tăng hạng nặng nổi tiếng của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới 2, khoảng 5.219 chiếc được sản xuất trong giai đoạn 1939-1943. Xe nặng 45 tấn, bọc giáp dày 90mm, lắp pháo 76,2mm M1941 và 3-4 súng máy 7,62mm.

Trong chiến tranh Thế giới 2, KV-1 là một trong mẫu xe tăng mạnh nhất thế giới lúc đó. Với vỏ thép dày, đạn pháo chống tăng của Quân Đức không thể xuyên thủng được vỏ của KV-1. Phần lớn những chiếc KV-1 bị hạ trên chiến trường đều do sự cố kỹ thuật hay hết nhiên liệu.

IS-2 là mẫu tăng hạng nặng thành công nhất trong dòng họ xe tăng hạng nặng IS do Liên Xô phát triển trong Thế chiến hai, với số lượng được chế tạo gần 4.000 chiếc. IS-2 nặng khoảng 46 tấn, có lớp giáp dày 30-120mm, lắp pháo D25-T 122mm và 3 súng máy 7,62mm cùng một đại liên 12,7mm.

T-54/55 được xem là mẫu xe tăng thành công nhất của Liên Xô sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, đây cũng là mẫu tăng được sản xuất với số lượng nhiều nhất thế giới (khoảng 80.000-100.000 chiếc). T-54/55 có trọng lượng chiến đấu chỉ khoảng 36 tấn, nhưng trang bị pháo đến 100mm. Hiện loại xe tăng này vẫn có trong trang bị của khoảng 40 quân đội các quốc gia trên thế giới.

Xe tăng T-64 của Liên Xô là chiếc xe tăng mang tính cách mạng, định hướng cho việc phát triển các loại xe tăng chiến đấu chủ lực sau này của thế giới. T-64 được phát triển và chế tạo từ đầu thập niên 1960 và bắt đầu được sản xuất hàng loạt từ năm 1964, chính thức phục vụ trong quân đội Liên Xô từ năm 1969.

T-64 với hàng loạt công nghệ mang tính cách mạng, như là loại xe tăng đầu tiên trên thế giới sử dụng hệ thống nạp đạn tự động, hệ thống đo khoảng cách bằng laser để tăng độ chính xác và rút ngắn thời gian xác định phần tử bắn. Vỏ giáp của T-64 cũng là loại đầu tiên sử dụng vật liệu tổng hợp, thay vì chỉ có thép thông thường, làm tăng khả năng chống đạn cho giáp xe.

Với trọng lượng không quá lớn (40 tấn), nhưng T-64 được trang bị lớp giáp dày hơn và pháo chính với cỡ nòng 125 mm. Thiết kế của T-64 làm xóa nhòa sự phân loại xe tăng hạng trung và hạng nặng. Nói cách khác, T-64 là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) đầu tiên của Liên Xô và cũng là đầu tiên trên thế giới.

Mặc dù T-64 rất hiện đại, nhưng giá thành cao; Quân đội Liên Xô muốn một mẫu xe có giá thành rẻ, có thể sản xuất loạt lớn để tạo ưu thế với phương Tây, nhưng tính năng tương đối tốt. Mẫu tăng T-72 được phát triển từ T-62, trang bị những kỹ thuật mới tự mẫu T-64, để đáp ứng yêu cầu đó.

Khi xe tăng chủ lực T-72 chính thức đưa vào sử dụng, nó nhanh chóng trở thành niềm tự hào của Quân đội Liên Xô, biến M60A3 Mỹ hay Leopard 1 Đức thành đồ bỏ. Khoảng 25.000 chiếc T-72 được chế tạo ở Liên Xô và một vài nước khác, phục vụ ở khoảng 40 quốc gia trên thế giới.

T-72 có trọng lượng hơn 40 tấn, kíp xe 3 người, bọc giáp composite 500mm trước tháp pháo, trang bị pháo nòng trơn 125mm 2A46M kết hợp hệ thống nạp đạn tự động. Dựa trên T-72, Nga sau này đã phát triển thành công mẫu tăng T-90 hiện đại hàng đầu thế giới.

Mẫu MBT hiện đại nhất của Liên Xô, được chế tạo vào cuối thời kỳ chiến tranh Lạnh, trước khi siêu cường này tan rã năm 1991, đó chính là T-80. T-80 là một bản nâng cấp sâu của T-64, nhưng được sản xuất với số lượng lớn hơn. Những cải tiến quan trọng là sử dụng động cơ tua-bin khí, nên xe có tốc độ rất cao.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất, 200 xe tăng và xe thiết giáp các loại của quân đội Nga đã bị phá hủy ở thủ phủ Grozny, trong đó có nhiều xe tăng T-80. Do đó, dòng xe này không còn được sử dụng trong các cuộc chiến sau này và dần đi vào quên lãng. Nguồn: Topwar.

Tới nay Việt Nam vẫn sử dụng xe tăng T-54 huyền thoại của Liên Xô trong biên chế, điểm khác biệt đó là phiên bản T-54 của chúng ta đã được tự nâng cấp, cải tiến sâu. Nguồn: QPVN.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/dan-thiet-giap-chung-to-chi-moscow-moi-biet-cach-che-tao-xe-tang-1532476.html