Đảm bảo an toàn giao thông: Cần nâng cấp từ hạ tầng, đến trách nhiệm, ý thức khi tham gia giao thông

Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), các cấp các ngành, đặc biệt là Công an tỉnh đã chủ động và phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nhờ vậy đã kịp thời phát hiện, xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT). Song, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai cũng cho thấy có không ít hạn chế, khó khăn…

Chuyển biến tích cực

Bình Thuận có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có các tuyến giao thông quan trọng như: tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Đặc biệt, tuyến quốc lộ 1A dài đến 181,5 km, tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 175 km, quốc lộ 28, 28B đi Lâm Đồng, quốc lộ 55 nối Bình Thuận với Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện trường vụ TNGT liên hoàn vào tháng 3/2023 trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đoạn qua xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc

Xác định công tác đảm bảo trật tự ATGT là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, những năm qua Công an tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể chung tay thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm ATGT, trọng tâm là tuyên truyền pháp luật, khắc phục điểm đen, tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Riêng trong xử lý “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông” đường bộ, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 22 điểm đen, 48 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, 4 điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông. Trong đó, quốc lộ 1A có 16 điểm đen (đã xử lý, khắc phục), trên địa bàn các huyện có 6 điểm đen và 18 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (đã khắc phục 2 điểm đen, đang khắc phục 4 điểm đen).

Trong tuần tra kiểm soát, từ năm 2009 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tổ chức tuần tra kiểm soát và phát hiện lập biên bản trên 1,1 triệu trường hợp vi phạm. Hành vi vi phạm chủ yếu là chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, chở quá số người quy định, điều khiển xe mô tô, xe máy không đội mũ theo quy định, vi phạm về tải trọng, vi phạm về ma túy, nồng độ cồn. Nhờ đó, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT được kiềm chế. Các vụ TNGT liên quan đến vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ không còn diễn biến phức tạp. 15 năm qua, tuyến đường bộ, xảy ra 8.570 vụ làm chết 3.262 người, bị thương 7.336 người.

Yêu cầu đặt ra trong đảm bảo ATGT

Công an tỉnh cho rằng, tuy TNGT được kiềm chế và giảm trên cả ba tiêu chí, không xảy ra ùn tắc giao thông phức tạp, nhưng số vụ tai nạn vẫn còn ở mức cao, thiệt hại do TNGT ở mức nghiêm trọng. Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh được cải thiện, tổ chức giao thông mở rộng, hiện đại đã tác động lớn đến công tác quản lý nhà nước và công tác đảm bảo ATGT. Phương tiện cơ giới đường bộ chủ yếu là ô tô, xe máy tăng nhanh nhưng công tác quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận người dân trong việc chấp hành về pháp luật trật tự ATGT còn hạn chế, vì vậy phần lớn các TNGT có nguyên nhân xuất phát từ lỗi của người điều khiển phương tiện. Mặt khác, hiệu quả công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn có thời điểm chưa cao, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chưa đạt hiệu quả như mong muốn, chưa khép kín thời gian, địa bàn. Xác định, bảo đảm trật tự ATGT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và xã hội, do đó nhiệm vụ này phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp, trong đó lực lượng công an là nòng cốt.

Yêu cầu đặt ra, phải phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm của người đứng đầu công an các cấp trong công tác đảm bảo ATGT. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kết hợp giữa tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về ATGT. Các địa phương cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động bảo đảm trật tự ATGT, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng.

Song song đó, thường xuyên kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Nội dung tuyên truyền cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông, đặc biệt tại vùng nông thôn, địa bàn tập trung đông công nhân các khu công nghiệp. Đồng thời, chủ động khảo sát, kiến nghị, xử lý các điểm mất an toàn giao thông, bổ sung hệ thống biển báo hiệu. Tăng cường biện pháp quản lý, kịp thời sửa chữa công trình cầu, đường bộ bị hư hỏng, có dấu hiệu xuống cấp. Tập trung rà soát, khắc phục triệt để những bất cập của hạ tầng giao thông có nguy cơ mất ATGT, phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức phân luồng giao thông nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dam-bao-an-toan-giao-thong-can-nang-cap-tu-ha-tang-den-trach-nhiem-y-thuc-khi-tham-gia-giao-thong-118511.html