Đắk Lắk: Triển khai 90 mô hình, câu lạc bộ liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình

Tại nước ta, bạo lực gia đình là vấn nạn gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Để phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả, việc bảo vệ, trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình là một trong những giải pháp cần được đặc biệt quan tâm. Ghi nhận tại Đắk Lắk.

Lúc mới lập gia đình, chị H Wer Hđoh thường xuyên phải chịu những hành vi bạo lực gia đình vì chồng hay say rượu, bia rmắng chửi, thậm chí đánh vợ. Tuy nhiên, từ khi được vận động tham gia sinh hoạt câu lạc bộ gia đình hạnh phúc của buôn, chồng chị đã dần thay đổi.

Chị H WER HĐOH, buôn Drah, xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk:Chúng tôi thường xuyên đi sinh hoạt câu lạc bộ và được tuyên truyền về các vấn đề hôn nhân, gia đình. Giờ đây, chồng tôi đã thay đổi nhiều so với trước đây, hai vợ chồng tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống hộ gia đình”.

Tại huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, nhờ triển khai duy trì 90 mô hình, câu lạc bộ liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình với hơn 3.400 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia, đã góp phần đẩy lùi nạn bạo lực gia đình. Tuy nhiên, việc phòng chống bạo lực gia đình ở vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn khi nạn nhân ít thông báo cho cơ quan có thẩm quyền.

Bà LÊ THỊ THU HIỀN, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk:Ở vùng dân tộc thiểu số có những khó khăn nhất định khi nhận thức bà con chưa cao, sự bất đồng ngôn ngữ. Do vậy, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình, phát tờ rơi bằng 2 thứ tiếng để trao đổi nội dung về phòng chống bạo lực gia đình”.

Thống kê trong 5 năm gần đây, tòa án 2 cấp tỉnh Đắk Lắk thụ lý hơn 22.000 vụ án ly hôn, trong đó, hơn 1.500 vụ án có nguyên nhân xuất phát từ việc bạo lực gia đình. Góp ý về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, nạn nhân bị bạo lực vẫn gặp phải khó khăn khi tiếp cận, tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật và các cơ quan chính quyền.

Ông NGUYỄN ĐÌNH TRIẾT, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk:Theo tôi, cần thiết lập đường dây nóng để người dân được tuyên truyền, khi bị bạo lực gia đình thì liên hệ, vì hiện tại nhiều người bị bạo lực không biết kêu ai”.

Bà ĐẶNG THỊ HƯƠNG, Phó Chủ tịch Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk: “Kỳ vọng rất rõ trong luật lần này, phải có xử phạt đích đáng với hành vi bạo lực. Người ra khỏi nhà không phải phụ nữ, trẻ em, người già mà phải là người có hành vi bạo lực”.

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) mà Quốc hội đang thảo luận, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 được cử tri, nhân dân kỳ vọng sẽ khắc phục được tồn tại, hạn chế của luật hiện hành; đồng thời, quy định chặt chẽ hơn về các biện pháp phòng ngừa; tăng cường bảo vệ nạn nhân bị bạo lực; xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả./.

Thực hiện : Kim Liên Đức Hưng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/dak-lak-trien-khai-90-mo-hinh-cau-lac-bo-lien-quan-den-phong-chong-bao-luc-gia-dinh