Đà Nẵng xử lý nghiêm hành vi khai thác thủy sản trái phép

Các đơn vị chức năng cần thường xuyên rà soát, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác thủy sản trái phép, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, nhất là tàu cá vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài.

Đoàn công tác UBND TP. Đà Nẵng làm việc với Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang về kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến - Ảnh: VGP/Minh Trang

Đó là yêu cầu của lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng tại buổi kiểm tra thực tế tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhằm rà soát công tác chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) tại TP. Đà Nẵng vào chiều 13/10.

Tại buổi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn đã nghe Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang báo cáo công tác quản lý tàu cá và giám sát sản lượng thủy sản tại cảng cá, sản lượng cập bến; quy trình, hồ sơ xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác tại cảng; hồ sơ theo dõi tàu cá ra vào cảng; hồ sơ kiểm soát sản lượng qua cảng, nhật ký khai thác và các quy định liên quan đến trách nhiệm báo cáo của các bên trong quản lý khai thác thủy sản, kiểm soát hoạt động khai thác IUU tại cảng cá.

Theo thống kê, tính đến 11/10, tổng số tàu thuyền đánh cá trên địa bàn Thành phố là 1.227 chiếc (không kể 452 thúng chai lắp máy), với tổng công suất 399.205 CV; công suất bình quân 325 CV/tàu. Trong đó, có 325 tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 m (vùng ven bờ); 317 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m đến dưới 15 m (vùng lộng); 585 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên (vùng khơi), chiếm 48% tổng số tàu thuyền. Hiện nay, những thông tin về đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, nghề khai thác của tàu cá thành phố đã được cập nhật đầy đủ vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng kiểm tra hồ sơ về kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến tại Trạm kiểm soát Biên phòng Mân Quang. Đồng thời, kiểm tra việc thực hiện công tác phối hợp tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân của địa phương về phổ biến các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chống khai thác IUU, thông báo danh sách tàu cá của thành phố có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tàu cá thuộc diện mất tích; việc thực hiện các quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định của Điều 44 Nghị định 26/2019/NĐ-CP, công tác quản lý vận hành và xử lý dữ liệu tàu cá bị mất kết nối và ra ngoài vùng biển Việt Nam...

Qua kiểm tra thực tế và nghe các sở, ngành, đơn vị chức năng báo cáo, Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn nhận định, hiện nay công tác khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU trên địa bàn Thành phố đang được đẩy mạnh, triển khai quyết liệt, nhờ đó bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Về cơ bản, công tác quản lý, giám sát tàu cá, nguồn gốc, sản lượng khai thác đang được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU.

Thời gian đến, đồng chí Trần Phước Sơn đề nghị các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 13/9/2022 của UBND Thành phố về khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU.

"Đề nghị các đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, lập danh sách các tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tàu cá khai thác hải sản trên biển và khi ra vào cảng cá Thọ Quang, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, đặc biệt là tàu cá vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài, tàu cá không lắp đặt thiết bị VMS theo quy định, tàu cá lắp thiết bị VMS nhưng làm vô hiệu hóa thiết bị khi hoạt động trên biển", Phó Chủ tịch Trần Phước Sơn chỉ đạo.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân các nội dung về chống khai thác IUU; quản lý, sử dụng thiết bị giám sát hành trình; tổ chức khai thác trên biển theo tổ, đội để đảm bảo an toàn, hỗ trợ lẫn nhau trong tình huống khẩn cấp; các đơn vị cung cấp thiết bị hướng dẫn các giải pháp ngăn ngừa sự cố mất tín hiện giám sát hành trình; các nội dung sửa đổi, bổ sung như sổ nhật ký khai thác, sổ danh bạ thuyền viên, quy định thuyền viên tàu cá theo nhóm tàu, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản… được ban hành trong Thông tư số 01/2022/TT-BNNPTNT ngày 18/1/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc sửa đổi, bổ sung một số Thông tư trong lĩnh vực thủy sản để kịp thời nắm bắt và thực hiện.

Minh Trang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/da-nang-xu-ly-nghiem-hanh-vi-khai-thac-thuy-san-trai-phep-102221013194000568.htm