Quy định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT về Quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Thông tư quy định chi tiết thi hành khoản 1 Điều 9 của Luật Tài nguyên nước về thẩm định và nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước theo dự án, đề án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và khoản 5 Điều 83 của Luật Tài nguyên nước về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước.

Thông tư gồm 4 Chương, 28 Điều. Cụ thể, Chương I: Quy định chung; Chương II: kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; Chương III: Thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Chương IV: Điều khoản thi hành.

Nguyên tắc kiểm tra như sau: Tuân thủ theo pháp luật; dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; kịp thời, chính xác; Thực hiện theo kế hoạch kiểm tra; theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền hoặc khi phát hiện dấu hiệu vi phạm; Có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, thời gian và đối tượng với hoạt động thanh tra, kiểm tra cùng lĩnh vực; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra.

Thông tư quy định hình thức kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất.

 Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Trong đó, kiểm tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch kiểm tra đã được phê duyệt. Kế hoạch kiểm tra bao gồm kế hoạch kiểm tra của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Y tế và kế hoạch kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau: Có chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về tài nguyên nước qua thông tin, số liệu quan trắc, giám sát, báo cáo của tổ chức, cá nhân; khi phát hiện dấu hiệu vi phạm gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; sụt, lún đất; gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Kiểm tra đột xuất cũng được tiến hành khi có phản ánh, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; các phương tiện truyền thông, thông tin và các nguồn thông tin khác.

Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng kế hoạch kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước, tổng hợp vào kế hoạch kiểm tra hằng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Cục Quản lý tài nguyên nước thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kết quả kiểm tra. Tùy thuộc vào mức độ của dấu hiệu vi phạm, để đảm bảo ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu tác hại, hậu quả do hành vi vi phạm gây ra, Cục Quản lý tài nguyên nƣớc gửi văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đối tượng cần kiểm tra đột xuất, tổ chức thực hiện kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra về Cục Quản lý tài nguyên nước.

Hằng năm, khi tiến hành hoạt động kiểm tra theo quy định của Thông tư này, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp, các cơ quan được giao kiểm tra phối hợp để xử lý theo quy định, bảo đảm một nội dung hoạt động của tổ chức, cá nhân chỉ là đối tượng của một cơ quan thanh tra hoặc cơ quan kiểm tra. Chồng chéo, trùng lặp được xử lý theo 3 nguyên tắc chính.

Thông tư cũng quy định cụ thể việc Tổ chức thực hiện một cuộc kiểm tra và xử lý kết quả kiểm tra; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm tra; Thẩm định và nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Hà My

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/quy-dinh-kiem-tra-viec-chap-hanh-phap-luat-ve-tai-nguyen-nuoc-88248.html