Cuối năm, tín dụng đen càng 'vây bủa'' công nhân lao động

Lợi dụng người lao động gặp khó về tài chính, trong khi nhu cầu chi tiêu cuối năm tăng cao, nhiều đối tượng cho vay nặng lãi đã tìm đến công nhân lao động.

Nhận diện phương thức lừa đảo

Tín dụng đen hay còn gọi là cho vay nặng lãi, đòi nợ theo kiểu xã hội đen. Hình thức cho vay này khá dễ dàng những việc trả rất khó. Núp dưới "vỏ bọc" công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ và bằng phương thức, thủ đoạn phát dán tờ rơi, lập các website, app ứng dụng trên điện thoại, sử dụng mạng xã hội đăng tin quảng cáo cho vay tiền.

Giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tín dụng đen vẫn là tạo việc làm ổn định cho người lao động

Những công nhân gặp khó về tài chính và tin vào những lời mời gọi đã tìm đến những đối tượng nêu trên để vay tiền. Tuy nhiên, vì thu nhập thấp, thậm chí bị giãn việc, giảm việc… nhiều công nhân vay tín dụng đen thường gặp phải tình trạng tiền lãi cộng gốc ngày càng tăng cao, mất khả năng chi trả. Lúc đó, họ bị chủ nợ hăm dọa, đánh đập... Doanh nghiệp có người lao động vay nợ bị các đối tượng quấy phá, đe dọa.

Tại buổi thảo luận về thực trạng tín dụng đen, lừa đảo qua mạng trong công nhân, diễn ra mới đây, ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (Đồng Nai) - chia sẻ: Những nhóm cho vay không chỉ gây sức ép đòi nợ lên người vay mà còn “khủng bố” chủ tịch công đoàn, buộc ông phải gửi đơn đến cơ quan công an. Trước đó, số điện thoại của ông vốn được công bố ở công ty bị công nhân đưa cho đối tượng vay tín dụng đen làm tin.

Là doanh nghiệp có tới 37.000 công nhân, lao động, ông Tú đánh giá: Đây là vấn đề khó kiểm soát, đặc biệt là nạn đánh bài trên mạng. Công nhân vướng vào nợ nần khó khăn, nhiều người phải trốn nợ, công ty mất lao động, công đoàn thì mất đoàn viên.

Không chỉ ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh - những địa phương đông công nhân... tình trạng này cũng phổ biến, gây ra tình trạng mất an ninh trật tự tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Tại Bắc Giang, theo chia sẻ của một công nhân làm việc tại Công ty TNHH Luxshera (Bắc Giang) từng khổ sở vì khoản vay qua app trực tuyến. Công nhân (xin được giấu tên) kể: Một lần lướt facebook thì thấy hiện lên ứng dụng cho vay tiền không lãi suất nên tò mò tải app về điện thoại tìm hiểu và thử vay lần đầu 500.000 đồng trong vòng 1 tuần không tính lãi. Lần vay đầu, anh trả đúng hẹn nên không có vấn đề gì. Sau đó, anh được mời chào vay tiếp hạn mức 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi.

Tin vào lời dẫn dụ từ "nhân viên tư vấn" của app, công nhân tiếp tục vay nhưng do không có tiền trả đúng hạn nên được tư vấn vay app khác để đáo nợ. Cứ như thế, từ 50 triệu đồng ban đầu, công nhân đã sập bẫy app "tín dụng đen" với khoản nợ lên tới gần 150 triệu đồng. Do số nợ ngày càng lớn, trả mãi không hết nên lúc nào anh cũng sống trong tình trạng khủng hoảng tinh thần, người thân, bạn bè liên tục bị "khủng bố" đòi nợ.

Để công nhân không còn là "con nợ" của tín dụng đen

Kết quả khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, nạn tín dụng đen đã và đang hoành hành tại các khu công nghiệp khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Giang…

Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp, đặc biệt sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đời sống của phần lớn công nhân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận chính sách tín dụng của người lao động còn hạn chế.

Trước thực trạng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi, tín dụng đen, nhất là ở những nơi có đông công nhân lao động; tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn, tác hại của tín dụng đen để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; triển khai hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động.

Đồng thời, phổ biến rộng rãi về gói vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân lao động, kết nối đầu mối cho vay. Ở những nơi có tín dụng đen hoạt động, công đoàn cơ sở cần phối hợp đơn vị chuyên môn xây dựng giải pháp cụ thể bảo vệ công nhân lao động và báo cáo lên công đoàn cấp trên để được hỗ trợ...

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Tuấn Tú cho hay, tình trạng công nhân sa vào tín dụng đen, rơi vào bẫy nợ nần đang là vấn đề nhức nhối. Do đó, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an ninh mạng trong công nhân, tạo kênh trao đổi thường xuyên với công nhân, giúp họ tránh xa tín dụng đen...

Để tín dụng đen không còn “bủa vây” người lao động, nhiều ý kiến bày tỏ: Giải pháp hữu hiệu vẫn là triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình an sinh xã hội. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội trở lại sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, giúp họ có thu nhập để trang trải và ổn định cuộc sống.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuoi-nam-tin-dung-den-cang-vay-bua-cong-nhan-lao-dong-296216.html