Cúng giao thừa - lễ quan trọng nhất Tết Nguyên đán như thế nào là chuẩn?

Cúng giao thừa hay lễ trừ tịch là lễ quan trọng nhất trong Tết Nguyên đán bởi người ta tin rằng mọi điều hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới.

Không nên cúng giao thừa năm 2024 - Quan điểm đang bị tẩy chay

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện những video chia sẻ về vấn đề “Tết 2024 không nên cúng giao thừa" vì "ngày xấu" hoặc "cổng năng lượng" không tốt.

Tài khoản MXH C.N. đăng tải video chia sẻ với nội dung như sau: "Năm 2024 này các bạn không nên cúng Giao thừa nha, bởi vì năm nay là năm chuyển giao chuyển vận, chuyển từ vận 8 qua vận 9, là năm KHÔNG VONG. Cái vòng năng lượng của những ngày cuối năm trong vận cuối này rất là xấu, vì vậy chúng ta không nên cúng Giao thừa. Vì vậy có rất nhiều chuyện chúng ta không ngờ sẽ xảy ra, những tai ương và kinh tế suy thoái. Bởi vậy chúng ta không nên cúng Giao thừa, không nên đón năng lượng xấu trong năm nay. Hơn nữa, ngày Giao thừa năm nay rơi vào ngày Giáp Thìn, Thìn Thìn Giáp Giáp, Thìn Thìn cũng là KHÔNG VONG trong đêm Giao thừa cho nên chúng ta không nên cúng Giao thừa".

Ngoài ra, trong video này còn chia sẻ "Nên cúng Giao thừa vào ngày nào?": "Các bạn có thể cúng Giao thừa vào ngày Đông chí, nhưng rất tiếc Đông chí đã qua rồi. Các bạn nào muốn cúng Giao thừa quá thì có thể chọn vài ngày trước đó, như ngày 25 hoặc ngày 27 để cúng Giao thừa và thắp nhang trên bàn thờ tổ tiên".

Một tài khoản MXH cũng đăng tải nội dung tương tự như sau: "Năm nay nghênh Thái Tuế hay chào năm mới thì chị B. cũng sẽ bỏ qua công đoạn Giao thừa. Năm nay chị B. không cúng Giao thừa, còn tùy mọi người nhé [...] Ngày mùng 1, mùng 2 gọi là ngày Thập ác, không được việc gì cả. Các bạn nhớ lại năm 2021 không, chị B. cũng nói tới ngày 14 là ngày tốt, những người mở hàng trong năm ấy là bị Covid liểng xiểng hết".

Tháng Chạp là tháng người dân chuẩn bị các công việc và làm bánh, món ngon để dâng lên mâm cỗ đêm Giao thừa.

Tất cả những quan điểm đó đều đã bị các chuyên gia phong thủy phản bác lại. Một số cho rằng nguồn gốc xuất hiện những quan điểm nêu trên xuất phát từ sự muốn được nổi tiếng, gây chú ý của một số người sở hữu mạng xã hội. Nó hoàn toàn là quan điểm đi ngược với truyền thống và thiếu cơ sở khoa học, vì thế đặc biệt không đáng tin.

Cúng giao thừa - Tục lệ đẹp của người Việt

Nhìn lại một nét văn hóa đã khảm sâu trong tâm thức của người Việt mấy nghìn năm, từ thuở Lang Liêu thời vua Hùng dâng cúng bánh chưng bánh dày để làm lễ Tết cho đến chuỗi dài các đời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê,... và rồi đến thời thái bình thịnh trị mà chúng ta đang sống, Giao thừa ngày Tết là khoảnh khắc thiêng liêng không thể dùng một vài từ để nói hết.

Lịch sử là một quá trình vận động không hồi kết, đi theo quy luật tự nhiên. Con người có Sinh, Lão, Bệnh, Tử, thời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, một năm trải dài 12 tháng chia làm 24 tiết khí, Ngũ thường ở đời có Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín,… cùng rất nhiều những quy luật mà con người khám phá ra và nương theo đó để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Giao thừa là một sự thiêng mà bất cứ người dân nào trên lãnh thổ Việt Nam cũng khao khát được tề tựu, sum vầy bên gia đình. Giao thừa tựa như một bản lề khép lại năm cũ, mở ra năm mới mà ở đó ai cũng gửi gắm những ước mơ và hy vọng.

Người ta mong chờ khoảnh khắc đón Giao thừa không chỉ để chào tạm biệt năm cũ, mà sau khoảnh khắc Giao thừa ấy người ta có thêm cơ hội để làm lại những gì chưa tốt, buông bỏ những điều cũ và tìm đến những điều tốt lành hơn.

Mà trong đó cúng Giao thừa là một nghi thức truyền thống có từ lâu đời để con người có thể bày tỏ sự thành tâm của mình trước tổ tiên, thần linh và trời đất. Người xưa dùng cả tháng Chạp để tất bật chuẩn bị cho mâm cúng đêm Giao thừa thêm đủ đầy. Cả một năm làm việc nỗ lực, vất vả chẳng phải để ngày cuối năm thêm phút thảnh thơi, mâm cỗ gia đình thêm được món ngon và tươm tất hơn hay sao?

Nghi thức cúng Giao thừa đã trở thành nét văn hóa đậm nét trong tâm thức của người Việt.

Hình ảnh cả gia đình quây quần bên mâm cỗ cúng, ông hoặc bố kính cẩn dâng hương cầu khấn bên cạnh những đào, những mai, những quất, bên nén nhang tâm thành và tất thảy các thành viên trong gia đình xin cho gia đạo bình an, một năm mới dồi dào sức khỏe, tài lộc may mắn. Đó là hình ảnh đẹp đẽ tiếp thêm bao động lực cho mọi người dốc lòng vì một năm phía trước tốt đẹp hơn.

Sau khi cúng Giao thừa, đón năm mới, cả nhà quây quần bên nhau để chúc tụng nhau đón những điều lành.

Nguồn gốc lễ cúng giao thừa (lễ trừ tịch)

Theo "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính, người Việt xưa tin rằng, mỗi năm có một vị Hành khiển trông coi việc nhân gian.

Hết năm, vị thần cũ giao lại công việc cho thần mới vào thời khắc chuyển giao giữa năm mới và năm cũ. Vì vậy, người dân làm lễ cúng giao thừa để tiễn vị thần cũ và đón vị thần mới. Ngày 30 tháng Chạp còn là ngày trừ tịch, nghĩa là trừ hết năm cũ để sang năm mới. Ngoài ra, còn có nghĩa là trừ khử ma quỷ.

Ông cha ta không coi ngày này như một Tết riêng mà xem nó là ngày tiên thường (ngày trước ngày giỗ/ngày cáo giỗ) hôm Nguyên Đán. Vì vậy, trong ngày hôm đó, người dân thường đem trầu cau đi mời ông bà tổ tiên, rồi về cúng Tết.

Vì sao cúng giao thừa là lễ quan trọng nhất Tết Nguyên đán?

Sau khi cúng tất niên, lễ cúng giao thừa (hay lễ trừ tịch) được thực hiện vào nửa đêm 30, rạng sáng mùng một Tết.

Cúng giao thừa hay lễ trừ tịch là lễ quan trọng nhất trong Tết Nguyên đán.

Nhà nghiên cứu Minh Đường nhấn mạnh lễ giao thừa là lễ quan trọng nhất trong dịp Tết Nguyên đán. Đó là lễ dâng hương vào giây phút chuyển giao giữa giờ khắc cuối cùng (giờ Hợi) của năm cũ và giờ khởi đầu (giờ Tý) của năm mới.

Người ta tin rằng mọi điềm hay, dở xảy ra vào giây phút này có liên quan tới mọi sự hay, dở của tất cả thành viên gia đình trong năm mới. Trong giây phút thiêng liêng ấy, mọi người đều quên đi tất cả những điều không hay trong năm cũ. Mọi sự kiêng kỵ được thực hiện triệt để từ giây phút giao thừa tới sáng sớm mùng 1 Tết.

Nghi lễ cúng giao thừa tại nhà

Theo Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh trả lời trên Thanh Niên, đêm 30 tháng Chạp, các nhà thường sửa soạn mâm lễ để cúng giao thừa ở giữa sân. Nếu không có sân thì cúng giữa nhà, hoặc có thể làm lễ trên sân thượng.

Hướng đặt mâm lễ chỉ nên đặt hướng Bắc, hoặc hướng Đông tùy theo từng gia đình (hướng Bắc để cúng Thượng Đế, hướng Đông để cúng Thiên Tử là Vua).

Nếu có điều kiện, nên chuẩn bị một chiếc lọng màu vàng có diềm đỏ để che nắng che mưa; Một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải vàng sang trọng ngay ngắn; Một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để tiễn và rước các vị cựu niên và đương niên Hành khiển;

Một mâm lễ gồm gà trống đỏ, xôi đỏ, bánh chưng xanh, cùng các loại sơn hào hải vị; 9 chén rượu ba màu đỏ, trắng, vàng (màu đỏ để lấy vận khí tốt, màu trắng để lấy tài lộc, màu vàng để lấy sự bình yên, may mắn); 5 chén trà 5 loại hương vị trà khác nhau (trà sen, trà nhài, trà bưởi...); Một mâm hoa quả "ngũ quả" đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền; Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá mỗi loại 99 nén; Thắp 9 ngọn nến hoặc 9 cây đèn dầu.

Người Việt thường chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn để cúng giao thừa.

Gs.Vs Lương Ngọc Huỳnh cũng lưu ý, các gia đình chưa có điều kiện cũng có thể thành tâm chuẩn bị mâm lễ gồm trầu, rượu, hoa quả, xôi gà…; và đặc biệt không nên đốt tiền âm phủ trong lễ đón giao thừa để tránh các "vong âm" lai vãng.

Sau khi đã chuẩn bị xong mâm lễ trước 12 giờ đêm, vào đúng thời khắc giao thừa thì người lớn nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, súc miệng rượu thơm bắt đầu hành lễ.

Cúng giao thừa ở chùa, đền, miếu

Đêm 30 tháng Chạp, rạng sáng mùng 1 Tết, ở các tỉnh, thành, địa phương, người dân hay đi lễ chùa, lễ đền miếu để cầu xin Phật Thánh phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình suốt năm bình an, may mắn, thịnh vượng, mọi việc như ý. Mâm lễ các gia đình tùy tâm chuẩn bị, hoặc có thể đến chùa, đền, miếu mua sẵn.

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cung-giao-thua-le-quan-trong-nhat-tet-nguyen-dan-nhu-the-nao-la-chuan-172240130154146984.htm