Cục Hàng không chỉ đạo 'khẩn' liên quan đến việc thiếu máy bay

Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu các hãng bay tập trung rà soát kế hoạch, chính sách liên quan, tổ chức thực hiện các biện pháp thích ứng với tình hình tế.

Hoạt động này được đưa ra trước bối cảnh biến động đội bay của các hãng hàng không trong nước. Cụ thể, tháng 9/2023, Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thông báo về việc Pratt&Whitney phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới) để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất.

Việt Nam có 44 máy bay A321 Neo trang bị động cơ PW1100G. Việc triệu hồi động cơ sẽ làm cho các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025.

Việt Nam có 44 máy bay A321 Neo trang bị động cơ PW1100G. Việc triệu hồi động cơ sẽ làm cho các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025.

Theo chỉ dẫn của nhà sản xuất, các bộ phận cần kiểm tra và thay thế trên động cơ PW 1100 G là đĩa máy nén cao áp và đĩa tuabin cao áp. Để thực hiện kiểm tra, động cơ được tháo khỏi máy bay để siêu âm kiểm tra khiếm khuyết, thay thế bộ phận bị lỗi (nếu có) rồi lắp ráp lại trước khi gắn lên máy bay. Quá trình trên dự kiến mất từ 250 - 300 ngày cho mỗi động cơ.

Việt Nam có 44 máy bay A321 Neo trang bị động cơ PW1100G. Trong đó, của Vietnam Airlines có 20 máy bay và Vietjet sở hữu 24 chiếc. Việc triệu hồi động cơ sẽ làm cho các máy bay trên phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng dừng khai thác đội máy bay Embraer E190 (3 chiếc) và dừng khai thác các đường bay sử dụng loại máy bay này (Hà Nội-Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và TP. Hồ Chí Minh-Đồng Hới/Côn Đảo) để thực hiện tái cơ cấu, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động khai thác, tiến tới cân đối được thu chi và mở rộng, tăng trưởng trở lại. Đối với đường bay thẳng Hà Nội-Côn Đảo sẽ dừng khai thác từ ngày 1/4/2024.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các nguyên nhân nêu trên sẽ tác động trực tiếp đến lực lượng vận tải, quy mô đội máy bay và tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế trong năm 2024, 2025. Việc thiếu hụt máy bay dẫn đến nguy cơ khiến vé máy bay cao điểm hè sẽ càng khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng máy bay bị thiếu hụt do dừng bay (kế hoạch tiếp nhận máy bay, thuê ướt máy bay trong các giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, cao điểm Hè, tính toán tối ưu kế hoạch khai thác động cơ đến hạn…)

Trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán, các hãng hàng không Việt Nam đã bổ sung 15 máy bay thuê có tổ bay, trong đó có 4 máy bay có thời hạn thuê đến tháng 5/2024 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách; bổ sung tải cung ứng trên các đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu của hành khách trong giai đoạn Tết Nguyên đán và giai đoạn cao điểm Hè.

Đối với đường bay tới Côn Đảo chưa tiếp nhận được các loại máy bay lớn như A320/A321, Cục chỉ đạo các hãng hàng không rà soát kế hoạch, nghiên cứu việc bổ sung tải cung ứng trên các đường bay đi, đến Côn Đảo cũng như loại máy bay phù hợp để có thể khai thác đường bay đi, đến Côn Đảo nói chung và đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo nói riêng.

Cục Hàng không Việt Nam cũng khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không nghiên cứu, lựa chọn các hình thức, phương tiện phù hợp với kế hoạch di chuyển đến các điểm đến, trong đó có Côn Đảo. Cạnh đó, chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để sắp xếp kế hoạch, sớm đặt vé khi lựa chọn di chuyển bằng đường hàng không.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cuc-hang-khong-chi-dao-khan-lien-quan-den-viec-thieu-may-bay-307079.html