Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cần làm gì để 'cất cánh'?

SKĐS - Trải qua gần 10 năm trở thành cửa khẩu quốc tế, nhưng việc đầu tư vào hạ tầng chưa đúng mức, đồng bộ khiến Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) chưa thực sự khai mở hết tiềm năng.

Ùn ứ vì hạ tầng yếu, thiếu

Thời gian gần đây, Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn Nghệ An ghi nhận tăng đột biến trong lưu lượng phương tiện và hoạt động xuất nhập cảnh hằng ngày. Trước đây mỗi ngày có khoảng 120 - 150 phương tiện đến làm thủ tục, nay tăng lên 250 - 300 phương tiện.

Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Kỳ Sơn.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, tình trạng ách tắc tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn trở thành chuyện quen thuộc trong thời gian dài. Anh Nguyễn Văn Hiếu, lái xe đầu kéo tuyến Cửa Lò- Xiêng Khoảng (Lào) cho biết, ách tắc tại cửa khẩu này diễn ra thường xuyên, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động vận tải. "Thông thường chuyến đi trong một ngày, nhưng do tình trạng ách tắc trên tuyến đường từ Cửa Lò đi Xiêng Khoảng, cùng với thiếu hụt bến đỗ tại cửa khẩu, thời gian di chuyển tăng lên 2 - 3 ngày", anh Hiếu nói.

Theo quan sát của PV, tình trạng ách tắc lan rộng ra đến Quốc lộ 7, khu vực gần cửa khẩu, khiến cho việc đi lại của người dân trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đoạn đường này, có 2 làn xe rộng chưa đến 8m và lề đường hẹp, phải chịu gánh nặng từ xe trọng tải lớn đỗ lại chờ thông quan, gây ra sự bất tiện và nguy hiểm cho giao thông.

Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn không có bến bãi đỗ xe nên các phương tiện phải dừng đỗ ngay trên đường chờ thông quan.

Tình trạng ách tắc trên tuyến quốc lộ và tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cuộc sống hàng ngày của người dân địa phương. Ông Hờ Giống Dì, trú tại bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn bức xúc cho rằng, tình trạng ùn tắc trên tuyến đường này xảy ra thường xuyên, đặc biệt là vào các thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán. "Việc xe tải trọng lớn phải dừng đỗ kéo dài trên đường làm cho cuộc sống của người dân bị xáo trộn, đi lại khó khăn và nguy hiểm", ông Hờ Giống Dì nói.

Đại diện Trạm kiểm soát Biên phòng tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết, trước đây, lượng phương tiện đến làm thủ tục trong một ngày chỉ từ 120 - 150 lượt, gần đây con số này tăng lên đáng kể. Theo đó, dù các cơ quan chức năng nỗ lực hết sức để tăng tốc quá trình kiểm tra và thủ tục xuất nhập cảnh, nhưng việc thiếu bến đỗ xe tại cửa khẩu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc và ách tắc hiện nay.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, đường sá hai bên cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chật hẹp, xuống cấp. Hạ tầng, bến bãi chưa được đầu tư để đáp ứng cho phương tiện, hàng hóa tập kết chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu...

"Chìa khóa" cho Nậm Cắn cất cánh

Thượng tá Nguyễn Hồng Đức, Đồn Trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) cho biết, tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu diễn ra từ trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo ông Đức, lượng người và phương tiện xuất, nhập cảnh tăng mạnh, gây ra tình trạng ùn tắc trầm trọng.

Để giải quyết vấn đề này, các đơn vị chủ động nghiên cứu và áp dụng các biện pháp bổ sung, đổi mới phương án làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát, vẫn đảm bảo quy trình và quy định. Tình trạng thiếu bến đỗ xe chở hàng tại cửa khẩu gây ra không ít khó khăn trong việc xuất nhập cảnh mà còn ảnh hưởng đến việc tổ chức các phiên chợ trong khu vực này.

Lực lượng chức năng tăng cường thời gian giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn.

Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn là cửa ngõ quan trọng giữa Việt Nam và Lào, cửa ngõ này còn mang nhiều tiềm năng phát cho sự phát triển khu vực phía Tây và tỉnh Nghệ An. Sự mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư tại đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống địa phương.

Vì vậy, "chìa khóa" quan trọng nhất để mở cửa ngõ này ra là phải đầu tư nâng cấp toàn diện hạ tầng khu cửa khẩu để có bãi sang tải, điểm dừng đỗ cũng như các dịch vụ khác.

Thêm vào đó, việc tổ chức chợ biên tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn cũng gặp phải nhiều hạn chế. Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho rằng việc này không chỉ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế mà còn gây khó khăn trong giao lưu, trao đổi hàng hóa giữa nhân dân hai bên cửa khẩu. Cơ sở hạ tầng chật hẹp và thiếu bến dừng, đỗ cho các phương tiện giao thông đã tạo ra nhiều khó khăn, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần khi diễn ra chợ phiên.

Một góc chợ phiên Nậm Cắn.

Theo lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn, cần có giải pháp tháo gỡ từ các cấp có thẩm quyền để giải quyết vấn đề này và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cộng đồng địa phương.

Để giải quyết tình trạng ách tắc tại cửa khẩu, từ cuối tháng 10/2023, Đoàn công tác liên ngành từ hai tỉnh Nghệ An (Việt Nam) và Xiêng Khoảng (Lào) tổ chức hội nghị, thống nhất và đề xuất lên cấp có thẩm quyền của từng bên triển khai các biện pháp cụ thể. Đầu tiên là khảo sát và bổ sung quy hoạch mới cho khu vực cửa khẩu, nhằm mở rộng phạm vi mà không ảnh hưởng đến biên giới. Đề xuất đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của các phương tiện và hàng hóa chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu.

Hai bên đồng ý đề nghị cho phép di chuyển barie số 2 gần hơn đến khu vực cửa khẩu, nhằm tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa barie số 1 và barie số 2. Đề xuất đầu tư và nâng cấp Quốc lộ 7 ở hai phía của cửa khẩu, nhằm đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông dừng và đỗ chờ vào khu vực làm thủ tục, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển của các phương tiện khác.

Hoàng Trinh

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/cua-khau-quoc-te-nam-can-can-lam-gi-de-cat-canh-172240416100434279.htm