Cú sập từ 6 tỷ USD về gần số 0 của startup phân tích gen tổ tiên

Từ mức định giá 6 tỷ USD, 23andMe, công ty kiểm tra và phân tích gen di truyền của Anne Wojcicki đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Năm 2021, 23andMe nổi lên như "con cưng" của Phố Wall và Thung lũng Silicon. Hàng triệu người đổ xô nhổ nước bọt vào ống nghiệm của startup này để tìm hiểu về tổ tiên.

Tuy nhiên, tất cả giờ sắp chỉ còn là dĩ vãng. Định giá của 23andMe đã giảm 98% so với mức đỉnh 6 tỷ USD và Nasdaq đang đe dọa sẽ hủy niêm yết cổ phiếu công ty.

Sau tất cả, startup này chưa bao giờ kiếm được lợi nhuận và đang đốt tiền mặt nhanh đến mức sẽ hoàn toàn khánh kiệt vào năm 2025.

Ngôi sao ở Thung lũng Silicon chỉ sau một đêm

Bà Esther Wojcicki (81 tuổi) là nhà báo, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ, đồng thời là tác giả cuốn sách Nuôi dạy con thành công.

Ngoài ra, bà được biết đến là người mẹ tuyệt vời khi nuôi dạy ba người con “siêu thành đạt”. Susan Wojcicki là CEO YouTube, con gái thứ hai Janet là giáo sư nhi khoa và dịch tễ. Người con cuối cùng chính là Anne, đồng sáng lập và CEO của 23andMe.

Khi trưởng thành, Anne quyết định chuyển đến Yale và sau khi tốt nghiệp đại học, cô chuyển sang làm việc tại các quỹ phòng hộ và công ty tư nhân chuyên phân tích những công ty chăm sóc sức khỏe.

Wojcicki và Sergey Brin. Ảnh: Reuters.

Năm 1998, Brin và Larry Page thuê gara của chị gái Susan làm văn phòng đầu tiên của Google. Susan sau đó cũng trở thành giám đốc điều hành trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo, trước khi được biết đến với danh xưng "nữ tướng" YouTube nhiều năm sau đó.

Mối lương duyên này cũng giúp Brin và Anne gặp nhau. Hai tuần sau khi Brin và Wojcicki kết hôn vào năm 2007, Google công bố khoản đầu tư vào 23andMe.

Chỉ qua một đêm, Anne Wojcicki đã từ một cựu phân tích tài chính ít tên tuổi vụt sáng trở thành ngôi sao ở Thung lũng Silicon.

Từ đây, Anne xây dựng thương hiệu 23andMe bằng cách tổ chức các bữa tiệc để thu thập mẫu gen của khách hàng tiềm năng.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm 2008 và Tuần lễ Thời trang New York, startup này tiếp tục gây chú ý khi mời Barry Diller, Rupert Murdoch, Harvey Weinstein và Diane von Furstenberg đến bữa tiệc thu thập mẫu nước bọt.

Chiến lược gây tiếng vang của 23andMe ban đầu không hiệu quả. Nguyên nhân bởi vào thời điểm đó, thử nghiệm của 23andMe có giá lên đến 399 USD, quá đắt để thu hút người tiêu dùng.

Phải đến năm 2012, một vòng tài trợ mới từ tỷ phú Israel gốc Nga Yuuri Milner, một trong những hàng xóm của Anne và Brin ở Los Altos Hills, đã giúp 23andMe giảm giá xét nghiệm gen xuống còn 99 USD.

Vài tháng sau, 23andMe tung chiến dịch quảng cáo toàn quốc đầu tiên. Tuy nhiên, điều này nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Cơ quan này sau đó quyết định tạm dừng bán thiết bị kiểm tra sức khỏe của 23andMe với lý do có nguy cơ báo cáo sai.

Bộ kit xét nghiệm thông tin di truyền của 23andMe. Ảnh: Bloomberg.

Sau 2 năm và chi phí hàng triệu USD để xác thực các báo cáo sức khỏe, 23andMe đã được phép bán lại thiết bị.

Thử nghiệm của công ty phân tích gene này sau đó nhanh chóng trở thành một cơn sốt với những câu chuyện lan truyền về việc mọi người bất ngờ phát hiện ra cha mẹ hoặc anh chị em.

Với mức giá chỉ dưới 100 USD, Anne Wojcicki và những nhà đồng sáng lập 23andMe đã đặt cược sản phẩm của họ có thể cung cấp cho người dùng dữ liệu về sức khỏe tổ tiên bằng cách giải trình tự một số bộ gen.

Sự đặt cược của 23andMe đã được đền đáp. Sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), định giá của 23andMe nhanh chóng đạt đến 6 tỷ USD. Tờ Forbes sau đó còn vinh danh Anne Wojcicki, CEO của 23andMe là “tỷ phú tự thân mới nhất”.

Cú ngã đau đớn

Với kho dữ liệu gen khổng lồ, 23andMe bắt đầu phát triển thuốc, phân chia chi phí và lợi nhuận trong tương lai trong một thỏa thuận với gã khổng lồ dược phẩm GSK.

Không giống với hầu hết công nghệ sinh học nhỏ, vốn chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, 23andMe nghiên cứu các phương pháp điều trị cho hàng chục loại bệnh.

Lợi ích của điều này có thể rất lớn, nhưng đổi lại là chi phí cho bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể tiêu tốn hàng trăm triệu USD và cần 10 năm để vượt qua các thử nghiệm lâm sàng.

Bên cạnh đó, WSJ còn đánh giá trọng tâm hoạt động kinh doanh xét nghiệm gen của 23andMe tồn tại hai thách thức cơ bản. Khách hàng chỉ cần làm bài kiểm tra một lần và rất ít người làm bài kiểm tra nhận được kết quả sức khỏe thay đổi cuộc sống của họ.

Chính vì mô hình kinh doanh tồn đọng nhiều vấn đề mà công ty vẫn chưa có lãi. Thậm chí, 23andMe có thể cạn tiền để hoạt động vào đầu năm 2025.

23andMe sụp đổ bởi tham vọng nghiên cứu phương pháp điều trị cho hàng chục loại bệnh, vốn tốn kém và mất nhiều thời gian để vượt qua các thử nghiệm lâm sàng. Ảnh: Reuters.

Anne Wojcicki cho rằng mình có thể huy động thêm vốn để hỗ trợ nỗ lực phát triển của 23andMe. Tuy nhiên, vấn đề là hiện tại, mặt bằng chung lãi suất đang rất cao và gián tiếp khiến cổ phiếu các công ty dược phẩm nhỏ không còn được ưa chuộng nữa.

Không huy động được tiền, năm 2023, 23andMe phải cắt giảm một nửa đội ngũ phát triển. “Không còn gì để nói ngoài việc chúng tôi đã sai hoàn toàn”, Anne Wojcicki nói với các nhà đầu tư.

Roelof Botha, thành viên hội đồng quản trị 23andMe và đối tác tại Sequoia Capital, cho biết chiến lược chi tiêu lớn của công ty có ý nghĩa khi tiền rẻ.

Tuy nhiên, hiện tại tình hình đã không cho phép startup này xoay chuyển tình thế bằng những đồng USD. “Chúng tôi phải cắt giảm và tập trung vào số lượng dự án nhỏ hơn”, Botha nhận định.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/cu-sap-tu-6-ty-usd-ve-gan-so-0-cua-startup-phan-tich-gen-to-tien-post1459037.html