Công trình phòng thủ vẹn nguyên giá trị lịch sử

Đồn Chơn Sảng và Trạm Nam Chơn nằm ở Hải Vân Quan hùng vĩ, ra đời cách đây khoảng 200 năm, gắn với 2 trận thắng lớn của triều Nguyễn trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại mặt trận Đà Nẵng kể từ năm 1858. Có điều, hiện nay dư luận đang rất quan tâm về việc 2 di tích này đang đứng trước nguy cơ bị 'bỏ quên' và có khả năng buộc di dời đến một địa điểm khác, hoặc chỉ còn tồn tại trên màn hình 3D...

Tấm bia đá được người dân phát hiện tại Đồn Chơn Sảng vài năm trước và đang được Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân lưu giữ và sơ đồ bố trí Trạm Nam Chơn và Đồn Chơn Sảng thời nhà Nguyễn. Ảnh: Tư liệu

Ngược về quá khứ

Đây là hai di tích lịch sử - hệ thống thành phòng thủ của triều Nguyễn được xây bằng đá, hào sâu rất kiên cố. Nói về lịch sử ra đời và giá trị của những di tích này, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương - Trưởng bộ môn Việt Nam học (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) tiết lộ nhiều thông tin giá trị. Làng Chơn Sảng (sau này tên là thôn Hòa Vân, P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu) có vị thế rất hiểm yếu, lưng dựa vào Hải Vân, mặt nhìn ra vịnh Đà Nẵng. Lịch sử Việt Nam thời cận đại nói chung và lịch sử Quảng Nam - Đà Nẵng buổi đầu chống Pháp nói riêng ghi lại rõ: Nơi đây đã diễn ra 2 trận đánh nổi tiếng, vẫn được lưu trong sử sách. Để chống lại sự xâm lược của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, triều đình nhà Nguyễn đã cử tướng Nguyễn Tri Phương vào chỉ huy mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Viên tướng chỉ huy người Pháp đánh Đà Nẵng (năm 1858) là Regault de Genouilly sau một thời gian đánh không thắng vì bị quân dân nhà Nguyễn cầm chân tỏ ra chán nản, xin từ chức.

Tiếp theo, Thiếu tướng Francois Page sang thay thế. Vì muốn thể hiện năng lực, viên tướng này quyết định mở một trận đánh lớn vào Đồn Chơn Sảng ngày 18-11 1859, nhưng gặp sự kháng cự rất quyết liệt. Trong trận đánh này, viên Thiếu tá công binh Déroulède chỉ huy trận đánh bị tiêu diệt, tuy nhiên quân Pháp vẫn chiếm được Đồn Chơn Sảng. Chơn Sảng thất thủ, đường bộ từ Đà Nẵng ra Huế qua đèo Hải Vân bị nghẽn do quân Pháp án ngữ. Để đối phó, Vua Tự Đức liền cử thống chế Nguyễn Trọng Thao làm Đề đốc quân vụ, đem quân vào Hải Vân cự đánh. Quân Nguyễn Trọng Thao từ trên đèo tiến xuống, kèm theo là quân của Trần Đình Túc và Nguyễn Hiên từ Đồn Nam Ổ (tên gọi khác là Nam Ô) và Câu Đê tấn công lên đã nhanh chóng đuổi được quân Pháp ra khỏi Chơn Sảng vào tháng 1-1860.

28 năm sau, vào đêm 28-2 1886, đoàn công binh của Pháp do Đại úy Besson chỉ huy dừng chân ở Đồn Chơn Sảng. Được sự mật báo của một người thông dịch viên tên Trần Văn Quế, quân Nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu đã kéo về ém dưới chân đèo Hải Vân. Nửa đêm, 300 quân Nghĩa hội xuất phát từ làng Nam Ô dùng thuyền và ghe tam bản bơi theo sông Thủy Tú ra vịnh Đà Nẵng, sau đó vòng theo eo biển dưới chân Hải Vân rồi tiến lên bao vây Đồn Chơn Sảng. Toàn bộ đội lính công binh của Pháp bị quân Nghĩa hội tiêu diệt…

Đại tá Đỗ Văn Đông giới thiệu về di tích Đồn Chơn Sảng, dù đã 200 năm trôi qua song kết cấu xây dựng hiện vẫn còn khá nguyên vẹn.

Cần gìn giữ cho muôn đời

Theo Đại tá Đỗ Văn Đông - Chính ủy BĐBP TP Đà Nẵng, Di tích Đồn Chơn Sảng và Trạm Nam Chơn có vị trí rất gần với Trạm Kiểm soát Biên phòng Hòa Vân (Đồn Biên phòng Hải Vân) ngày nay. Tính thời gian, 2 di tích này ra đời cách đây khoảng 200 năm, có tổng diện tích khoảng 1,5ha. Dù không được trùng tu quá lâu, cây cối mọc che khuất, song kết cấu xây dựng của hệ thống thành hào của di tích vẫn còn nguyên vẹn. Tường thành làm bằng đá, gắn kết bằng chất liệu đặc biệt, nên hiện vẫn rất chắc chắn.

Với chủ trương phát triển du lịch khu vực phía Tây, TP Đà Nẵng đã thông qua đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây và Đồn Chơn Sảng, Trạm Nam Chơn nằm trong khu vực quy hoạch này. Mới đây khi lấy ý kiến đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây, Sở Văn hóa - Thể thao nhìn nhận vị trí 2 nền móng công trình phòng thủ quân sự triều Nguyễn tại khu vực làng Vân, có ảnh hưởng trực tiếp đến bố cục và định hướng phát triển không gian cũng như tiến độ thực hiện của dự án. Do vậy, cần cân nhắc đưa ra các giải pháp ứng xử phù hợp đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững hài hòa với quy hoạch của khu sinh thái.

Sở Xây dựng TP Đà Nẵng đề nghị ngành văn hóa nêu quan điểm cụ thể “giữ hay xóa”. Sở Văn hóa - Thể thao cho rằng, cần ưu tiên thực hiện dự án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây để đảm bảo tiến độ dự án nhằm làm động lực phát triển kinh tế của thành phố, vì thế “Lựa chọn vị trí phù hợp để phục dựng mô hình kiến trúc hiện trạng và trình chiếu phim bằng công nghệ 3D về 2 công trình nói trên nhằm lưu giữ ký ức lịch sử về các công trình phòng thủ ven biển của triều Nguyễn tại Đà Nẵng”.

Tuy nhiên, UBND quận Liên Chiểu đã có công văn khẳng định 2 di tích trên dấu vết rất rõ ràng và còn nguyên giá trị lịch sử sâu sắc về cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của cha ông, nên có văn bản kiến nghị căn cứ theo Luật Di sản văn hóa năm 2001, đề nghị các cơ quan chức năng cần giữ lại và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của các công trình quân sự của triều Nguyễn tại khu vực làng Vân để góp phần phát triển kinh tế. Lý giải, không xa với Đồn Chơn Sảng là Hải Vân Quan nổi tiếng và ngay cả trên đèo Hải Vân hiện vẫn đang tồn tại cung đường mà lịch sử đã nhắc đến là con đường Thiên lý Bắc - Nam. Do vậy, nếu khai thác được giá trị của các cụm quần thể di tích, di sản mà lịch sử đã để lại, đặc biệt là hệ thống kiến trúc thành, hào phòng thủ gắn với lịch sử những ngày đầu đánh Pháp tồn tại trên dưới 200 năm, rõ ràng đây là một địa chỉ giàu giá trị để phát triển du lịch.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phương cho rằng, nếu như xóa bỏ hay chọn địa điểm khác để phục dựng hoặc triển khai mô hình 3D là việc không nên làm. Mô hình du lịch qua màn hình 3D không xa lạ, song thực tế, nó chỉ là bổ sung, làm phong phú thêm di tích sống. Nếu không có di tích, chứng tích gốc, sau một thời gian, mô hình này sẽ bị nhàm chán, mất đi tính giá trị. Do vậy, Đà Nẵng cần phải giữ lại Đồn Chơn Sảng, Trạm Nam Chơn để phát huy giá trị và ý nghĩa lịch sử của nơi này.

CÔNG HẠNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/cong-trinh-phong-thu-ven-nguyen-gia-tri-lich-su-post290687.html