Chuyên gia hiến kế đưa Đà Nẵng về 'đường ray' phát triển

Ngày 13/3, tại TP. Đà Nẵng, Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Động lực tăng trưởng của Đà Nẵng đang suy yếu

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho biết, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43, Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, mức tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, quy mô kinh tế chưa có sự bứt phá, cơ cấu kinh tế bộc lộ những điểm chưa phù hợp. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Vai trò, vị trí của TP. Đà Nẵng trong mối liên kết phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tây Nguyên chưa rõ nét…

Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị.

Theo Bí thư TP. Đà Nẵng, các nguyên nhân dẫn đến hạn chế mang tính chủ quan vẫn là cơ bản. Đó là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung nhiều thời gian và công sức cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bão lũ và phục hồi kinh tế sau đại dịch. Trong cùng một thời điểm phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, bản án gây lãng phí các nguồn lực, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Trong khi đó, Đà Nẵng hiện chưa có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phù hợp và chưa tạo ra nguồn lực lớn để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương cho rằng, thành phố cần rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành để hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh phù hợp, nhất là việc thí điểm chính quyền đô thị. Địa phương tiếp tục nghiên cứu, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mới; thực hiện Đề án phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc sau thanh, kiểm tra….

Theo T.S Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mô hình phát triển của Đà Nẵng do nhiều nguyên nhân đã giảm dần, thu hẹp dư địa phát triển, cần sớm bổ sung thêm năng lượng, thay đổi động lực để đưa Đà Nẵng trở lại “đường ray” phát triển nhanh, bền vững.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, hiện nay, mục tiêu quy hoạch kinh tế - xã hội đến năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,5-10%/năm là rất cao so với diễn biến thực trạng kinh tế - xã hội Đà Nẵng hiện nay.

Tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng đang giảm dần, những khác biệt của phát triển kinh tế Đà Nẵng không còn, trong khi các động lực tăng trưởng đang suy yếu dần, không có khả năng bứt phá để đưa Đà Nẵng trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và bền vững.

“Thực tế cho thấy đầu tư xã hội của Đà Nẵng đang suy giảm nhanh chóng, liên tục và toàn diện trong thời gian qua”, ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Kiến nghị không điều tiết thu ngân sách Đà Nẵng về Trung ương

Từ thực trạng trên, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã đưa ra một số giải pháp tăng thêm động lực, nguồn lực cho Đà Nẵng quay lại quỹ đạo tăng trưởng. Trong đó, có kiến nghị tăng thêm vốn đầu tư Nhà nước bằng cách tạm thời không điều tiết thu ngân sách Đà Nẵng về Trung ương để đảm bảo vốn đầu tư Nhà nước đạt 25% tổng vốn đầu tư xã hội của Đà Nẵng như quy hoạch đã xác định. Đồng thời, bố trí đủ vốn để thực hiện dự án QL 14B và 14G cho toàn tuyến kết nối Đà Nẵng với bắc Tây Nguyên. Cho phép Đà Nẵng thu hút đầu tư dưới hình thức PPP không hạn chế lĩnh vực, ngành nghề, quy mô….

T.S Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, phát biểu tại hội nghị.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đình Cung cũng kiến nghị cần có hàng loạt cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù, vượt trội cho Đà Nẵng đến năm 2030. Cụ thể như: Cho phép TP. Đà Nẵng hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất thực hiện các dự án PPP trong các dự án phát triển đô thị hiện đại, xanh và thông minh; cho phép Đà Nẵng mở thêm cơ sở casino cho khách du lịch số lượng, quy mô các cơ sở casino do HĐND TP. Đà Nẵng quyết định; có chính sách, cơ chế ưu đãi đặc thù vượt trội về sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở đào tạo ngoài công lập áp dụng các chương trình đào tạo quốc tế tốt, đào tạo song ngữ…

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thủy sản Việt Nam cho rằng: Với lợi thế về vị trí địa lý, quá trình phát triển, các ngành kinh tế biển ở Đà Nẵng vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Chưa phát huy đầy đủ được lợi thế của biển và kinh tế biển trong củng cố vị thế của một thành phố cảng biển, trung tâm logistics, đầu mối liên kết vùng và sức cạnh tranh cấp khu vực và quốc tế….

Từ đó, ông Hồi kiến nghị một số giải pháp, như: Huy động nguồn lực để xây dựng, mở rộng, hiện đại hóa cảng Đà Nẵng thành cảng biển tổng hợp cấp quốc gia và vùng, đảm nhiệm vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở miền Trung theo hướng cảng xanh, thông minh; hoàn thành xây dựng bến cảng Liên Chiểu tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển của thành phố.

Bên cạnh đó, cần chuyển dịch cơ cấu nghề cá của thành phố theo hướng tăng cường đánh bắt xa bờ, thậm chí nghề cá viễn dương, duy trì ổn định diện tích nuôi trồng ven biển; tổ chức đội hình khai thác xa bờ với đội tàu hiện đại, có khả năng bám biển Hoàng Sa, có tàu hậu cần, sơ chế và bảo quản sản phẩm thủy sản dài ngày trước khi đưa vào bờ; đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đạt cảng cá loại I và là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết: Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội nghị sơ kết này sẽ tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43. Trong đó, đề xuất Bộ Chính trị ủng hộ, thống nhất chủ trương chỉ đạo các cơ quan Trung ương quan tâm, xem xét ban hành một số cơ chế, chính sách mới, mang tính đặc thù tạo động lực phát triển mới cho sự phát triển phù hợp với yêu cầu và đặc điểm của thành phố.

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-gia-hien-ke-dua-da-nang-ve-duong-ray-phat-trien-post1619938.tpo