Chủ động phòng bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 ổ dịch dại trên động vật ở các huyện Ngọc Hiển, Ðầm Dơi và TP Cà Mau. Tập quán nuôi chó thả rông; ý thức còn chủ quan của người dân, một số trường hợp khi bị chó cắn không tiêm phòng vắc xin bệnh dại; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó nuôi đạt thấp, là nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp xuất hiện ổ bệnh dại, tử vong ở người.

Công bố dịch bệnh dại ở xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau
Giữa dịch dại, tràn lan chó thả rông
Xuất hiện ổ dịch dại trên chó tại huyện Ngọc Hiển

Nhằm nâng cao ý thức cho người nuôi thú cưng, một số địa phương thực hiện cắm, treo biển báo tuyên truyền quản lý về các hành và các mức xử phạt để người dân nắm rõ (Ảnh chụp tại Công viên Hùng Vương phường 5).

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để ứng phó với tình hình dịch bệnh dại ở động vật, ngoài chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng, trang thiết bị chống dịch, thì nguồn hóa chất, vắc xin cũng trong trạng thái chủ động. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã tiêm phòng được 3.003 liều vắc xin cho chó mèo, trong đó tiêm phòng bao vây ổ dịch 2.250 liều, xã hội hóa 753 liều. Dự kiến trong năm 2024 sẽ tiêm phòng được khoảng 45 ngàn liều vắc xin dại cho đàn chó mèo (ngân sách tỉnh là 36 ngàn liều, xã hội hóa 9 ngàn liều), tỷ lệ đạt khoảng 32%, tuy nhiên con số này vẫn còn thấp so với quy định là ít nhất 80% so với tổng đàn.

Ðể chủ động phòng ngừa bệnh dại, nhiều hộ gia đình trực tiếp đưa thú cưng đến các điểm tiêm ngừa, vừa đảm bảo an toàn cho vật nuôi, vừa bảo vệ sức khỏe cho gia chủ và cộng đồng.

Ngoài ra, để đẩy mạnh tuyên truyền, Chi cục còn phối hợp với ngành y tế, địa phương hướng dẫn, vận động người dân thực hiện nghiêm việc quản lý chặt chó mèo nuôi, như đưa chó mèo đi tiêm phòng dại, mở các đợt ra quân bắt chó thả rông, chia sẻ thông tin dịch bệnh khi phát hiện ca bệnh để truy vết nguồn gốc.

Trước tình hình dịch dại ở động vật diễn ra phức tạp, ông Nguyễn Văn Ngờ (Phường 9, TP Cà Mau) chủ động đưa chó đi tiêm ngừa dại để an tâm hơn. Ông Ngờ chia sẻ: “Tôi thực hiện tiêm dại cho chó từ khi nó còn nhỏ, định kỳ mỗi năm tiêm nhắc lại. Chi phí này không thể tiết kiệm được. Nhà có cả trẻ con và người già nên mình cứ chủ động để an toàn sức khỏe cho cả nhà. Mặc dù là nuôi ở nhà, chó cũng rất hiền nhưng gia đình vẫn cẩn thận, nhốt trong chuồng hoặc xích lại, chỉ khi cho đi vệ sinh thì mới thả ra nhưng có xích dây và có người xem chừng”.

Ở các địa phương vùng nông thôn, nhất là những nơi từng xảy ra ổ dịch dại, đã nâng cao cảnh giác trước bệnh dại trên động vật. Năm 2023, trên địa bàn huyện Thới Bình xảy ra 7 ổ dịch dại, tại thị trấn Thới Bình, xã Biển Bạch Ðông, xã Thới Bình và xã Tân Phú. Riêng trong năm 2024 chưa xuất hiện ổ dịch dại trên đàn chó mèo, nhưng có 1 trường hợp tử vong do bệnh dại tại xã Tân Phú.

Ông Nguyễn Vũ Phong, Phó trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thới Bình, cho biết: “Tổng đàn chó, mèo trên địa bàn huyện là 19.872 con, trong đó thực hiện tiêm phòng 2.655 con, đạt 13,3%. Hiện tỷ lệ tiêm phòng vẫn ở mức thấp, do ở nông thôn tập quán nuôi chó thả rông hoặc nuôi để giữ vuông, giữ nhà nên không bắt được chó để tiêm phòng. Ðặc biệt, ở một số hộ nuôi số lượng nhiều, hộ cận nghèo, hộ nghèo thì chi phí tiêm phòng bệnh dại vẫn là rào cản. Thời gian tới, trạm sẽ phối hợp với thú y xã tham mưu cho UBND các xã lập kế hoạch tiêm phòng, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao tỷ lệ đăng ký tiêm phòng ở vật nuôi”./.

Nhi Ngô

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chu-dong-phong-benh-dai-a32303.html