Chống biến đổi khí hậu: Chậm nhưng chắc

Tiến trình thực hiện các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu vẫn còn chậm, song đã đạt được một số kết quả thực chất.

COP28 tại Dubai sẽ đánh giá quá trình thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu của các quốc gia tham gia Công ước khung. (Nguồn: Shutterstock)

COP28 tại Dubai sẽ đánh giá quá trình thực hiện cam kết về chống biến đổi khí hậu của các quốc gia tham gia Công ước khung. (Nguồn: Shutterstock)

Với không ít người, thỏa thuận tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25) tại Paris có thể chưa đạt được những gì họ muốn. Nó không mang tính ràng buộc hay chưa thể kết thúc kỷ nguyên sử dụng năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên, thỏa thuận đó đã đặt ra một số quy tắc cho những COP tiếp theo. Từ đó, COP28 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ lần đầu tiên chứng kiến các quốc gia đánh giá về những gì họ đã làm được và chưa làm được, cùng nhau hướng tới mục tiêu cuối cùng.

Cột mốc tích cực…

Xét trên một số khía cạnh, kết quả của nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu là tích cực hơn so với dự đoán của nhiều người. Tại thời điểm COP25, các chuyên gia đã dự báo tới năm 2100, Trái đất có thể nóng lên tới 3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp nếu các nước không thay đổi chính sách.

Với chính sách hiện hành, tính toán cho thấy sự nóng lên toàn cầu sẽ dao động ở mức 2,5-2,9 độ C. Đây vẫn là con số đáng ngại và đe dọa nghiêm trọng tới sự sống của hàng tỷ người. Đó là chưa kể tới những ẩn số trong quá trình thực hiện chính sách. Song bản thân thay đổi ấy cũng là một sự cải thiện rõ ràng so với trước đó.

Một phần không nhỏ trong bước tiến này đến từ nguồn năng lượng tái tạo rẻ và phổ biến hơn. Năm 2015, công suất năng lượng mặt trời trên toàn cầu chỉ là 230 GW. Năm 2022, con số này đã là 1050 GW. Các nước cũng đã xây dựng và triển khai chính sách tích cực hơn. Năm 2014, chỉ 12% khí thải CO2 liên quan tới sản xuất năng lượng được đặt dưới cơ chế định giá carbon, mức giá là 7 USD/tấn. Ngày nay, tỷ lệ này là 23%, với mức giá đã tăng gần 5 lần, 32 USD/tấn.

Năm 2015, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAE) từng nhận định lượng phát thải CO2 sẽ tiếp tục tăng đến những năm 2040. Giờ đây, tổ chức tư vấn liên chính phủ này cho rằng hạng mục trên có thể đạt đỉnh trong vài năm tới. Sau đó, các nước cần giảm thật nhanh phát thải để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C. Phát thải là một phần của sự phát triển. Do đó, góp phần đảo ngược xu hướng này có thể được coi là khởi đầu thành công trên hành trình chống biến đổi khí hậu.

Dĩ nhiên, sẽ là sai lầm nếu cho rằng tất cả những tiến bộ này đến từ COP25 tại Paris. Tuy nhiên, quy trình do sự kiện này khởi xướng đã đặt ra những kỳ vọng mới, đưa khí hậu trở thành vấn đề các quốc gia cần phải thảo luận. Đồng thời, với việc đề cập nỗ lực giảm lượng khí thải CO2 phát ra và loại bỏ nó khỏi bầu khí quyển, COP25 đã đưa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net-zero) tới đại chúng. Năm 2015, chỉ có một quốc gia có cam kết này. 8 năm sau, con số này đã là 101.

Trong lúc thế giới đang chứng kiến hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan, đơn cử như đợt nắng nóng bất thường giữa mùa Xuân ở Brazil tuần trước, COP là diễn đàn quan trọng, nơi các bên công bố ý tưởng mới và tìm kiếm thỏa thuận bên lề. Tuyên bố mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tạo động lực cho thỏa thuận về phát thải khí methane trước thềm COP. Hai nước cũng cam kết tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo vào 2030, mục tiêu UAE mong muốn thúc đẩy tại COP28 năm nay.

Mới đây, Mỹ và Trung Quốc đưa ra cam kết quan trọng về chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy thỏa thuận về phát thải methane. Trong ảnh: Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về chống biến đổi khí hậu John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa trước cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 7/2023. (Nguồn: Reuters)

Mới đây, Mỹ và Trung Quốc đưa ra cam kết quan trọng về chống biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy thỏa thuận về phát thải methane. Trong ảnh: Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về chống biến đổi khí hậu John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa trước cuộc gặp tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 7/2023. (Nguồn: Reuters)

…trên hành trình dài

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cơ chế COP đã một tay “cứu rỗi” thế giới.

Trước hết, thỏa thuận tại COP25 ở Paris đã tạo ra khuôn khổ phát triển năng lượng tái tạo, song lại không cung cấp nguồn vốn cần thiết cho quá trình đó. Theo BloombergNEF, tổ chức nghiên cứu năng lượng có trụ sở tại Mỹ, thế giới sẽ cần gấp đôi mức độ đầu tư để tăng gấp ba sản lượng năng lượng tái tạo cần thiết.

Phần lớn nguồn vốn ấy sẽ đến từ khu vực tư nhân, song động lực cho các khoản đầu tư đó sẽ xuất phát từ nhà nước. Chính phủ các quốc gia phải tái cấu trúc thị trường năng lượng, thúc đẩy phê duyệt giấy phép liên quan, nhanh chóng mở rộng mạng lưới điện và loại bỏ các chính sách ưu tiên năng lượng hóa thạch sót lại.

Ngay cả khi mọi thứ “thuận buồm xuôi gió”, biến đổi khí hậu cũng không vì thế mà sớm dừng lại. Nguyên nhân chính dẫn đến sự nóng lên toàn cầu là lượng CO2 tích tụ trong khí quyển. Chừng nào quá trình phát thải ròng còn đó, nhiệt độ sẽ tăng. Kể từ COP25, sự nóng lên toàn cầu đã đạt đến mức không thể ngó lơ được nữa. Những thay đổi về khí hậu mới đây là minh chứng cho điều đó: Các tháng 7, 8, 9 và 10 vừa qua đã liên tục phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ trong nhiều năm nay.

Tốc độ thay đổi chóng mặt này sẽ không duy trì mãi. Tuy nhiên, cách duy nhất để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu trước khi đạt phát thải ròng bằng 0 là giảm lượng ánh nắng mặt trời mà Trái đất hấp thụ, thông qua đưa các “hạt” vào tầng bình lưu hoặc làm trắng đám mây trên đại dương. Ý tưởng về “địa kỹ thuật mặt trời” này khiến nhiều nhà khoa học, nhà hoạt động và giới hoạch định chính sách lo ngại. Một số nước lại nghĩ khác. Khi đó, thế giới cần thảo luận về vấn đề này ở cấp độ quốc tế, làm rõ giới hạn và tác động của sáng kiến trên.

Thế giới cũng cần trao đổi sâu hơn về các cơ chế loại bỏ CO2. Giống như “địa kỹ thuật mặt trời”, quá trình này cũng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các công ty dầu mỏ. Họ coi đây là lý do để có thể tiếp tục duy trì sản lượng của mình. Điều này có thể khiến cho quá trình chống biến đổi khí hậu trở nên khó khăn hơn. Trong bối cảnh đó, các nước cần rõ ràng về kế hoạch loại bỏ CO2 trong vòng tiếp theo của cơ chế Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), diễn ra năm 2025.

Xét cho cùng, chỉ mình COP là không đủ để thay đổi thế giới. Song diễn đàn này có thể góp phần định hình vấn đề, nội dung thảo luận, quy tắc để thúc đẩy quá trình ấy. Dù thế giới còn chặng đường dài trên hành trình chống biến đổi khí hậu, COP có thể tự hào vì những gì đã làm được cho Trái đất này.

Xét cho cùng, chỉ mình COP là không đủ để thay đổi thế giới. Song diễn đàn này có thể góp phần định hình vấn đề, nội dung thảo luận, quy tắc để thúc đẩy quá trình ấy. Dù thế giới còn chặng đường dài trên hành trình chống biến đổi khí hậu, COP có thể tự hào vì những gì đã làm được cho Trái đất này.

(theo The Economist)

Phan Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chong-bien-doi-khi-hau-cham-nhung-chac-251785.html