Chế độ ăn cho bệnh nhân bỏng

Bệnh nhân bỏng cần được cung cấp dinh dưỡng tốt để phục hồi và mau lành vết thương, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng. Mức độ dinh dưỡng tùy thuộc vào tình trạng nghiêm trọng của vết bỏng.

Chấn thương do bỏng làm tăng đáng kể nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh. Vết bỏng càng lớn thì càng cần nhiều chất dinh dưỡng để chữa lành. Dinh dưỡng tốt rất quan trọng để giúp chữa lành vết bỏng và các vết thương khác, thậm chí nhiều tháng sau khi điều trị.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với bệnh nhân bỏng

NỘI DUNG:

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với bệnh nhân bỏng

2. Các dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân bỏng

3. Bệnh nhân bỏng nên ăn gì sau khi được xuất viện?

4. Một số nguyên tắc bữa ăn cho bệnh nhân bỏng

5. Những quan niệm sai lầm về dinh dưỡng khi bị bỏng

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân bỏng trong quá trình nằm viện điều trị rất dễ bị suy dinh dưỡng do một số nguyên nhân như:

Giảm chất dinh dưỡng ăn vào do chán ăn, thay đổi khẩu vị, do đau đớn hoặc do các tác dụng phụ của thuốc điều trị.
Giảm khẩu phần ăn vào do các yêu cầu nhịn ăn trước khi phẫu thuật.
Giảm khẩu phần ăn do thực phẩm không hợp khẩu vị.

Nếu bị suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến lâm sàng và kết quả điều trị, làm suy giảm chức năng miễn dịch, giảm sức cơ như cơ hô hấp, chậm lành vết thương. Điều này góp phần làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng, kéo dài thời gian thở máy, biến chứng toác vết mổ, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị.

Với những bệnh nhân nặng, việc cho ăn bằng ống có thể cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn. Một ống mềm, dẻo được đưa qua mũi sẽ đến dạ dày và cung cấp công thức dạng lỏng chứa tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình điều trị bệnh.

Để kết quả điều trị hiệu quả, ngoài việc xử trí bước đầu hồi sức chống sốc, chống nhiễm khuẩn bỏng thì chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng cũng có vai trò rất quan trọng. Chế độ ăn lành mạnh, khoa học và đủ chất sẽ cung cấp cho cơ thể người bệnh những chất dinh dưỡng cần thiết để tái tạo mô, nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

Chế độ ăn cho bệnh nhân bỏng quan trọng vì vừa đáp ứng chất dinh dưỡng vừa hỗ trợ quá trình mau lành vết bỏng. Chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn uống đầy đủ có thể làm giảm sự mất mát có hại của khối lượng cơ nạc, năng lượng dự trữ và protein. Nếu chế độ dinh dưỡng không hợp lý có thể làm chậm quá trình chữa bệnh, giảm cân quá nhiều và ức chế hệ thống miễn dịch.

Ngoài việc xử trí bước đầu hồi sức chống sốc, chống nhiễm khuẩn bỏng thì chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bỏng cũng có vai trò rất quan trọng. Ảnh minh họa.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân bỏng

Bữa ăn của bệnh nhân bỏng cần đáp ứng đủ các nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng), chú ý đa dạng thực phẩm để đảm bảo dinh dưỡng và kích thích bệnh nhân ăn uống ngon miệng và ăn được nhiều hơn.

Bác sĩ điều trị, chuyên gia dinh dưỡng, điều dưỡng sẽ quyết định lượng dinh dưỡng (ví dụ: calo và protein), chất bổ sung mà người bệnh cần. Nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm cân nặng, chiều cao, tuổi tác cũng như kích thước vết bỏng. Vitamin và khoáng chất, chẳng hạn như vitamin C, kẽm và vitamin A, cũng rất quan trọng để chữa lành và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Bệnh nhân bỏng cần đáp ứng nhu cầu về protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất:

Protein (chất đạm)

Sau khi bị bỏng, điều quan trọng là phải có một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm nhiều protein bên cạnh các thực phẩm khác như trái cây, rau và ngũ cốc. Người bệnh nên ăn thực phẩm giàu protein trong mỗi bữa ăn chính và cả bữa ăn nhẹ.

Protein là nguồn nguyên liệu chủ yếu tạo lên tế bào, tạo hình cơ thể và các phức hợp miễn dịch. Thiếu protein thì sẽ giảm tái tạo da và mô mới dẫn đến vết bỏng lâu liền hơn. Khi hệ miễn dịch hoạt động kém làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng, điều này dẫn đến tăng thời gian nằm viện, chi phí điều trị, tỷ lệ biến chứng và nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân bỏng cần cung cấp nhiều protein trong quá trình lành vết thương vì cơ thể sẽ mất protein qua vết bỏng và cơ bắp sẽ bị phá vỡ khi cố gắng tạo thêm năng lượng cho quá trình chữa lành. Protein bổ sung giúp xây dựng lại cơ bắp bị mất. Nói chung, bệnh nhân cần có chế độ ăn giàu protein bao gồm cả chất béo, cộng với bổ sung vitamin và khoáng chất.

Các bác sĩ khuyến nghị và khuyến khích các loại thực phẩm giàu calo, giàu protein cho bệnh nhân bỏng. Ảnh minh họa.

Ví dụ về thực phẩm giàu protein bao gồm:

Thịt (lợn, gà, bò) nạc, cá, trứng.
Các loại hạt và bơ hạt (hạnh nhân, đậu phộng, quả óc chó, hồ đào, hạt điều, vừng, hướng dương...).
Đậu hũ và các loại đậu (đậu thận, đậu trắng, đậu garbanzo, đậu hải quân, đậu đen, đậu nành, đậu pinto; đậu lăng, đậu Hà Lan, hummus…)
Các sản phẩm từ sữa, đồ uống công thức.

Carbohydrate

Bệnh nhân bỏng cũng cần nhiều carbohydrate hơn trong chế độ ăn uống khi hồi phục sau vết bỏng. Trên thực tế, carbohydrate chiếm phần lớn dinh dưỡng. Cơ thể sẽ biến carbohydrate thành glucose. Vết thương bỏng sử dụng glucose làm năng lượng. Bằng cách cung cấp năng lượng này để chữa bệnh, carbohydrate cho phép protein ăn vào để xây dựng lại cơ bắp, thay vì được sử dụng làm nhiên liệu.

Một số loại thực phẩm phổ biến có chứa carbohydrate bao gồm:

Các loại ngũ cốc, chẳng hạn như bánh mì, mì, mì ống, bánh quy giòn, gạo.
Các loại trái cây như táo, chuối, quả mọng, xoài, dưa và cam.
Các sản phẩm từ sữa, chẳng hạn như sữa và sữa chua.
Các loại đậu, bao gồm đậu khô, đậu lăng và đậu Hà Lan.
Các loại rau có tinh bột, chẳng hạn như khoai tây, ngô...

Chất béo lành mạnh

Chất béo trong chế độ ăn uống để cung cấp các acid béo thiết yếu và bổ sung thêm calo. Omega 3 là acid béo thiết yếu là thành phần của màng tế bào, có thể hỗ trợ giúp lành vết thương.

Hàm lượng omega 3 có nhiều trong các loại cá, hải sản.

Omega 3 có nhiều trong một số loại cá như cá hồi, cá trích.

Sắt

Sắt là thành phần để tạo máu là một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể. Sắt tham gia hình thành và phát triển hồng cầu, tổng hợp hemoglobin và cấu trúc não, thành phần của enzyme hệ miễn dịch, vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng.

Sắt là một chất dinh dưỡng quan trọng có thể nhận được từ thực phẩm và có hai dạng: sắt heme và sắt non-heme. Sắt heme có nguồn gốc từ động vật như thịt đỏ, cá và thịt gia cầm và cơ thể có thể hấp thụ khoảng 30% lượng sắt này bất cứ lúc nào. Sắt non-heme có nguồn gốc từ thực vật như rau, trái cây và các loại hạt. Loại sắt này không được hấp thụ dễ dàng, chỉ có khoảng 2 đến 10% được hấp thụ bất cứ lúc nào.

Hàm lượng sắt có nhiều trong thịt bò, trứng gà, trứng vịt, trứng vịt lộn, cá nục, tôm, thịt gà.

Kẽm

Kẽm là chất khoáng quan trọng (đứng thứ 3, sau magie và sắt). Thiếu kẽm ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động tăng trưởng, liền sẹo, miễn dịch. Hàm lượng kẽm có trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm thịt (thịt bò) và hải sản, chứa một lượng kẽm tốt, ngoài ra còn có các thực phẩm thực vật giàu protein như đậu, quả hạch và hạt. Ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm từ sữa cũng chứa kẽm.

Vitamin A

Vitamin A thúc đẩy quá trình liền vết thương, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Thiếu vitamin A làm chậm biểu mô hóa, chậm tổng hợp collagen, giảm tính ổn định của collagen.

Hàm lượng vitamin A rất cao trong các loại trứng, dầu cá, gan bò, một số loại cá, cua đồng, thịt gà, các loại rau lá xanh (cải xoăn, rau bina, bông cải xanh), các loại rau có màu cam và vàng (cà rốt, khoai lang, bí ngô và các loại bí)...

Chất bổ sung vitamin và khoáng chất

Cần tăng cường xét nghiệm đánh giá tình trạng thiếu hụt một số chất dưỡng thường quy như: xét nghiệm đánh giá tình trạng vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm, albumin.

Khi cung cấp dinh dưỡng đường miệng không đủ nhu cầu khuyến nghị, thì phải bổ sung dinh dưỡng bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch. Bổ sung này nên càng chuyên biệt càng tốt đối với thiếu hụt dinh dưỡng ở từng bệnh nhân. Nên bổ sung thêm viên đa vi chất (viatamin A, B, C... và chất khoáng như kẽm…) cho bệnh nhân bỏng.

Bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất hoặc thuốc bổ sung dinh dưỡng khi đang ở viện và sau khi xuất viện. Đồng, selen, kẽm, vitamin C được bổ sung theo chỉ định của bác sĩ cho những bệnh nhân nặng với mục tiêu giúp chữa lành vết thương. Tuy nhiên, thuốc bổ sung không cần thiết nữa khi vết thương đã lành và người bệnh bắt đầu duy trì cân nặng.

3. Bệnh nhân bỏng nên ăn gì sau khi được xuất viện?

Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh luôn quan trọng, đặc biệt là sau khi bị bỏng. Khi chữa lành vết thương do bỏng, việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý là rất quan trọng vì chế độ ăn uống cân bằng có thể làm giảm sự mất khối lượng cơ nạc, năng lượng dự trữ và protein. Nếu không có chế độ ăn uống hợp lý, quá trình chữa bệnh có thể chậm lại, người bệnh có thể giảm cân quá nhiều và ức chế hệ thống miễn dịch.

Sau khi xuất viện, ăn một chế độ ăn uống cân bằng là cách tốt nhất để đảm bảo cơ thể được nuôi dưỡng đầy đủ nhưng cần ít calo hơn so với khi điều trị tại bệnh viện. Nếu vết bỏng vẫn còn hở, chế độ ăn uống vẫn nên bổ sung thêm protein. Khi hồi phục dần, nhu cầu dinh dưỡng của người bệnh sẽ quay trở lại như trước kia.

Nên tập trung vào một chế độ ăn uống cân bằng, tránh các thực phẩm có ít giá trị dinh dưỡng, chẳng hạn như đồ uống có đường, món tráng miệng, kẹo, thịt mỡ và bánh mì trắng hoặc bánh quy giòn. Ăn nhiều thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây và sữa ít béo.

Uống đủ nước trong ngày để giữ nước và tránh lượng calo không cần thiết.

Hỏi ý kiến bác sĩ nếu người bệnh muốn dùng bất kỳ loại vitamin và chất bổ sung nào.

4. Một số nguyên tắc bữa ăn cho bệnh nhân bỏng

Bị bỏng khiến hàng rào da bị phá hủy, biểu hiện tình trạng mất dịch tiết dưới da gồm lượng lớn protein, khoáng chất và vi chất dinh dưỡng, gây hội chứng thiếu hụt cấp tính. Cần lưu ý một số nguyên tắc sau:

Mỗi loại thực phẩm có chứa lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Việc đa dạng thực phẩm giúp cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Ăn nhiều bữa nhỏ, năm đến sáu lần một ngày.

Uống đủ nước.
Không uống đồ uống trong bữa ăn vì điều này khiến người bệnh cảm thấy no nhanh hơn.
Thêm bơ, sữa bột hoặc chất bổ sung protein vào thực phẩm.

Lưu ý với người đái tháo đường bị bỏng

Với bệnh nhân bỏng bị đái tháo đường hoặc lượng đường trong máu cao cần quản lý đường huyết. Kể cả không mắc đái tháo đường, nhiều người bỏng do căng thẳng có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên. Lượng đường trong máu cao cản trở quá trình chữa lành. Cho đến khi lượng đường trong máu được cải thiện, người bệnh có thể phải hạn chế lượng thực phẩm tiêu thụ có nhiều carbohydrate, chẳng hạn như nước trái cây, đồ uống có nhiều đường và món tráng miệng.

Theo một nghiên cứu năm 2020 tại khoa Điều trị Bỏng Người lớn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác: Trong thời gian nằm viện, có 81,5% bệnh nhân kiêng không ăn trứng, 72,2% với thịt gà, 66,7% với trứng vịt lộn và tôm, 55 - 60% thịt bò và cá các loại, riêng thịt lợn 100% bệnh nhân ăn hàng ngày. Kết quả cho thấy, gần như 100% bệnh nhân bỏng, trong đó có ít nhất trên 60% bệnh nhân kiêng các thực phẩm nói trên đều để lại di chứng sẹo như: Sẹo loang, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo phì đại, sẹo co kéo...

5. Những quan niệm sai lầm về dinh dưỡng khi bị bỏng

Nhiều chất dinh dưỡng giúp tổn thương bỏng mau liền lại có nhiều trong thịt bò, thịt gà, trứng, tôm, cá… là những thực phẩm mà rất nhiều bệnh nhân kiêng không ăn vì sợ gây sẹo và biến đổi màu da… Đây là quan niệm sai lầm có thể gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân bỏng. Chưa có bằng chứng hay nghiên cứu cho thấy thịt bò, thịt gà, trứng có liên quan đến vấn đề gây sẹo.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Chò, Chủ nhiệm Bộ môn Dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 103 cho biết: Thực phẩm không gây biến đổi màu sắc của da sau bỏng, mà là do độ sâu của bỏng quyết định, ở những vùng bỏng nông sau khỏi bỏng màu sắc của da dần trở về bình thường. Thực tế, ở những vùng bỏng sâu khi khỏi, da thường có màu khác với màu da bình thường và sẹo còn do cơ địa di truyền của từng người, do độ tuổi...

Việc kiêng khem quá mức có thể làm tăng tỷ lệ thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng quan trọng giúp nhanh liền vết thương bỏng như: các acid amin cần thiết, sắt, kẽm, vitamin A, omega 3…

Ngoải ra, việc ăn uống thiếu chất, thực đơn nghèo nàn, đơn điệu có thể khiến người bệnh chán ăn, thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng gây hệ lụy như giảm cân nặng, mất khối cơ ở bệnh nhân bỏng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở bệnh nhân bỏng.

Thùy Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-cho-benh-nhan-bong-169240314160125782.htm