Chuyện về người phụ nữ hơn 20 năm chăm sóc 'chúa tể sơn lâm' ở công viên Thủ Lệ

Hơn 20 năm gắn bó với với việc chăm sóc các con thú ở công viên Thủ Lệ (Hà Nội), chị Trần Thị Ngọc (48 tuổi) đã trải qua bao nhiêu buồn vui, có biết bao nhiêu kỷ niệm với công việc này. Đặc biệt, chị Ngọc chính là 'bảo mẫu' của 2 con hổ tên 'Bi' và 'Bống' tại công viên này.

“Bi” và “Bống” là 2 con hổ được giải cứu trong một vụ buôn bán động vật hoang dã. Khi đưa về công viên, chúng mới 4 tháng tuổi, nặng 12kg, hiện cân nặng mỗi con đã hơn 100kg.

Kể về cơ duyên chăm sóc các "chúa tể sơn lâm", chị Ngọc cho biết, ngay từ nhỏ chị đã yêu thích các loài động vật. Do đó, khi bắt đầu với công việc tiếp xúc, chăm sóc các bạn thú dữ trong công viên Thủ Lệ, chị cũng không gặp quá nhiều khó khăn hay cảm thấy chán nản.

"Ban đầu khi tiếp xúc với công việc này, tôi rất sợ. Nghe các bạn ấy gầm gừ, tôi cũng giật mình thon thót nhưng càng làm càng thấy yêu các bạn ấy hơn. Với công việc này, mình phải có tình cảm, có sự yêu thương thì sẽ thấy việc chăm sóc các bạn ấy là hết sức bình thường. Càng gần gũi bao nhiêu thì sẽ càng dễ hiểu tính cách của các bạn ấy bấy nhiêu. Từ đó, công việc cũng trở nên nhẹ nhàng, thuận lợi hơn", chị Ngọc chia sẻ.

Chị Ngọc cho hay, hằng ngày, chị vẫn thường vuốt ve, chải chuốt cho 2 bạn "Bi" và "Bống" qua chuồng sắt. Sáng nào khi thấy chị, các bạn ấy cũng tỏ vẻ vui mừng và có những cử chỉ thân thiện. "Các bạn ấy cũng có tình cảm như con người chứ không chỉ là một con thú dữ như mọi người vẫn tưởng tượng. Tuy nhiên mình vẫn phải luôn phải giữ khoảng cách và đảm bảo an toàn”, chị Ngọc kể.

Chị Ngọc tâm sự, khi bắt đầu chăm sóc "Bi" và "Bống, chị nhận thấy 2 con hổ này vừa ghê gớm lại vừa có chút hoảng loạn, luôn tỏ ra đề phòng với người lạ. Tuy nhiên, bằng sự kiên nhẫn cũng như bao năm kinh nghiệm làm nghề, chị Ngọc đã dần "chinh phục" được chúng.

"Mỗi lần đến chăm sóc, tôi đều chào và hỏi han, chuyện trò với các bạn ấy. Tôi cảm nhận được các bạn ấy cũng đang chào lại tôi. Khi các bạn ấy biểu cảm lại với người nuôi, chúng tôi xem đó là thành công", chị Ngọc cho hay.

Cũng theo chị Ngọc, không phải ai cũng có thể làm được công việc này, bởi lẽ, ngoài cái duyên, người chăm sóc phải thực sự kiên nhẫn và dũng cảm. Nhờ vào những tính cách ấy, dần dần, chị Ngọc hiểu được đặc điểm khác của các con hổ nên mọi thứ trở nên rất nhẹ nhàng. Khi chúng cảm nhận được tình cảm của người nuôi, chúng cũng sẽ hợp tác và dễ chịu hơn rất nhiều.

"Nhiều người mới nhìn vào sẽ nghĩ công việc này là khó khăn nhưng với tôi hiện tại thì công việc này rất bình thường. Nó đã trở nên quen thuộc và trở thành phần thiết yếu trong cuộc sống của tôi. Hằng ngày được ngắm nhìn, được chăm sóc và yêu thương các bạn ấy là niềm vui rất lớn với tôi", chị Ngọc tự hào.

Kể về một ngày làm việc chăm sóc "chúa tể sơn lâm", chị Ngọc cho biết, hôm nào chị cũng cùng các đồng nghiệp đến sớm hơn giờ quy định để kiểm tra sức khỏe của "Bi" và "Bống" cùng các loài thú khác.

"Vừa đến, chúng tôi phải kiểm tra xem qua một đêm các bạn ấy như thế nào, ăn uống có ngon miệng không, bài tiết có vấn đề gì không? Sau đó, chúng tôi làm vệ sinh cho các bạn ấy, rồi thả các bạn ấy ra ngoài. Sau khi các bạn ấy ra ngoài, chúng tôi phải làm thêm một công việc nữa là kiểm tra xem các bạn ấy có vận động tốt không?

Đến bữa ăn, chúng tôi lại chia khẩu phần ăn cho các bạn ấy. Chúng tôi phải nắm rõ đặc điểm của từng bạn, có bạn ăn ít, có bạn ăn nhiều, để biết cách chia khẩu phần cho phù hợp. Trong lúc các bạn ấy ăn uống, chúng tôi phải quan sát xem các bạn ấy ăn uống có tốt không? Nếu các bạn ăn tốt thì không sao, nếu ăn kém hơn thường ngày thì chúng tôi lại tiến hành theo dõi thêm", chị Ngọc chia sẻ.

Theo chị Ngọc, dù vui vẻ, yêu thích công việc nhưng chị cũng đã từng bị các vết cào, cắn của hổ và sư tử khi đùa nghịch: “Các bạn ấy không cắn thật, chỉ đùa nghịch thôi nhưng vì kích thước quá lớn nên thường gây thương tích khắp người cho tôi.

Đặc biệt là thời điểm mới lớn, có khi các bạn ấy còn gần gũi, nhảy vào lòng chơi cùng mình, nhiều khi về thấy khắp người bầm tím nhưng vẫn yêu thích công việc này”, chị Ngọc chia sẻ.

Giờ đây các con thú đã to lớn, trưởng thành nhưng vẫn thân thiện, trìu mến với chị Ngọc và những người chăm sóc tại đây. “Các bạn ấy lớn rồi thì tôi và mọi người cũng đỡ vất vả hơn. Hàng ngày cho ăn 2 bữa sáng và chiều, mỗi bữa từ 5-6kg thịt tươi, theo dõi sức khỏe xem các bạn ấy có ăn uống, sức khỏe tốt không và dọn dẹp vệ sinh đảm bảo", chị Ngọc chia sẻ.

Không chỉ là người gần gũi với 2 con hổ "Bi" và "Bống", chị Ngọc cũng luôn đối đãi với các loài thú dữ khác trong công viên như những người bạn của mình. Chị thường dành thời gian ngồi tâm sự với chúng để bộc bạch niềm vui, nỗi buồn. Chị Ngọc cũng tin rằng chúng hiểu những cảm xúc đó và luôn tỏ ra hiền dịu khi gần chị.

“Tôi gần chúng nhiều cũng nhận ra chúng có tình cảm, biết vui biết buồn”, chị Ngọc tâm sự.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/chuyen-nguoi-phu-nu-hon-20-nam-cham-soc-ho-du-o-cong-vien-thu-le-202404280225252258.html