Châu Phi đối mặt làn sóng dịch lần thứ 4, hơn 10 triệu ca mắc COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Sale, Maroc ngày 6/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn số liệu ngày 14/1 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC châu Phi) cho biết tính đến chiều cùng ngày, châu lục này đã ghi nhận hơn 10,245 triệu ca mắc COVID-19.

Cũng theo cơ quan trên, toàn châu lục với 55 quốc gia đã ghi nhận 233.203 ca tử vong, trong khi đã có 9.153.863 người được điều trị khỏi.

Những quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trong châu lục gồm Nam Phi (3.546.808 ca), Maroc (1.025.898 ca), Tunisia (762.717 ca), Ethiopia và Ai Cập. Xét về khu vực, khu vực phía Nam châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là Bắc Phi và Đông Phi. Trung Phi ít bị ảnh hưởng nhất.

CDC Châu Phi cảnh báo nhiều quốc gia trong khu vực đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Những nước đang có dấu hiệu dịch tăng nhanh gồm có Maroc, Ethiopia, Tunisia, Zambia, Libya, Algeria…

Trong khi đó, Omicron dường như khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh phải nhập viện cao hơn so với các biến thể trước đó. Kết luận này được đưa ra trong một nghiên cứu do các nhà khoa học Anh tiến hành.

Biến thể Omicron đã lây lan nhanh chóng ở Anh và đẩy số ca mắc COVID-19 liên tục lập mốc "kỷ lục buồn”. Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ nhập viện của trẻ nhỏ mắc COVID-19, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, tăng lên trong 4 tuần qua.

42% số trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện là dưới 1 tuổi, cao hơn so với tỉ lệ khoảng 30% trong các đợt bùng phát trước đó. Mặc dù vậy, hầu hết trẻ nhập viện có triệu chứng nhẹ.

Phát biểu với báo giới, ông Calum Semple, Giáo sư y khoa về bệnh truyền nhiễm và sức khỏe trẻ em tại Đại học Liverpool (Anh), tác giả công trình nghiên cứu, cho biết trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện đều không biểu hiện bệnh nặng và thời gian nằm viện ngắn. Số trẻ cần hỗ trợ thở ôxy cũng giảm.

Theo giáo sư Semple, việc triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ trên 12 tuổi đã phần nào giúp tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 ở lứa tuổi này thấp hơn so với trẻ ít tuổi hơn.

Tại Nga, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova ngày 14/1 cho biết giới chức nước này sẽ cấp giấy chứng nhận COVID-19 cho người dân, kể người nước ngoài, dựa trên kết quả xét nghiệm kháng thể. Việc cấp giấy chứng nhận sẽ được bắt đầu thực hiện từ ngày 1/2 tới.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Tatyana Golikova cho biết người nước ngoài và người Nga tiêm vắc xin nước ngoài cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận COVID- 19 nếu có kháng thể và giấy này sẽ có giá trị trong vòng 6 tháng.

Trong vòng 24 giờ tính đến sáng 14/1, Nga ghi nhận 23.820 ca mắc mới COVID-19, 739 ca tử vong và 24.952 bệnh nhân khỏi bệnh. Những địa phương có số ca mắc mới trong ngày cao nhất là thủ đô Moscow (5.712 ca), tỉnh Moscow (1.990 ca), TP St. Petersburg (2.708 ca). Kể từ đầu đại dịch đến nay, Nga đã có 10.747.125 người nhiễm COVID-19, trong số này 9.809.300 người đã được chữa khỏi nhưng 319.911 người đã tử vong.

Tại Mỹ, ngày 14/1, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Nhà Trắng sẽ cho ra mắt một trang web mới vào ngày 19/1 để cung cấp 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí tới tận nhà người dân.

Quan chức trên cho biết mỗi hộ gia đình có thể đăng ký nhận 4 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 từ lô hàng 500 triệu bộ xét nghiệm COVID-19 mà Chính phủ Mỹ đặt mua thêm để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm gia tăng trên cả nước do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Người đăng ký sẽ nhận được các bộ xét nghiệm trong vòng từ 7-12 ngày.

Ngoài ra, Nhà Trắng cũng sẽ triển khai một đường dây điện thoại để tiếp nhận yêu cầu từ những người không thể truy cập vào trang web đăng ký nhận bộ xét nghiệm nhanh.

Trước đó, Tổng thống Biden đã cam kết mua thêm 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19, nâng tổng số lên 1 tỉ bộ để cung cấp miễn phí cho người dân. Song song với đó, chính phủ cũng sẽ điều động đội ngũ quân y đến hỗ trợ 6 bang đang bị quá tải bệnh nhân COVID-19, gồm New York, New Jersey, Ohio, Rhode Island, Michigan và New Mexico.

Phóng viên TTXVN tại Mexico cho biết, ngày 14/1, Ủy ban liên bang về phòng chống các nguy cơ y tế của Mexico (Cofepris) đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp thuốc viên Paxlovid của hãng dược phẩm Pfizer để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 ở thể nhẹ, trung bình và có nguy cơ biến chứng.

Cofepris ra tuyên bố cho biết thuốc Paxlovid có hai thành phần nirmatrelvir và ritonavir kết hợp với nhau giúp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân COVID-19, làm giảm 88% tỉ lệ nhập viện và tử vong. Trong 2 thành phần này, nirmatrelvir có tác dụng ức chế protein của virus SARS-CoV-2 để ngăn virus nhân bản lên, trong khi ritonavir có tác dụng làm chậm sự phân hủy của thuốc để giữ thuốc trong cơ thể người bệnh lâu hơn.

Người đứng đầu Cofepris, Alejandro Svarch Pérez, cho biết việc phê duyệt sử dụng thuốc Paxlovid dạng viên nén sẽ giúp Mexico có thêm công cụ đối phó với dịch COVID-19, bên cạnh các biện pháp tiêm phòng và vệ sinh dịch tễ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc này phải theo đơn của bác sĩ để tránh người dân tự ý mua thuốc và sử dụng sai liều.

Mexico đang trải qua làn sóng dịch thứ 4 với số ca nhiễm mới cao kỷ lục trong tuần qua. Hiện, nước này đã có hơn 4,1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có trên 300.000 trường hợp tử vong. Tính tới thời điểm này, Mexico đã có hơn 82,4 triệu người trong tổng số 126 triệu dân được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắc xin, trong đó gần 74 triệu người đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang nỗ lực bổ sung danh mục thuốc điều trị các bệnh nhân COVID-19, trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng khiến nhiều loại thuốc điều trị dường như giảm hiệu quả.

Trong một phát biểu ngày 14/1, bà Janet Diaz - quan chức hàng đầu của WHO - cho biết cơ quan này đang đánh giá hiệu quả của loại thuốc viên kháng virus chứa hoạt chất molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ bào chế.

Dự kiến, khuyến nghị về việc sử dụng loại thuốc này sẽ được WHO công bố sớm nhất là trong tháng tới. Ngoài ra, theo bà Diaz, WHO cũng đang lên kế hoạch xem xét hiệu quả của thuốc kháng virus dạng uống do hãng Pfizer (Mỹ) bào chế, đồng thời dự kiến đưa ra khuyến nghị về loại thuốc này vào cuối tháng Hai tới.

Trước đó, ngày 13/1, một hội đồng của WHO cũng đã khuyến nghị sử dụng thuốc kháng virus do hãng Eli Lilly sản xuất cùng thuốc do GlaxoSmithKline và công ty công nghệ sinh học Vir hợp tác bào chế để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Nhận xét về các loại thuốc kháng thể đơn dòng hiện nay, bà Diaz đánh giá một số loại cho thấy dường như hiệu quả của chúng đối với biến thể Omicron bị suy giảm.

Tuy nhiên, bà khẳng định đây không phải là điều đáng lo ngại vì các loại thuốc kháng thể đa dòng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 đến nay đã được sử dụng rộng rãi.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269866/chau-phi-doi-mat-lan-song-dich-lan-thu-4-hon-10-trieu-ca-mac-covid-19.html