Chấn động vụ quân đội Đức bị nghe lén

Đức tiến hành điều tra sau khi một đoạn ghi âm cuộc trò chuyện giữa một số sĩ quan cấp cao của Đức về chiến lược chiến tranh Ukraine của nước này bị rò rỉ.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới thăm một đơn vị quân đội của nước này. Ảnh: Reuters

"Rất nghiêm trọng"

Hôm 1-3, bà Margarita Simonyan, Tổng biên tập Đài Truyền hình RT (Nga), đã công bố bản ghi bằng tiếng Nga về cuộc trò chuyện được cho là giữa một số sĩ quan cấp cao của Không quân Đức. Bà tuyên bố đã lấy được đoạn ghi âm từ các quan chức an ninh Nga. Theo bản ghi âm, các quan chức Đức đang thảo luận về chi tiết hoạt động và nhắm mục tiêu của tên lửa tầm xa Taurus. Họ tranh luận về việc có nên gửi loại vũ khí này tới Ukraine hay không và bàn thảo cách phủ nhận sao cho hợp lý nếu Ukraine sử dụng vũ khí này để tấn công cầu Crimea có tầm quan trọng chiến lược.

Dẫn lời các quan chức Đức, tờ Wal Street Journal (WSJ) đưa tin cuộc thảo luận này đã được xác thực. Theo nguồn tin, cuộc thảo luận diễn ra trên nền tảng trực tuyến không được mã hóa, WebEx. Trong đó, một sĩ quan được cho là đã gọi điện từ một phòng khách sạn ở Singapore. Quan chức Đức thường sử dụng WebEx - ứng dụng nhắn tin và gọi hội nghị trực tuyến - để thảo luận về các vấn đề nhạy cảm. Một nguồn tin của WSJ cho biết vụ rò rỉ này sẽ là "lời cảnh tỉnh" đối với Berlin. Ngoài việc sử dụng tên lửa Taurus, quan chức Đức được cho là còn đề cập đến sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài ở Ukraine để giúp Kiev vận hành vũ khí do phương Tây cung cấp.

Ngày 2-3, Đức tuyên bố đoạn ghi âm là kết quả của hành động nghe lén và cho biết họ đang điều tra. Phát biểu với báo giới trong chuyến thăm Italy, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định vụ việc này là "rất nghiêm trọng", và cần phải được điều tra kĩ càng và nhanh chóng. Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày đã yêu cầu Berlin giải thích về vụ việc.

Khắc sâu rạn nứt trong NATO

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cáo buộc Nga tiến hành chiến tranh thông tin nhằm gây chia rẽ trong nội bộ nước Đức. "Sự việc không chỉ đơn thuần là nghe lén và công bố một cuộc trò chuyện… Đó là một phần trong cuộc chiến thông tin mà Tổng thống Nga Vladimir đang tiến hành", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Pistorius phát biểu ngày 3-3. Ông Pistorius nhấn mạnh các đồng minh không nên "rơi vào bẫy" của Tổng thống Nga Putin. "Đó là một cuộc tấn công xuyên tạc thông tin nhằm chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết của chúng ta. Chúng ta không nên rơi vào bẫy của Putin".

Trong khi đó, tờ WSJ cho rằng vụ rò rỉ có thể khắc sâu rạn nứt giữa Berlin và các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). WSJ mô tả đoạn ghi âm này là "một chiến thắng về mặt thông tin của Điện Kremlin". Hiện nay Đức là nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên vụ rò rỉ băng ghi âm mới đây có thể khắc sâu căng thẳng trong mối quan hệ giữa Đức và các đồng minh NATO. Tờ báo cho biết thêm điều đó cũng khiến việc chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine trong tương lai ít có khả năng xảy ra, và thậm chí là kịch bản đang bị phản đối về việc châu Âu hoặc NATO gửi lính trực tiếp chi viện cho Ukraine.

Trước đó, Thủ tướng Đức đã tuyên bố rõ ràng rằng Berlin sẽ không can thiệp hoặc xung đột trực tiếp với Nga. Berlin cũng sẽ không chuyển tên lửa Taurus hoặc bất kỳ loại tên lửa nào có thể tấn công vào lãnh thổ Nga. Thảo luận về tên lửa Taurus trong đoạn băng nghe lén đã bị phía Nga mô tả như động thái ngầm tham gia trực tiếp vào cuộc chiến Ukraine - Nga. Trên Telegram cũng trong hôm 3-3, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev viết: "Đức đang chuẩn bị cho chiến tranh với Nga. Các nỗ lực được trình bày trong cuộc hội thoại trên... theo kiểu một trò chơi của rocket và xe tăng, là lời nói dối trắng trợn".

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chan-dong-vu-quan-doi-duc-bi-nghe-len-post291637.html