Cảnh báo: Hà Nội đang cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, trong tuần (từ ngày 12-19/4), trên địa bàn thành phố ghi nhận 195 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 34 trường hợp so với tuần trước.

Một trẻ mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Theo cảnh báo của Sở Y tế Hà Nội (CDC Hà Nội), tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch.

CDC Hà Nội khuyến cáo các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh tay chân miệng tại các trường mầm non, mẫu giáo có ca bệnh, ổ dịch.

10 ổ dịch đang hoạt động

Theo báo cáo của CDC Hà Nội, trong tuần (từ ngày 12-19/4), trên địa bàn thành phố ghi nhận 195 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 34 trường hợp so với tuần trước, 0 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 26 quận, huyện, thị xã.

Một số nơi có nhiều ca mắc trong tuần như: Ba Vì (20 ca); Sóc Sơn, Thanh Oai (17 ca); Hà Đông (15 ca); Mê Linh, Hoàng Mai (14 ca); Chương Mỹ, Thanh Trì (12 ca) và quận Hai Bà Trưng có 11 ca...

Trong tuần tại Hà Nội ghi nhận 8 ổ dịch tay chân miệng, trong đó Thanh Oai có 3 ổ dịch; 5 quận, huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, mỗi nơi có 1 ổ dịch.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 778 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2023), 18 ổ dịch tay chân miệng. Hiện, 10 ổ dịch đang hoạt động tại các quận, huyện: Ba Vì, Thanh Oai, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng.

Không riêng Hà Nội, tại miền Bắc, số ca mắc tay chân miệng cũng đang gia tăng. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực miền Bắc đã ghi nhận 1.796 ca, tăng 69% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho hay mỗi năm, bệnh tay chân miệng có 2 chu kỳ đỉnh dịch vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Thành phố Hà Nội đang bước vào thời kỳ đỉnh dịch tay chân miệng chu kỳ lần 1.

Do vậy, ngành y tế Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại khối trường mầm non, tiểu học. Việc vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng ở các trường cần chú trọng dụng cụ cá nhân của trẻ như: Cốc, khăn mặt, đồ chơi… Ngoài ra, hằng tuần, các trường cần tổ chức tổng vệ sinh.

Phòng tránh cách nào?

Tiến sỹ Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 10.100 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đến thời điểm này chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.

Theo ông Đức, bệnh tay chân miệng đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hóa từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhưng công tác tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa hiệu quả...

Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp... sẽ dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng ngừa bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện 4 cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả:

Giữ vệ sinh cá nhân: Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ không chỉ phòng ngừa được bệnh tay chân miệng hiệu quả mà còn phòng được những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác. Người lớn và cả trẻ em nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ẵm bồng trẻ, sau khi đi vệ sinh.

Giữ vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ và gia đình cần đầy đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín. Những vật dụng trong nhà bếp cần được rửa sạch trước khi dùng. Tuyệt đối không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng.

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Nhà trẻ, trường học và hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ những bề mặt tiếp xúc hàng ngày như bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, dụng cụ học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

Theo dõi và phát hiện sớm: Tình trạng sức khỏe của trẻ cần được theo dõi thường xuyên để kịp thời phát hiện và điều trị các trường hợp bệnh tay chân miệng, tránh lây nhiễm cho những trẻ khác./.

Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng:

- Giai đoạn ủ bệnh từ 3-7 ngày.

- Giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, trẻ quấy hơn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

- Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

Loét miệng: Vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, chảy dãi (dễ nhầm với trẻ mọc răng).

Phát ban dạng phỏng nước: Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

Sốt nhẹ, nôn: Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.

Biến chứng thần kinh (viêm não, viêm màng não), biến chứng tim mạch, hô hấp (viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch) thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5 của bệnh, có thể dẫn đến tử vong nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời.

- Giai đoạn lui bệnh thường từ ngày thứ 8-10, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/canh-bao-ha-noi-dang-cao-diem-cua-dich-benh-tay-chan-mieng-post941480.vnp