Tiến sĩ tâm lý đại học Michigan: Khi cha mẹ la mắng con, nỗi đau tinh thần trẻ phải chịu đựng không kém gì nỗi đau thể xác

Tiến sĩ Ethan Cross (nhà tâm lý học đến từ đại học Michigan, Mỹ) chỉ ra nỗi đau tinh thần và thể xác có ảnh hưởng đến não bộ rất giống nhau.

Ví dụ khi một người nói "đau lòng", việc "đau lòng" ở đây không chỉ là nỗi đau tinh thần mà não bộ của người đó cũng đang thực sự trải qua nỗi đau tương tự. Nói cách khác, khi cha mẹ la mắng con, nỗi đau tinh thần trẻ đang chịu đựng cũng không kém gì nỗi đau thể xác!

Khi cha mẹ la mắng con trong thời gian dài, cơ thể của trẻ có xu hướng trở nên căng cứng; tay và mắt khó phối hợp với nhau; não không điều khiển được cơ thể. Loạt phản ứng đó khiến trẻ có thể bị nôn hay đau bụng, nhức đầu, thậm chí dẫn đến hiện tượng co giật.

Theo kinh nghiệm của TS Ethan Cross, áp lực tâm lý quá mức và việc cảm xúc bị đè nén có thể khiến gương mặt của đứa trẻ thay đổi, dần trở nên khó chịu và hay cau có. Điều này cũng lý giải nguyên nhân những đứa trẻ hay bị la mắng đều nhẹ cân, chiều cao khiêm tốn, nước da xỉn màu và trông không khỏe mạnh.

Không chỉ hạn chế sự phát triển não bộ, việc cha mẹ la mắng con cũng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính cách của một đứa trẻ.

Theo kinh nghiệm của TS Ethan Cross, áp lực tâm lý quá mức và việc cảm xúc bị đè nén có thể khiến gương mặt của đứa trẻ thay đổi. Ảnh minh họa

Thiếu quyết đoán và tự tin

Các nhà tâm lý học ở Mỹ dành hơn 10 năm nghiên cứu học sinh trong cùng trường tiểu học. Kết quả cho thấy những đứa trẻ hay bị la mắng thường thiếu quyết đoán và tự tin, nhút nhát, không có chính kiến. Chúng cũng có xu hướng trở nên yếu đuối trong các mối quan hệ thân mật.

Cũng theo khảo sát trên, trong 1.000 trẻ vị thành niên thường bị cha mẹ la mắng, có đến 25,7% cảm thấy tự ti, 22,1% có xu hướng lạnh lùng và có đến 56,5% thường xuyên bực mình.

Theo kết luận của các chuyên gia, cách cha mẹ giao tiếp với con cái quyết định rất nhiều tính cách và cuộc đời của trẻ. Khi cha mẹ thường xuyên động viên sẽ giúp bé trở nên tự tin, vui vẻ và thậm chí thay đổi cả nét trên gương mặt. Do vậy, phụ huynh đừng ngần ngại dành lời động viên và quan tâm bé, đồng thời hạn chế những ngôn ngữ tiêu cực dành cho con.

Khó quản lý được cảm xúc

Nhà tâm lý học Laura Markham cho biết: "Trẻ em gặp khó khăn trong việc học cách điều tiết cảm xúc của chính mình, nếu cha mẹ không chỉ cho chúng cách làm như thế nào".

Tiến sĩ Shrand giải thích rằng, điều này xảy ra khi cha mẹ la mắng con cái, chúng có xu hướng quát mắng lại, thể hiện sự tức giận giống cha mẹ.

Thường cảm thấy bất an

Đối với con cái, cha mẹ là những người thân thiết nhất. Mỗi đứa trẻ dù lớn đến đâu cũng muốn nhận được sự khẳng định từ cha mẹ. Những lời mắng mỏ, khiển trách nặng nề của cha mẹ luôn có tác động tiêu cực đến con trẻ.

Một hai lần thì sẽ không gây ra hệ quả gì lớn, nhưng khi não bộ của trẻ tiếp nhận chúng trong thời gian dài, sức mạnh tinh thần của trẻ sẽ dần suy yếu. Có những lúc cha mẹ la mắng để trút bỏ nỗi lo trong lòng, quả thật họ rất lo lắng cho con, nhưng những gì họ nói không phải là lời khuyên dạy mà là "nhát dao" khiến trẻ thêm tổn thương.

Ban đầu lý do bị la mắng có thể là do trẻ mắc lỗi, khi này có thể trẻ sẽ sợ và không dám tái phạm. Tuy nhiên nếu hành động la mắng lặp lại nhiều lần, trẻ sẽ không những không thể sửa chữa mà còn cảm thấy đặc biệt kém cỏi.

Lâu dần sẽ hình thành một phản xạ: khi bị cha mẹ la mắng, trẻ sẽ tự hỏi liệu mình đã làm gì sai điều gì hay mình chưa ngoan nên mới bị mắng. Những đứa trẻ như vậy luôn cảm thấy bất an, không dám lên tiếng, nói ra nhu cầu của mình. Chúng sẽ ngày càng thiếu tự tin, ngại bày tỏ, ngại phản bác và âm thầm chịu đựng những bất bình.

Theo Giáo sư Stapen của Hiệp hội Giáo dục Anh quốc, quát mắng trẻ, đặc biệt là khiển trách lặp đi lặp lại, trẻ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng hơn là bị đánh đòn. Những đứa trẻ trưởng thành trong sự quát nạt của gia đình sẽ không tin tưởng vào người khác và không đề cao bản thân mình. Nếu sự việc cứ tiếp diễn như vậy, trẻ sẽ gặp các vấn đề tâm lý, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới tự kỷ.

Theo Giáo sư Stapen của Hiệp hội Giáo dục Anh quốc, quát mắng trẻ, đặc biệt là khiển trách lặp đi lặp lại, trẻ sẽ bị tổn thương nghiêm trọng hơn là bị đánh đòn. Ảnh minh họa

La mắng là gánh nặng tâm lý vượt ngoài sức chịu đựng của trẻ

Chuyên gia giáo dục người Mỹ Rona Rayner từng kể, trong một buổi trị liệu tâm lý, cô hỏi một cậu bé 7 tuổi: "Nếu con sở hữu một cây đũa thần và nó ban cho con một điều ước để thay đổi tính cách của bố, con mong đó sẽ là gì?".

Không do dự, cậu bé trả lời: "Con hy vọng bố ngừng la mắng con và mẹ".

Nghe con nói vậy, người cha thường ngày vốn nghiêm nghị, cấm cảu nay đã bình tĩnh lại và ông bắt đầu suy nghĩ lại về những hành vi của mình. Ngay lập tức, ông đã hứa với con rằng sẽ không bao giờ để việc đó tái diễn nữa.

Khi chúng ta nói những lời thô lỗ với con, bề ngoài chúng sẽ "giả vờ" im lặng hợp tác với uy quyền mà bố mẹ giáng xuống, nhưng thực ra trong lòng con lại chằng chịt những vết sẹo của sự tổn thương.

Mỗi đứa trẻ sẽ có cách phản ứng khác nhau khi bị la mắng. Tương tự, chúng cũng sẽ dùng những cách khác nhau để thể hiện nỗi đau trong lòng.

Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, sự tức giận tích tụ từ nhỏ sẽ biến thành sự nổi loạn, và rất nhiều vấn đề của lứa tuổi thanh thiếu niên phát triển từ điều này.

Trong bộ truyện Những Đứa Trẻ Không Ngốc, có một nhân vật tên Chengcai đang ở tuổi mới lớn và cậu có phần nổi loạn. Chengcai là tác giả của hàng loạt cuộc đánh nhau và là "cái gai" trong mắt người lớn.

Trước hành động bất hảo của con, cha của Chengcai tin rằng mọi vấn đề đều có thể được giải quyết bằng cách giáo dục đòn roi chửi mắng. Nhưng càng đánh, Chengcai càng lộ rõ những phản ứng nhằm chống lại cha.

Một đứa trẻ bị cha mẹ mắng mỏ trong thời gian dài không những không nghe lời mà còn mất niềm tin vào bản thân, chúng mang trong lòng sự tuyệt vọng sâu sắc, cuối cùng chúng chọn cách từ bỏ chính mình.

Chúng hy vọng sẽ "trả thù" được cha mẹ và việc "làm phiền lòng" người lớn có thể là cách phản ứng mạnh mẽ duy nhất mà chúng có thể thực hiện. Bố mẹ càng la mắng, trẻ càng ngang bướng hơn và thiếu đi tình yêu là lý do chính khiến trẻ từ bỏ chính mình.

Một đứa trẻ bị cha mẹ mắng mỏ trong thời gian dài không những không nghe lời mà còn mất niềm tin vào bản thân. Ảnh minh họa

Thường xuyên bị la mắng thực sự có thể thay đổi một đứa trẻ?

Trên Weibo Trung Quốc có một chú đề nóng thu hút sự chú ý của mọi người. Đó là "Có cần thiết phải chia sẻ nỗi buồn của bản thân với cha mẹ mình không?"

Có rất nhiều bình luận được chia sẻ, chẳng hạn như:

"Trớ trêu một điều là khi ta chia sẻ nỗi buồn, nó lại trở thành cái cớ để cha mẹ trách mắng".

"Sau khi cãi nhau với bạn cùng lớp, tôi về nhà kể lại chuyện này với bố mình. Trái ngược với những gì tôi nghĩ mình sẽ được an ủi, ông lại trách mắng tôi đã làm sai điều gì đó nên mới cãi nhau như vậy".

Thời thơ ấu nhiều người đã từng trải qua cảm giác như vậy, rõ ràng mình không phải là người làm sai, nhưng lại bị chỉ trích, thực sự rất oan.

Nhiều khi cha mẹ la mắng để trút bỏ nỗi lo lắng trong lòng, quả thật họ rất lo lắng cho con cái, nhưng những gì họ nói không phải là tình yêu thương mà là "nhát dao" khiến trẻ thêm tổn thương.

Gai của cây xương rồng có thể được rút ra và vết thương có thể lành lại, nhưng sự dè bỉu của cha mẹ chính là cái gai độc, nó sẽ đâm sâu vào trái tim của đứa con, vết thương như vậy không thể lành hẳn được.

Khi bị cha mẹ la mắng, trẻ sẽ tự hỏi liệu mình đã làm gì sai hay mình chưa ngoan nên mới bị mắng.

Những đứa trẻ như vậy không dám lên tiếng trước cha mẹ, không dám bày tỏ những suy nghĩ, nhu cầu của mình nên ra bên ngoài vẫn làm như vậy. Chúng sẽ ngày càng thiếu tự tin, ngại bày tỏ, ngại phản bác và âm thầm chịu đựng những bất bình.

Giáo sư Lý Mỹ Kim từng nói: "Kẻ giết người hủy hoại cuộc đời của một đứa trẻ không phải là trò chơi mà chính là bạo lực ngôn ngữ của cha mẹ".

Khi nghe thấy những lời nói gây tổn thương của cha mẹ, 80% trẻ sẽ phản kháng trong cơn tức giận.

Khi tức giận, thay vì la mắng con cái, cha mẹ nên làm gì?

Bước đầu tiên để xua tan cơn tức giận chính là việc bản thân cha mẹ nhận ra mình đang tức giận.

Tiến sĩ Shrand nói: "Khoảnh khắc bạn nhận ra cơn giận của mình, bạn sẽ kích hoạt vỏ não trước trán và làm gián đoạn những cảm xúc. Đó là việc đưa bộ não của bạn từ chế độ cảm giác sang chế độ suy nghĩ".

Theo các chuyên gia, để làm dịu cơn tức giận tức thì, cha mẹ nên tuân thủ những điều sau:

- Hít thở sâu.

- Đếm ngược.

- Chạy tại chỗ.

- Nói càng ít càng tốt cho tới khi bình tĩnh lại.

- Đặt tay dưới vòi nước chảy.

- Cố gắng cười.

Sau khi bình tĩnh lại, cha mẹ đã sẵn sàng để giải quyết vấn đề thay vì làm trầm trọng thêm tình hình.

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tien-si-tam-ly-dai-hoc-michigan-khi-cha-me-la-mang-con-noi-dau-tinh-than-tre-phai-chiu-dung-khong-kem-gi-noi-dau-the-xac-172240503165836567.htm