Cảnh báo ảnh hưởng tiêu cực từ ENSO

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ENSO hiện nay ở pha El Nino nhưng đang suy yếu và có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính trong mùa từ tháng 5-6 với xác suất 70-80%. Dự báo ENSO có khả năng chuyển dần sang pha lạnh La Nina với xác suất khoảng 60%. Những biểu hiện dị thường của ENSO đang gây những ảnh hưởng tiêu cực tới thời tiết, khí hậu và đời sống của người dân.

Sáng 17/1/2024, tại địa bàn xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã xảy ra trận mưa đá bất thường, gây thiệt hại về hoa màu của người dân. Ảnh: Phùng Kà

Thiên tai ngày càng dị thường

Trước hết, cần hiểu EL Nino là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng nóng lên không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía Đông xích đạo Thái Bình Dương kéo dài từ 3 mùa trở lên, El Nino còn được gọi là "pha nóng". Ngược với El Nino, La Nina là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng lạnh đi không bình thường của lớp nước mặt thuộc vùng biển phía Đông xích đạo TBD kéo dài từ 3 mùa trở lên, La Nina còn được gọi là "pha lạnh". Khi nhiệt độ mặt nước biển ở trạng thái nằm giữa "pha nóng" và "pha lạnh" được gọi là trạng thái trung gian. SO là khái niệm dùng để chỉ hiện tượng dao động của chênh lệch khí áp giữa Tây và trung tâm xích đạo Thái Bình Dương. Do 2 hiện tượng El Nino/La Nina (đại dương) và SO (khí quyển) xảy ra trên xích đạo Thái Bình Dương có quan hệ mật thiết với nhau nên chúng được liên kết lại thành một hiện tượng kép, gọi tắt là ENSO.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh, ENSO đang có những biểu dị thường về cường độ và chu kỳ xuất hiện, gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoạn. Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) đã chính thức xác nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 là năm nóng nhất trong 174 năm qua. Tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình trên toàn quốc năm 2023 cũng cao hơn 1,09 độ C so với trung bình nhiều năm. Năm 2023, đã xuất hiện 20 đợt nắng nóng. Tính từ năm 2017 đến nay thì năm 2023 là năm xuất hiện nhiều đợt nắng nóng diện rộng nhất. Đặc biệt, tại Tương Dương (Nghệ An), đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất là 44,2 độ C vào ngày 7/5/2023 và đây là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc.

Ngay trong thời gian này, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn. Trong ảnh: Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Tiền Giang phối hợp với địa phương hỗ trợ vận chuyển nước ngọt cấp cho người dân xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông bị thiếu nước sinh hoạt do hạn mặn. Ảnh: Ngọc Bảo

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ đầu năm 2024, thiên tai phức tạp, dị thường đã xuất hiện như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3 với nền nhiệt thấp ở đồng bằng Bắc Bộ dưới 15 độ C và vùng núi dưới 13 độ C. Nắng nóng xuất hiện sớm và dài ngày ở khu vực Nam Bộ, nhiều nơi có giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối vượt giá trị lịch sử đã từng quan trắc được. Do tác động của El Nino xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ranh mặn 4g/l trên các sông ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: sụt lún trên một số tuyến đường giao thông, sinh kế của bà con đảo lộn, khu vực nông thôn bị thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất... gây trở ngại cho trong đời sống của người dân, đặc biệt là cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2024 sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết cực đoan

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, trong năm 2024, ENSO sẽ khiến nước ta chịu ảnh hưởng của cả hiện tượng El Nino và La Nino. Sự chuyển pha đột ngột giữa El Nino sang La Nina khiến thời tiết sẽ có nhiều biến động, nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa dông, lũ lụt và bão xuất hiện nhiều. Theo dự báo, từ tháng 4 đến tháng 6, trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nắng nóng đã xảy ra sớm tại các vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Từ tháng 4-5/2024, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 độ C. Tháng 6/2024 cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Ở khu vực Trung Bộ, khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ tháng 4-6/2024. Hiện tượng nắng nóng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mọi hoạt động ngoài trời; đặc biệt, sang tháng 5-6/2024, mức độ nắng nóng có thể gia tăng gay gắt hơn. Ngoài ra, mưa lớn, dông, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động.

Cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai, BĐBP Lào Cai giúp người dân lợp lại mái nhà bị hư hỏng do dông lốc, mưa đá ngày 30/3/2024. Ảnh: Thành Vũ

Cùng với nhiệt độ trung bình tăng cao, có khả năng tổng lượng mưa ở các khu vực thấp hơn trung bình nhiều năm 15-40mm, gây thiếu hụt khoảng 10-30% lượng nước. Khả năng xảy ra khô hạn cục bộ tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi vào khoảng tháng 4 và 5.

Từ tháng 7-9/2024, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 55-65%. Có thể xuất hiện khoảng từ 4-6 cơn bão trên Biển Đông và khoảng 1-2 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền. Tuy nhiên, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5-1 độ C. Tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7-8/2024.

Khu vực Trung Bộ khả năng khô hạn tiếp tục duy trì trong tháng 7 và 8. Bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động trên Biển Đông. Nguồn nước trên các sông ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Cụ thể: Lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 20-40%; sông Gâm và sông Chảy thiếu hụt từ 20-30% so với trung bình nhiều năm, lưu vực sông Thao, sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 40-50%. Lượng dòng chảy trên các sông ở Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Nam Tây Nguyên ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%; các sông khác ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-50%.

Trong tháng 7-8/2024, khả năng xảy ra khô hạn cục bộ tại các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ, đặc biệt tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi. Trong khi đó, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-15%.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/canh-bao-anh-huong-tieu-cuc-tu-enso-post474747.html