Cần xóa thế độc quyền của doanh nghiệp xăng dầu đầu mối

Chia sẻ với PV Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, dự thảo nghị định mới của Bộ Công Thương còn nhiều lỗ hổng cần được hoàn thiện. Chính phủ cần xóa thế độc quyền của các doanh nghiệp đầu mối thông qua việc không để đầu mối nắm cả nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, như vậy thị trường mới có cạnh tranh đúng nghĩa.

Quy hoạch lại vai trò của các đầu mối

Theo thông tin của PV Tiền Phong, ngày 30/2, các doanh nghiệp bán lẻ đã có cuộc họp góp ý cho sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu. Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều điểm không rõ của dự thảo đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo các doanh nghiệp bán lẻ, dự thảo quy định 3 loại hình doanh nghiệp bán lẻ nhưng lại thiếu quy định cụ thể liên quan đến việc xác định đại lý và nhượng quyền theo Luật Thương mại. Việc không có các chế tài đi kèm trong việc lựa chọn ký kết hợp đồng, quyền và trách nhiệm bán hàng giữa đầu mối - phân phối - bán lẻ đẩy doanh nghiệp đối diện nhiều rủi ro, không thực hiện được việc lấy từ nhiều nguồn.

Các doanh nghiệp bán lẻ đề xuất, Bộ Công Thương cần xây dựng các quy định hợp phù hợp với thị trường. Theo đó, đầu mối quyết định giá bán buôn, thương nhân phân phối quyết định chi phí, giá bán buôn mức 1 và doanh nghiệp bán lẻ quyết định chi phí giá bán lẻ. Mỗi khâu tự quyết định lợi nhuận cho mình như vậy mới tạo động lực cạnh tranh và minh bạch các khoản thu, lợi nhuận của từng tầng nấc kinh doanh, tránh được tình trạng chuyển giá.

“Việc chỉ để đầu mối được quyết định giá theo dự thảo nghị định chưa đảm bảo việc tự do thương mại và không đảm bảo quyền, lợi ích của doanh nghiệp bán lẻ đầu cuối”, các doanh nghiệp nêu.

Theo các doanh nghiệp, việc không để tồn tại các đầu mối nắm thế độc quyền sẽ tạo sự cạnh tranh tốt nhất cho thị trường.

Bà Trần Thụy Thùy Trâm - Giám đốc Công ty TNHH TM Đoan Việt - cho rằng, nếu không qui định mức chiết khấu tối thiểu dành cho các khâu: Đầu mối - phân phối - bán lẻ thay vì để cho đầu mối tự quyết định giá. Cùng đó, cần có những quy định rõ về các cơ chế cấu thành giá, đảm bảo các khâu phải được tính đúng và đủ, không bán vượt mức giá trần, và không bán thấp hơn giá sàn.

“Nếu Bộ Công Thương không quy định rõ cơ chế tính giá, phân đủ chi phí về các khâu thì doanh nghiệp đầu mối lớn sẽ tạo ra "luật chơi", dễ dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung nếu tình hình có biến động lớn. Việc cho doanh nghiệp lấy từ nhiều nguồn cũng cần có quy định cụ thể, nếu không sẽ dễ dẫn tới việc độc quyền trong kinh doanh, gây lũng đoạn thị trường”, bà Trâm cho hay.

Lo thiếu cạnh tranh sòng phẳng

Trao đổi với PV Tiền Phong, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ ở phía Nam cho rằng, dự thảo cần có các quy định tháo gỡ những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp hiện nay. Cụ thể, phải phân định rõ ràng việc nhập khẩu, phân phối, bán lẻ hiện nay của các doanh nghiệp đầu mối.

“Ở các nước, khi các tập đoàn quá lớn, tạo thành thế độc quyền, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và quyền lợi người dân, doanh nghiệp, Chính phủ sẽ có giải pháp để chia tách các doanh nghiệp, không để thế độc quyền như một số đầu mối đang nắm giữ hiện nay. Nếu tạo ra sự công bằng trong kinh doanh sẽ thu hút được nguồn lực tài chính tư nhân rất lớn”, vị giám đốc nói

Ông Văn Tấn Phụng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dầu khí Đồng Nai - cho rằng, dự thảo cần quy định các doanh nghiệp đầu mối phải đảm bảo nhập khẩu và đầu mối nhập khẩu chỉ được bán cho các đơn vị thuộc sở hữu. Để tạo thế cạnh tranh, các đầu mối lớn chỉ bán cho các đơn vị bán lẻ trong hệ thống, không được ký bán cho doanh nghiệp bán lẻ bên ngoài. Nếu muốn bán cho đơn vị ngoài hệ thống thì phải qua thương nhân phân phối để bán cho bán lẻ, nếu không sẽ có tình trạng chuyển giá.

Theo ông Phụng, việc Bộ Công Thương cần làm chính là sắp xếp lại thị trường, rà soát và thanh lọc những doanh nghiệp đầu mối yếu kém, không đủ năng lực và các thương nhân phân phối sân sau của các doanh nghiệp đầu mối. Đây mới là vấn đề cốt lõi của việc ổn định nguồn cung xăng dầu.

Ông Phụng cũng cho rằng, cần cho các thương nhân phân phối mua trực tiếp từ các nhà máy. Khi đó sẽ đảm bảo được nguồn cung và chắc chắn không có tình trạng đứt gãy do các nhà máy nắm được cụ thể nhu cầu của các doanh nghiệp để chủ động sản xuất.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-xoa-the-doc-quyen-cua-doanh-nghiep-xang-dau-dau-moi-post1624863.tpo