Cần Thơ phối hợp với các tỉnh cân đối nguồn cát phục vụ công trình

Trong bối cảnh thiếu cát san lấp mặt bằng gây khó khăn cho nhà thầu, Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp như liên hệ với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để tìm nguồn cát phục vụ công trình.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Thiếu cát san lấp mặt bằng gây khó khăn cho các nhà thầu, làm chậm tiến độ thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, của thành phố Cần Thơ hiện đang là vấn đề nóng của Cần Thơ và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Cùng với đó, nhanh chóng tìm đủ nguồn cát san lắp phục vụ các công trình trọng điểm thực hiện đảm bảo tiến độ đang được lãnh đạo thành phố Cần Thơ đặc biệt quan tâm, tháo gỡ.

Tại cuộc họp báo quý 1/2024 của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ với các cơ quan báo chí ngày 19/4, ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết để giải quyết tình trạng thiếu cát nền san lấp, trong thời gian tới, Sở Giao thông Vận tải thành phố cùng với các chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với các đơn vị như: Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh trong khu vực như: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang để tham mưu xem xét các nguồn cát còn lại để kiến nghị với Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng như Ủy ban Nhân dân các tỉnh phối hợp hỗ trợ cho thành phố Cần Thơ cân đối nguồn cát.

Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, vấn đề được quan tâm nhiều nhất của lãnh đạo thành phố hiện nay là vật liệu san lấp để đảm bảo tiến độ thi công các công trình.

Theo ông Hiển, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp như liên hệ với các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long để tìm nguồn cát.

Đặc biệt, vừa qua thành phố Cần Thơ đã tổ chức đoàn đến Sóc Trăng để tìm nguồn cát. Theo đó, nguồn cát nước ngọt trên sông Hậu tại Sóc Trăng theo khảo sát trước đây còn hơn 8 triệu m3.

Qua làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, dự kiến tỉnh này cũng sẽ cung cấp nguồn cát san lấp cho thành phố Cần Thơ với khối lượng khoảng 5 triệu m3 nhưng phải được tiến hành khảo sát lại sản lượng cát thực tế còn đảm bảo hay không. Theo đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã giao cho Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố, đơn vị chủ đầu tư dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng để rà soát lại.

Nếu còn đủ sản lượng, Sóc Trăng cam kết sẽ ưu tiên giải quyết cho thành phố Cần Thơ để làm tuyến đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng.

Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ cũng đã làm việc với Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam; cụ thể, Campuchia đồng ý cho ba nhà đầu tư để khai thác cát với chất lượng cát tốt, sản lượng còn rất nhiều để cung cấp cho thành phố Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên về giá cả hai bên vẫn chưa thống nhất được do giá bán còn rất cao.

Theo ông Hiển, giá xuất bán cát tại Campuchia khoảng 200.000 đồng/m3 nhưng quãng đường vận chuyển cát từ Campuchia khi về tới thành phố Cần Thơ và bơm lên thì giá đã đội lên trên 300.000 đồng/m3.

Do đó, các dự án đường cao tốc đã lập thì không thể chấp nhận được giá bán này, thành phố Cần Thơ đang tiếp tục thương thảo tiếp.

"Thành phố Cần Thơ sẽ tìm các giải pháp làm sao phải có cát để giải quyết các công trình trọng điểm, đường giao thông trên địa bàn.

Ngoài ra, thành phố Cần Thơ cũng đang triển khai xây dựng các công trình trọng điểm khác cũng rất cần nguồn cát san lắp như khu công nghiệp VSIP ở huyện Vĩnh Thạnh, sân golf đang triển khai thi công...

Đây là những vấn đề được lãnh đạo thành phố Cần Thơ rất quan tâm tháo gỡ…," Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ nhấn mạnh.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, việc cung ứng cát để làm nền đường cho các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng hiện nay là hết sức phức tạp, giá cát tăng rất cao.

Ông Dũng cho biết khi làm dự toán các công trình, giá cát chỉ dao động quanh mức 200.000 đồng/m3 nhưng ở thời điểm hiện tại, giá mua cát thương mại là trên dưới 300.000 đồng/m3 và nguồn cung thì rất khan hiếm.

Đối với các dự án do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư và giao cho các đơn vị làm chủ đầu tư, nhu cầu cát phục vụ cho các tuyến như: Đường vành đai phía Tây, đường tỉnh 917, đường tỉnh 918, đường tỉnh 921, đường tỉnh 923 là khoảng 2,1 triệu m3 nhưng hiện nay, các nhà thầu thi công mới chỉ thu xếp được trên dưới 30% sản lượng.

Phần còn lại đang tiếp tục đi tìm các nguồn bên ngoài hết sức khó khăn.

Đối với hai tuyến cao tốc đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ như tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau và tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng được thực hiện theo cơ chế giao mỏ.

Đối với tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau trên địa bàn đang thực hiện khoảng 10km và nút giao IC2 có nhu cầu cát làm nền đường khoảng 800.000m3 và theo Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận thì nguồn cát san lắp mặt bằng để thực hiện tuyến này đến nay cơ bản đã được thu xếp và cân đối đủ. Nguồn cát san lắp phục vụ cho tuyến cao tốc này lấy từ tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp.

Đối với tuyến cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng có chiều dài đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ là 37,5km, nhu cầu sử dụng cát để làm nền đường là khoảng 5,3 triệu m3. Hiện nay, các đơn vị đã cân đối được 2,4 triệu m3 được lấy từ mỏ cát tỉnh An Giang. Số lượng còn lại chưa cân đối được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/can-tho-phoi-hop-voi-cac-tinh-can-doi-nguon-cat-phuc-vu-cong-trinh-post941134.vnp