Cận cảnh tiêm kích F-35I của Israel diệt UAV tự sát Iran

Để đối phó với tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Iran, Israel đã dùng các tổ hợp phòng không tiêu diệt. Trong khi đó phi đội tiêm kích bao gồm F-35I lại ưu tiên diệt các UAV tự sát được Tehran phóng đi.

Iran và các nhóm vũ trang do nước này hậu thuẫn đã phóng tổng cộng 170 UAV, 120 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình trong trận tập kích lãnh thổ Israel đêm 13/4, rạng sáng 14/4.

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã cùng các đồng minh, đối tác hạ 99% mục tiêu trong số này.

Các hệ thống phòng không của Israel như Iron Dome, David's Sling, Arrow dùng để đánh chặn tên lửa đạn đạo và hành trình của Israel.

Trong khi đó UAV tự sát của Iran lại bị đánh chặn chủ yếu bằng phi đội tiêm kích.

Ước tính tổng chi phí Israel đã bỏ ra để đánh chặn "mưa hỏa lực" từ IỈan lên tới hơn 1 tỷ đô la.

Không quân Israel được cho là đang vận hành phi đội tiêm kích tàng hình F-35I với khoảng 50 chiếc.

Đây cũng là quốc gia thứ hai sau Mỹ được biên chế tiêm kích tàng hình F-35 và là bên đầu tiên cho tiêm kích thế hệ thứ 5 này thực chiến.

Israel đặt mua 25 tiêm kích F-35 của Mỹ từ tháng 9/2008 với mức giá 200 triệu USD/chiếc. Tới tháng 10/2014, Israel đồng ý tăng gấp đôi đơn hàng F-35 lên 50 chiếc với mức giá giảm chỉ còn một nửa.

19 chiếc F-35 đầu tiên cho không quân Israel là phiên bản F-35A tương tự không quân Mỹ, chúng dự kiến được nâng cấp lên chuẩn F-35I trong tương lai.

Khác với các quốc gia đặt mua F-35 khác, Israel yêu cầu được tích hợp nhiều công nghệ nội địa vào siêu tiêm kích này.

Tel Aviv khẳng định họ liên tục ở trong tình trạng xung đột quân sự, đòi hỏi phi đội F-35 phải có nhiều điểm vượt trội về công nghệ và khả năng hậu cần.

Với sự chấp thuận của Lockheed Martin, Israel trở thành quốc gia duy nhất ngoài Mỹ được quyền can thiệp và chỉnh sửa các hệ thống trên tiêm kích F-35, Israel đã đặt biệt hiệu cho những chiếc máy bay của mình là F-35I "Adir" nghĩa là "Người vĩ đại".

Một trong những công nghệ then chốt trên F-35I là hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính và tình báo (C4I) do Israel tự phát triển, có khả năng lấy dữ liệu từ các cảm biến trên máy bay, nhưng không tương tác với hệ thống máy tính của F-35I.

Hệ thống C4I sẽ chuyển thông tin cho các khí tài khác, đặc biệt là tiêm kích F-15I và F-16I, thông qua đường truyền dữ liệu (datalink) để giúp phát hiện, nhận dạng và tấn công mục tiêu của đối phương.

"F-35I mang tới những tính năng cần thiết, đáp ứng hàng loạt thử thách phức tạp và liên tục thay đổi mà Israel phải đối mặt, nhất là khi không quân Israel đang tác chiến ở hàng loạt mặt trận tại Trung Đông", Tư lệnh không quân Israel Amikam Norkin tuyên bố.

Ông Nordik cho biết, Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa tiêm kích tàng hình F-35 vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, trước cả Mỹ và các đồng minh châu Âu.

Quân đội Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào sâu trong lãnh thổ Syria, với lý do bảo vệ an ninh quốc gia và ngăn chặn việc Iran cùng Hezbollah thiết lập các căn cứ quân sự ở quốc gia này. Trong các cuộc không kích này có sử dụng cả tiêm kích F-35I.

Nguồn tin chiến trường cho biết những chiếc F-35I đã thể hiện xuất sắc trên chiến trường, thậm chí có tin còn cho biết F-35I đã từng bay vào không phận Iran mà không bị hệ thống radar đối phương phát hiện.

Mỹ là nước chế tạo nhưng Israel mới là nước lần đầu đưa tiếng tăm của F-35 nổi tiếng khi có màn thực chiến ấn tượng tại chiến trường Trung Đông với phiên bản F-35I.

Thông thường các chiến đấu cơ trang bị một động cơ thường có tải trọng vũ khí thấp hơn so với hai động cơ, tuy vậy F-35I lại là trường hợp ngoại lệ, ở chế độ tàng hình F-35I mang 2,6 tấn, nhưng khi bật chế độ "quái thú", nó có thể mang tới 10 tấn vũ khí.

Mức 10 tấn vũ khí khiến ngay cả các dòng chiến đấu cơ hạng nặng như Su-27/30/35 thậm chí cả Su-57 cũng phải e dè khi chúng chỉ có thể mang từ 7-8 tấn.

Chế độ "quái thú" hay Beast Mode là khi những tiêm kích F-35I không ưu tiên khả năng tàng hình, mà ưu tiên tải trọng vũ khí.

Bình thường ở chế độ tàng hình, F-35I sẽ giấu vũ khí trong thân, nhưng ở chế độ "quái thú" vũ khí sẽ được treo cả dưới 2 cánh và trong thân.

Vũ khí chủ lực của siêu tiêm kích này là các tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn AIM-120 AMRAAM với tầm bắn tối đa 180 km.

Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ áp dụng những phương thức tác chiến mới nhất để đối phương không có cơ hội tiếp cận chiến đấu cơ F-35 ở cự ly gần.

Công bằng mà nói nếu ở tác chiến tầm gần, F-35 khó có cơ hội chiến thắng các tiêm kích siêu cơ động của Nga, vì vậy nó ưu tiên không chiến ở tầm xa.

Tuy nhiên thời đại của tác chiến quần vòng giữa các chiến đấu cơ đã lùi xa, các cuộc không chiến thường diễn ra ở tầm trung và xa.

Vì vậy việc mang vác nhiều vũ khí sẽ trở thành một ưu thế lớn trong không chiến.

Ngoài ra F-35I cũng mang được tất cả các loại bom thông minh thậm chí cả bom hạt nhân chiến thuật.

Vì vậy sức mạnh của F-35 nói chung và F-35I nói riêng được đánh giá rất cao dù trước đó đã từng có nhiều nghi ngờ về hiệu năng của những chiếc máy bay tàng hình này.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-canh-tiem-kich-f-35i-cua-israel-diet-uav-tu-sat-iran-post573470.antd