Cận cảnh chiếc xe đạp thồ 'huyền thoại' trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc (thị xã Thanh Hóa) đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là địa phương góp nhiều sức người, sức của. Trong đó, có hàng nghìn xe đạp thồ vận chuyển lương thực, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của quân và nhân dân ta.

Trong bài nói chuyện của Bác Hồ năm 1957, Bác nói: Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó.

Và khi nhắc đến những đóng góp của hậu phương Thanh Hóa thì không thể không nhắc đến hình ảnh xe đạp thồ.

Ông Nguyễn Bá Viết (90 tuổi, trú tại phố Ái Sơn 1, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa) là Chiến sỹ Điện Biên kể lại, tháng 8/1953, đoàn xe thồ hỏa tuyến Thanh Hóa lên đường đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đoàn xe đạp thồ ở Thanh Hóa biên chế theo từng huyện, mỗi huyện là một đại đội, hay còn gọi là một C, đi qua các địa danh suối Rút - Hòa Bình - Mộc Châu - Yên Châu - Sơn La - vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo. Trên chặng đường vận chuyển từ trạm H1 (Tuần Giáo) đến Điện Biên Phủ dài gần 80km, đoàn xe đạp thồ Thanh Hóa được bố trí tới 3.000 xe (Ảnh tư liệu).

Chiếc xe đạp thồ của ông Trịnh Ngọc (dân công xe đạp thồ thị xã Thanh Hóa) đạt kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Phía trước đầu xe là giá đỡ bằng sắt dùng để đựng hộp thức ăn, nước uống. Mỗi bên một hai giá đỡ được chế tạo một cách khéo léo, chắc chắn.

Do chở nặng nên xe đạp thồ phải dùng chân kê làm bằng tre hoặc gỗ để giữ thăng bằng mỗi khi dừng nghỉ ngơi dọc đường.

Chiếc yên xe đạp thồ bị rách mòn theo năm tháng hành quân trên đường.

Khi chở nặng, lốp xe bị rách, người dân dùng vải hoặc cắt xăm làm dây bó lại để dễ dàng vận chuyển trên đường đèo.

Thời điểm chiến tranh, phong trào “thồ nhiều, đi nhanh” được triển khai và ngày càng lan rộng, cổ vũ mọi người phấn đấu tăng trọng lượng thồ hàng, từ 150 đến 200kg/chuyến xe tăng lên 300kg và nhiều hơn nữa.

Điển hình từ phong trào thi đua, xuất hiện “kiện tướng xe thồ” Cao Văn Tỵ, luôn chở tới 315kg; Bùi Tín - người 2 lần vinh dự được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ và Huân chương Chiến công hạng Ba, đạt năng suất 320kg trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt là “siêu xe đạp thồ” của ông Trịnh Ngọc với kỷ lục vận chuyển 345,5kg/chuyến... trở thành một huyền thoại lưu truyền cho đến ngày nay.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa là hậu phương vững chắc, có vai trò rất lớn trong chi viện sức người, sức của. Từ cuối năm 1953 đến tháng 3/1954, dân công Thanh Hóa đã kế tiếp nhau vận chuyển hai lần lên chiến dịch với khối lượng 2.352 tấn lương thực và 265 tấn thực phẩm. Đây cũng là nơi huy động cao nhất số lượng xe đạp thồ hiện có để làm phương tiện vận chuyển.

Trong số những hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa còn có chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm (xã Định Liên, huyện Yên Định) chế tạo có thể chở 280kg/chuyến phục vụ chiến dịch Điện biên Phủ.

Nhiều hiện vật quý giá trong chiến dịch Điện Biên Phủ như: Giấy tờ, cờ thi đua, đồ dùng cá nhân... được lưu giữ cho đến ngày nay.

Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa được xây dựng từ thời Pháp thuộc, là nơi hội tụ các Di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc của xứ Thanh. Hệ thống kho cơ sở của Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang lưu giữ, bảo quản gần 30.000 hiện vật.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/can-canh-chiec-xe-dap-tho-huyen-thoai-trong-chien-dich-dien-bien-phu-192240414101038315.htm