Cái gốc người Hà Nội

Sống được ở Sài Gòn, là người Sài Gòn. Đó là cách định nghĩa ngắn gọn, thẳng thắn và khá 'hào sảng' về người dân ở thành phố lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, khi nói đến 'người Hà Nội', định nghĩa ấy lại vướng nhiều yếu tố: Anh đã ở đây bao nhiêu năm? Bao nhiêu đời? Ở phố cổ hay ngoại thành? Bố hay mẹ anh đều là người Hà Nội chứ?

Biểu diễn áo dài truyền thống tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.

Biểu diễn áo dài truyền thống tại phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm.

Sau giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954, có khoảng 200.000 người có hộ khẩu tại Hà Nội. Bây giờ, con số đó là bao nhiêu thì tôi cũng chẳng rõ. Chỉ biết là theo số liệu từ một bài báo vào tháng 8/2023, sau nhiều lần mở rộng, Hà Nội đang có tới 8,5 triệu dân.

Có lẽ vì đất đã nới mà người vẫn đông nên một bộ phận dân cư Thủ đô mới khắt khe định nghĩa như vậy. Âu cũng vì muốn bảo vệ cái sự tinh tế, hào hoa mà người ta vẫn thường truyền nhau về người Tràng An “gốc“. Chẳng thế mà, người bán rau làng Láng truyền nhau câu ca dao: “Anh giúp em đôi quang tám rẻ cho bền/Mượn người lịch sự, gánh lên kinh kỳ“.

Bảo tồn những giá trị nhân văn và độc đáo của một vùng đất là điều đúng đắn. Song, chúng ta đôi khi lại quên mất dòng chảy lịch sử của mảnh đất này. Văn hóa tinh hoa của Thăng Long - Hà Nội là sự hợp lưu của nhiều vùng miền. Các cơ quan đầu não đóng ở đây nên nhân tài hào kiệt quy tụ. Nguyễn Trãi người Nhị Khê (Hà Tây cũ), Lê Quý Đôn ở Thái Bình, Hồ Xuân Hương quê gốc Nghệ An. Rồi Nhà Lý từ Bắc Ninh, nhà Trần ở Nam Định, nhà Hậu Lê ở Thanh Hóa… (Kể từ khi nước ta giành lại độc lập sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, không có ông vua nào quê ở Thăng Long). Tất cả đều là những tinh hoa kinh kỳ, góp phần làm nên thành tựu văn hóa đa dạng của Thăng Long - Hà Nội.

Mà chẳng cứ gì vua chúa danh nhân, nhiều nghề nổi tiếng ở Thủ đô đều do người gốc gác nơi khác mang đến. Phở Hà Nội (được cho là) do người Nam Định tạo nên. Giò chả lừng danh của làng Ước Lễ, Hà Tây. Bánh cốm của người Hải Dương. Tuy không sản sinh ra ở Thủ đô nhưng những thứ nghề trứ danh, những thứ quà nức tiếng… tạo nên 36 phố phường phải trải qua sự thẩm định, chấp nhận của người Hà Nội mới có thể nổi tiếng, lan truyền khắp cả nước.

Cũng đừng quên tên gọi dân gian của Hà Nội là đất “kẻ chợ“ - cách gọi đến từ những người nơi khác tới đây buôn bán. Nói vậy để thấy sức sống từ mảnh đất này chính là do những người tứ phương tạo nên.

Nói nôm na, dân Hà Nội là dân tứ xứ và cái hay ở nơi đây là tuyệt nhiên không có cục bộ địa phương. Người dân khắp nơi đến kinh kỳ, mang theo cái tinh hoa nghề nghiệp của quê hương mình để kiếm miếng ăn. Họ đối xử với nhau bằng sự khách sáo, phong nhã… để tồn tại hài hòa và phát triển ở nơi đây. Sự hào hoa, tinh tế mà chúng ta vẫn thường nhìn về quá khứ để ngưỡng vọng, chính là đến từ những con người tứ xứ ấy.

Vậy người Hà Nội là gì? Khái niệm ấy hóa ra vẫn bất biến trong dòng chảy lịch sử. Tất cả mọi người dù sinh ra lớn lên ở mảnh đất này hay tìm đến nơi đây lập nghiệp, nếu gắn bó với Hà Nội, đã là người Hà Nội rồi. Trái lại, văn hóa Hà Nội lại luôn thay đổi linh hoạt. Nó lúc nào cũng bao dung, mở rộng để đón lấy và chắt lọc những tinh hoa lao động, giá trị tốt đẹp mà mọi người mang tới đây.

Công Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cai-goc-nguoi-ha-noi-244864.html