Cái đẹp chiến thắng sự khốc liệt

'Đào, phở và piano' đã tạo nên hiện tượng chưa từng có ngoài phòng vé khi thoát khỏi cái bóng phim Nhà nước chỉ chiếu ở rạp Nhà nước, không có doanh thu, chiếu xong thì cất kho chờ liên hoan phim nào đó thì dự thi, rồi chiếu trong các dịp lễ lạt. Thực tế, bộ phim đang 'oanh tạc' ở cả cụm rạp tư nhân, thu hút sự quan tâm của khán giả cả nước. Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn đã có những chia sẻ xung quanh chuyện làm bộ phim này.

Chất Hà Nội, tinh thần Hà Nội, tình yêu Hà Nội

- Phóng viên: “Đào, phở và piano” nghe khá lạ và thú vị, ông có thể chia sẻ lý do vì sao lại lấy tựa đề này không, thưa đạo diễn?

- Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn: Khi phim còn đang trong quá trình quay, có người hỏi tôi, phim lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử liệu có khô khan? Tôi chia sẻ rất thật rằng, đây là một bộ phim rất lãng mạn, được xây dựng với cách kể chuyện và cấu trúc nhân vật rất mới, không hề khô cứng. Còn tên phim thì nói thật là không hiểu tại sao tôi lại nghĩ đến cái tên đó. Khi nghĩ ra rồi thì tôi chỉ thấy nó đúng và phù hợp với tinh thần bộ phim thôi. Một người bạn lúc đầu cũng thắc mắc với tôi vì tựa phim này, sau khi nghe tôi nói chuyện thì gật gù bảo: “Ông nói đúng chất Hà Nội rồi, ăn, chơi và thích cái đẹp. Nói vui vậy chứ quan trọng hơn cả là nó truyền tải đúng tinh thần mà bộ phim muối nói: Trong hoàn cảnh khốc liệt thì cái đẹp cuối cùng vẫn chiến thắng.

- Được biết dự án phim này được ông ấp tủ từ năm 2012, nhưng tại sao phải chờ hơn chục năm sau mới thực hiện?

- Đúng là từ năm 2012 tôi đã nghĩ đến việc viết kịch bản bộ phim này, nhưng hồi đó chưa đủ tư liệu, suy nghĩ cũng chưa chín muồi, chưa tới, nên mới chỉ dừng lại ở việc làm đề cương. Sau đó tôi mới đắp dần mọi thứ để có thể từng bước hoàn thiện ý tưởng này. Tôi dành thời gian để tìm hiểu thêm các tư liệu, như việc trong phim có xây dựng nhân vật cha xứ thì tôi cũng phải đến nhà thờ trò chuyện với các cha, hỏi xem nếu ở trong hoàn cảnh đó thì xây dựng nhân vật như thế nào để phù hợp và chân thật nhất. Tôi cũng nhận được sự góp ý của nhiều đồng nghiệp.

- Nhiều người thắc mắc tại sao phim lại không đặt tên cụ thể cho các nhân vật mà lại chỉ gọi chung chung như cô gái, chàng trai, ông họa sĩ, cha xứ, chú bé đánh giày, ông hàng phở, bà hàng phở…?

- Phim làm về 24 giờ cuối cùng trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của người dân Hà Nội, từ 19-12-1946 đến ngày 17-2-1947. Đây là một cuộc chiến rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, nó không chỉ mở màn cho toàn quốc kháng chiến mà còn chưa từng xảy ra trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Ở trận đánh này, Hà Nội đã phản công mạnh mẽ, chống lại đội quân thiện chiến bậc nhất được trang bị vũ khí hiện đại.

Đáng nói, lực lượng ở phía ta lúc này chỉ có người dân Hà Nội là chính, và họ phải chiến đấu theo kiểu dàn trận đánh nhau. Họ là những người lao động, văn nghệ sĩ, thợ thủ công, tiểu thương... tất cả đều yêu thành phố bằng một tình yêu thuần khiết dù mỗi người có một cách bày tỏ tình yêu khác nhau. Và vì yêu mảnh đất này nên họ đồng lòng bảo vệ nó, không vì lý tưởng cao siêu gì. Cho nên, bộ phim sẽ không nói về lòng dũng cảm mà nói về chất Hà Nội, tinh thần Hà Nội, tình yêu Hà Nội của người Hà Nội nói chung.

Trong bối cảnh phim, các nhân vật là những người còn sót lại trong đêm cuối cùng khi quân ta đã rút ra ngoài. Bằng mọi giá, họ cố gắng tranh thủ thời gian để tận hiến tình yêu của mình cho Hà Nội mà họ gắn bó như máu thịt, dù ngày mai họ có thể chết. Hình ảnh các nhân vật ở đây hiện thân cho nhiều tầng lớp nhân dân, thế hệ, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay tôn giáo. Ai cũng sẵn sàng tham gia vào cuộc chiến này.

- Xuyên suốt bộ phim có thể thấy, dù chiến tranh khốc liệt thì chất hồn nhiên vẫn hiện lên đâu đó trong mỗi nhân vật. Ông nghĩ sao về cảm nhận này?

- Tôi là người Hà Nội. Ai đó vẫn nói người Hà Nội là phải thế nọ, phải thế kia. Nhưng tôi lại nghĩ, người Hà Nội bao gồm cả những người từ các vùng khác đến đây và không ít trong số đó bảo với tôi rằng, văn hóa Hà Nội đã làm thay đổi họ, trong đó có cả những người nông dân như bố tôi, từ một vùng quê ra và dần dần hòa nhập vào nét văn hóa của đô thị này, dần dần trở thành người Hà Nội. Bởi vậy, tất cả những gì trong sâu thẳm tâm hồn mà người Việt Nam nào cũng đều có chính là tình yêu thương đồng bào, yêu nước và dũng cảm hy sinh. Tất cả đều có sẵn trong mỗi người, nhưng ở Hà Nội thì có màu sắc riêng khi họ tiếp cận với văn hóa của mảnh đất này. Tôi cho rằng, có lẽ điều đặc trưng nhất ở người Hà Nội chính là sự đam mê, từ đam mê ẩm thực, đam mê văn hóa nghệ thuật… Chính sự đam mê đó làm người ta vừa hồn nhiên trong cuộc chiến, vừa quyết liệt để bảo vệ những nét văn hóa được tạo ra trong quá trình hình thành và phát triển.

Hướng tới những điều lớn hơn

- Yếu tố chân thực được chú trọng xây dựng như thế nào trong phim, thưa đạo diễn?

- Sự chân thực là điều mà chúng ta vừa phải coi trọng, nhưng cũng phải vượt qua khi xây dựng bộ phim này. Ví dụ nhiều người vẫn nghĩ cuộc chiến ngày đó chỉ toàn các chiến sĩ mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ ca-lô sao vàng… Đó là những hình ảnh điển hình được ca ngợi và tôn vinh. Nhưng vẫn còn những người khác tham gia vào trận chiến và làm nên lịch sử hào hùng. Như khi xem bức ảnh về bối cảnh phim, có người bảo chiến lũy ngày xưa phải thế này, phải thế kia. Nhưng có thể chiến lũy trong suy nghĩ của họ là ở phố X, vẫn còn rất nhiều các chiến lũy khác ở những con phố khác cơ mà. Tôi còn nhớ khi chia sẻ bức ảnh về phim, một đồng nghiệp bảo: “Hoành tráng quá, hay quá, nhưng hình như cái bao tải chưa đúng”. Bao tải thì ở phố Hàng Muối khác phố Hàng Gạo, Hàng Đường… khi chiến đấu thì nhà có gì sẽ mang cái đó ra. Tôi làm phim không để nói bao tải ở đâu, chứa gì bên trong, tôi chỉ muốn nói về việc cái bao tải đó có vai trò gì, đấy là điều lớn hơn.

- Ông có gặp áp lực hay khó khăn gì trong quá trình làm phim không?

- Tôi cũng tham khảo rất nhiều tác phẩm của các đồng nghiệp, kể cả những người thầy, người anh như đạo diễn Đặng Nhật Minh, đạo diễn Đức Tiến… Tôi cũng đọc lại tất cả những tư liệu lịch sử liên quan đến trận chiến năm đó. Khó khăn là lâu lắm rồi chúng ta mới làm một bộ phim quy mô lớn như thế này và làm sao để tận dụng hết những gì có thể. Như việc đoàn phim đã cất công tìm kiếm và dựng bối cảnh quy mô thế, không khai thác hết thì lãng phí. Khó khăn tiếp theo là làm sao cho mọi người hiểu đều mình nghĩ và cùng mình sáng tạo, giúp mình nhìn nhận rộng hơn, rồi vận hành vào cảnh quay. Nào là xe tăng, quần chúng bên ta, bên địch, quả nổ, tạo sương khói… Ngay như lớp khói sương mù trong phim cũng được tạo ra rất cầu kỳ, xung quanh là hệ thống ống và phải là khói an toàn để diễn viên còn an toàn chứ. Tôi cũng phải sống trong suốt 1 tháng trời với không khí này mà (cười).

- Vậy còn việc chọn diễn viên, ông có thể chia sẻ thêm về khâu này không?

- Casting luôn là vấn đề dễ bị rơi vào chọn cái nọ lăn tăn cái kia, chọn người này hay cân nhắc người khác… May mắn là tôi đã nghĩ kịch bản rất lâu nên hình dung khá rõ trong đầu, không bị lăn tăn nhiều. Tôi cũng may khi mời ai đóng phim này thì người ấy cũng hết lòng. Như anh Trần Lực rất bận rộn, anh ấy có sân khấu riêng, từ chối nhiều lời mời đóng phim, nhưng sẵn lòng tham gia với tôi. Hay Tuấn Hưng cũng thế, khi tôi điện thoại liên hệ, nam ca sĩ nói ngay: “Tất cả những gì tôn vinh Hà Nội, em sẵn sàng chơi hết mình”. Xin tiết lộ luôn, Tuấn Hưng là người luôn đúng giờ nhất, luôn đến phim trường sớm để chờ hóa trang. Trong lúc ngồi chờ đến cảnh diễn của mình, anh ấy vào trong xe ngồi, không bao giờ giục giã hay hối thúc phải cho mình đóng trước. Tác phong Tuấn Hưng rất chuyên nghiệp, thoại rất chuẩn. Tôi phải cảm ơn anh ấy về điều đó.

- Xin cảm ơn chia sẻ của đạo diễn!

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cai-dep-chien-thang-su-khoc-liet-post567998.antd