Cách tự xử trí tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine Covid-19

Theo bác sĩ Hoàng Sơn, khi thấy đau đầu dữ dội, đau ngực trái hay khó thở..., bạn cần liên lạc với nhân viên y tế hoặc đến bệnh viện thăm khám.

Nhiều người có tâm lý lo lắng trước và sau tiêm vaccine Covid-19, nhất là với các tác dụng phụ có thể gặp phải như sốt; đau đầu; buồn nôn; đau cơ; khớp, vị trí tiêm đau, nóng, ngứa; mệt mỏi, bồn chồn, ớn lạnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Sơn, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phổi Trung ương, Hà Nội, cho biết đây đều là các triệu chứng thông thường. Tác dụng phụ sẽ thuyên giảm sau 1-2 ngày.

Dưới đây bác sĩ Hoàng Sơn hướng dẫn cách tự xử trí khi gặp tác dụng phụ sau tiêm vaccine Covid-19:

- Sốt: Đây là triệu chứng thường gặp, là phản ứng cơ thể với vaccine. Sốt thường kéo dài 24-72h, kèm theo rét run, đau mỏi người.

Xử trí: Dùng thuốc hạ sốt (paracetamol 500 mg x 1 viên) khi sốt từ 38,5 độ C trở lên, uống bổ sung nước, chườm ấm. Nếu sốt cao, dùng hạ sốt vẫn tăng lên, không cải thiện, bạn nên đến cơ sở y tế.

- Đau đầu, chóng mặt: Đây cũng là tác dụng phụ thường gặp.

Xử trí: Bạn nên kiểm tra huyết áp. Nếu huyết áp ổn định, bạn có thể dùng thuốc giảm đau Paracetmol 500 mg x 1 viên. Sau đó tiếp tục theo dõi, nếu không cải thiện, bạn đến cơ sở y tế để thăm khám.

- Đau bụng, tiêu chảy: Bạn có thể gặp sau tiêm, thường kéo dài vài ngày.

Xử trí: Uống đủ nước. Nếu tiêu chảy quá nhiều lần trong ngày, bạn cần vào viện để xử lý hoặc gọi tư vấn của bác sĩ.

Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

- Cảm giác tê lưỡi: Đây cũng là phản ứng thường gặp.

Xử trí: Nếu tê lưỡi ít, bạn nên theo dõi. Khi cảm thấy tê bì nhiều, bạn cần liên hệ bác sĩ tư vấn hoặc đi khám và theo dõi tại bệnh viện.

- Đau vị trí tiêm: Đây là phản ứng thường xuyên và có thể kéo dài.

Xử trí: Bạn chỉ cần theo dõi và giữ vệ sinh sạch sẽ vùng tiêm.

- Sưng đỏ vùng tiêm: Phản ứng này hay gặp sau tiêm, nhất là với vaccine của Moderna.

Xử trí: Bạn nên theo dõi, đi khám nếu sưng tăng lên, có mủ.

- Ban đỏ, ngứa: Tác dụng phụ này thường gặp sau tiêm.

Xử trí: Bạn có thể dùng thuốc chống dị ứng (Telfast, Loratadine…). Hãy đi khám nếu ban đỏ kéo dài.

- Đau đầu dữ đội, kéo dài: Khi gặp tình huống này, bạn nên tới thăm khám tại bệnh viện.

- Đau ngực trái có vã mồ hôi: Bạn cần gọi cấp cứu và đến ngay bệnh viện.

- Khó thở: Hãy gọi bác sĩ tư vấn hoặc đến khám tại bệnh viện.

Theo bác sĩ Sơn, các thuốc người dân nên chuẩn bị sẵn tại nhà để sử dụng sau khi tiêm chủng là một vỉ Paracetamol 500 mg hoặc Efferalgan 500 mg dùng khi sốt; 2 viên thuốc chống dị ứng Telfast 180 mg mua hoặc loại thuốc chống dị ứng khác.

Ngoài ra, người dân cần lưu ý khi về nhà luôn có người hỗ trợ, ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm, không sử dụng chất kích thích, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm, bạn nên tiếp tục theo dõi. Khi vị trí tiêm sưng to nhanh, người dân cần đi khám ngay, không bôi, chườm đắp bất kỳ thứ gì vào nơi sưng đau.

Bác sĩ Sơn cũng khuyến cáo người dân cần thường xuyên đo thân nhiệt. Khi sốt dưới 38,5 độ C, bạn nên nới lỏng quần áo, chườm ấm, không để nhiễm lạnh.

Trường hợp sốt từ 38,5 độ C trở lên, bạn dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thuốc giảm đau, hạ sốt được khuyến cáo dùng sau khi tiêm. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng trước khi tiêm với mục đích phòng tác dụng phụ của vaccine vì nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả tạo kháng thể chống lại virus. Nếu thuốc cần được duy trì sử dụng, bạn vẫn có thể dùng trước tiêm vaccine khi đã tham khảo đầy đủ ý kiến bác sĩ.

Hiệu quả vaccine Covid-19 có bị ảnh hưởng nếu tiêm mũi 2 chậm? Dù không tối ưu trong công tác phòng bệnh, việc tiêm mũi 2 vaccine Covid-19 chậm hơn hướng dẫn không ảnh hưởng đến hiệu quả sinh kháng thể.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-tu-xu-tri-tac-dung-phu-sau-khi-tiem-vaccine-covid-19-post1256012.html