Cách mạng Tháng Tám - một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, nắm chính quyền toàn quốc...XÁC ĐỊNH ĐÚNG THỜI CƠ VÀ CHỚP THỜI CƠ

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám đưa dân tộc Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” đã khắc sâu dấu ấn vào sự nghiệp chiến đấu, xây dựng và đổi mới đất nước ta trong suốt chiều dài lịch sử. Và đến nay, Cách mạng Tháng Tám vẫn còn giá trị hiện thực sâu sắc.

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ (ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Về mặt khách quan trong thực tiễn lịch sử năm 1945 cho thấy, sự thắng lợi liên tiếp của Hồng quân Liên Xô trong chiến tranh thế giới lần thứ hai đã mở ra thời cơ vàng cho cách mạng Việt Nam. Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Điều đó làm cho quân đội Nhật đóng tại Việt Nam và Chính phủ thân Nhật - Trần Trọng Kim hoang mang, rệu rã về tinh thần, đúng lúc các lực lượng Đồng minh chưa vào đến nước ta, đã mở ra thời cơ “ngàn năm có một” để nhân dân ta nhất tề đứng lên đấu tranh giành chính quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nhưng nếu chỉ dựa vào điều kiện khách quan thì vẫn chưa là yếu đố quyết định thành công của một cuộc cách mạng, mà đó còn là sự kết tinh, hòa hợp giữa các yếu tố chủ quan (yếu tố quyết định trực tiếp) về nghệ thuật chuẩn bị lực lượng, xác định đúng thời cơ và chớp thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám của Đảng ta.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Ðông Dương. Đến ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Ðảng tổ chức Hội nghị mở rộng ở Ðình Bảng (Bắc Ninh) kịp thời ra chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nhận thấy thời cơ đã đến, từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Ðảng Cộng sản Ðông Dương chính thức khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang) và quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trong cả nước chỉ trong vài tuần.

Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám còn là sự tập dượt và trưởng thành của Đảng ta cùng với nhân dân thông qua các cao trào cách mạng rộng lớn từ phong trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đến cao trào Dân chủ 1936 - 1939 và cao trào kháng Nhật cứu nước (tháng 8-1945) của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của một Đảng với độ tuổi còn rất trẻ. Giai đoạn ấy chứng tỏ Đảng ta đã dày công trong 15 năm trải qua một chặng đường lịch sử biết bao gian khó, hy sinh và rèn luyện, đấu tranh gian khổ. Từ đó đúc kết ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho thời khắc “cứu nguy” dân tộc đã đến, sẵn sàng “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Trong 3 năm liên tiếp từ năm 1939 đến năm 1941, Đảng ta liên tiếp tổ chức 3 cuộc Hội nghị Trung ương (lần thứ 6, tháng 11-1939; lần thứ 7, tháng 11-1940 và lần thứ 8, tháng 5-1941) bàn việc thay đổi quyết sách, chuyển hướng chiến lược phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của đất nước, đưa nhiệm vụ thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

Do đó, chính sự thay đổi chiến lược do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng ta tiến hành đã phản ánh độ trưởng thành tư duy biện chứng trong việc xử lý đúng đắn các mâu thuẫn xã hội, năng lực lãnh đạo của Đảng đã đạt tới trình độ trưởng thành, ngang tầm nhiệm vụ chính trị và đảm đương sứ mệnh giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào khỏi xiềng xích nô lệ, để sống trong độc lập, tự do.

Đồng thời, nhân dân Việt Nam đã chuẩn bị đội ngũ, tích lũy kinh nghiệm đấu tranh theo những chiến lược, chiến thuật cách mạng sáng tạo của Đảng, chủ động tạo ra thời cơ để tiến hành Tổng khởi nghĩa đúng lúc, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi. Vì lẽ đó, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là hệ quả của quá trình chuẩn bị lâu dài về mọi mặt: Tổ chức, chính trị, tư tưởng, nghệ thuật nắm bắt đúng thời cơ của Đảng ta. Cùng sự bền bỉ đấu tranh, chấp nhận hy sinh, gian khổ của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Xuyên suốt 78 năm lãnh đạo đất nước từ Cách mạng Tháng Tám đến nay, trải qua các thời kỳ đầy biến động của lịch sử, Đảng luôn thực hiện đúng sứ mệnh cao cả là “Đảng của nhân dân” vì “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, từng bước đưa Việt Nam “có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong cả hành trình dài, Đảng luôn dựa vào nhân dân, nhân dân dành trọn niềm tin sắt son với Đảng, đã trở thành mối quan hệ không thể tách rời mà ngày càng mật thiết, gần gũi, nhân dân được sống trong tự do, hạnh phúc và cùng nhau phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

TIẾP NỐI VÀ PHÁT HUY TINH THẦN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Từ tháng Tám năm 1945 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thông qua các quan điểm, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng cùng sự cụ thể hóa phù hợp với thực tế địa phương của các cấp ủy Đảng theo tinh thần “Trên dưới đồng lòng” “dọc ngang thông suốt”, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã đi vào cuộc sống như một lẽ tự nhiên; bởi tính đúng đắn, mục tiêu được xác định phù hợp với điều kiện thực tế, với “ý Đảng hợp với lòng dân” mà đất nước ta đã có những bước phát triển toàn diện trên hầu hết những lĩnh vực.

Hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện và có bước phát triển; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy. Các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội cũng từ đó có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng đời sống vật chất, tinh thần của người dân... Cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã và đang không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra trong từng nhiệm kỳ đại hội.

Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với sự đoàn kết, quyết tâm chính trị rất cao, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Trong công tác xây dựng Đảng, Tỉnh ủy luôn chú trọng thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Công tác tuyên truyền được tập trung hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn và có sức thuyết phục cao; thực hiện thường xuyên và liên tục Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đó chú trọng phát hiện, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, những nhân tố mới trên từng lĩnh vực để tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Lĩnh vực kinh tế của Tiền Giang cũng có bước chuyển tích cực. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) không ngừng gia tăng: Năm 2020 là 98.861 tỷ đồng, đến năm 2022 tăng lên 112.462 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2023 đạt khoảng 123.600 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực, theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Các công trình, dự án được đầu tư thi công đang đảm bảo thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra...

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu của nửa nhiệm kỳ còn lại, cả hệ thống chính trị trong tỉnh cùng với người dân đang nỗ lực, quyết tâm để đạt và vượt các chỉ tiêu của nghị quyết nhiệm kỳ đã đề ra.

LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202308/cach-mang-thang-tam-mot-ky-tich-trong-lich-su-dan-toc-viet-nam-987761/