Các thuốc điều trị bỏng

Điều trị bỏng phụ thuộc vào thể loại và mức độ chấn thương. Hầu hết các vết bỏng nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng các thuốc chữa bỏng không kê đơn. Vết bỏng thường lành trong vòng một vài tuần.

Đối với bỏng nghiêm trọng, sau khi bác sĩ chăm sóc sơ cứu thích hợp và đánh giá vết thương, các phương pháp điều trị có thể bao gồm thuốc trị bỏng, băng vết thương, trị liệu và phẫu thuật. Mục tiêu điều trị là kiểm soát cơn đau, loại bỏ mô hoại tử, ngăn ngừa nhiễm khuẩn, làm rụng hoại tử, khô se vết bỏng, kích thích biểu mô hóa và phục hồi chức năng.

Nội dung

1. Các thuốc điều trị bỏng

1.1. Thuốc có tác dụng làm rụng hoại tử bỏng

1.2. Thuốc có tác dụng kháng khuẩn, sát khuẩn

1.3. Thuốc có tác dụng tạo màng che phủ vết bỏng

1.4. Thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo vết bỏng

2. Một số lưu ý khi dùng thuốc

1. Các thuốc điều trị bỏng

Tùy mức độ bỏng mà ưu tiên sử dụng lần lượt và kết hợp 1 trong 4 nhóm thuốc sau:

1.1. Thuốc có tác dụng làm rụng hoại tử bỏng

Thuốc có tác dụng làm rụng hoại tử gồm các men tiêu hủy protein lấy từ nguồn gốc động vật, thảo mộc hoặc vi sinh vật như trypsin, pepsin, papain (từ mủ quả đu đủ), bromelain (từ quả dứa) hoặc các hóa chất như mỡ axit salicylic 40%, lanolin… Các thuốc này giúp vùng hoại tử nhanh rụng hơn để sớm làm sạch vết bỏng và hình thành mô hạt.

1.2. Thuốc có tác dụng kháng khuẩn, sát khuẩn

Các loại thuốc được dùng để phòng và chữa các nhiễm khuẩn bỏng như axit boric (dung dịch 2-3%, mỡ 5-10% hoặc bột tinh thể), silver sulfadiazine 1% (flamazine 1%, silvadene 1%,...), sulfamylon acetat (mỡ mafenide 11,2%), povidone - iodine (thuốc mỡ hoặc dung dịch betadine 10%, dung dịch povidine 10%...), thuốc mỡ hoặc dung dịch kháng sinh polymyxin B, neomycin sulfat, colistin 0,1%, dung dịch gentamycin 0,15%, penicillin G 0,25%...

Hiện nay, silver sulfadiazine 1% là thuốc bôi ngoài da được lựa chọn sử dụng nhiều nhất đối với các vết bỏng độ 2 và 3. Thuốc gồm 2 thành phần chính là sulfadiazine - kháng sinh thuộc nhóm sulfamid và bạc kết hợp với nhau có tác dụng kháng khuẩn, giảm viêm mạnh. Tác dụng phụ gặp phải có thể là ngứa, cảm giác nóng bỏng, mày đay… Không dùng thuốc cho trẻ đẻ non hoặc trẻ sơ sinh dưới 2 tháng tuổi.

1.3. Thuốc có tác dụng tạo màng che phủ vết bỏng

Thuốc tạo màng được sử dụng nhằm mục đích ngăn cách bề mặt vết bỏng với môi trường, để vết bỏng tự khỏi mà không cần thay băng hàng ngày, nhờ đó giảm bớt đau đớn cho người bệnh.

Thuốc tạo màng được dùng phổ biến là tanin dung dịch 5%, khi bôi trên da sẽ tạo một lớp màng mỏng, làm máu ngưng chảy, vừa có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus. Một số thuốc nam có tác dụng làm se khô và tạo màng thuốc như cao đặc lá sim, cao đặc vỏ cây xoan trà (B76). Hiện nay, cao đặc vỏ cây xoan trà được dùng rộng rãi tại nhiều địa phương. Với trường hợp bỏng nông, không bị nhiễm khuẩn, sau khi rắc, thuốc sẽ tạo thành một màng thuốc che phủ vết bỏng, không cần thay băng, bớt đau đớn vì không phải thay băng nhiều lần. Màng thuốc sẽ tự bong ra sau khi liền vết thương.

Tuy nhiên, dùng thuốc phải đúng chỉ định (vết bỏng nông, bỏng mới), không dùng trên vết bỏng sâu, vết bỏng đã nhiễm khuẩn, không dùng quanh chu vi chi thể và đảm bảo xử lý vết bỏng trước khi dùng thuốc đúng kỹ thuật. Việc sử dụng thuốc tạo màng không đúng chỉ định có thể gây hoại tử ngón tay, ngón chân (do chèn ép tuần hoàn chi), nhiễm khuẩn tại chỗ và toàn thân....

Hầu hết các vết bỏng nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng các thuốc trị bỏng không kê đơn.

1.4. Thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo vết bỏng

Nhóm thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo vết bỏng như dầu gan cá thu, dầu gấc, thuốc mỡ hoặc kem có nguồn gốc từ thảo dược như mù u, nghệ, lô hội, biafine, madecassol, thuốc mỡ cao vàng, hebermin, chitosan… Các thuốc này thường được sử dụng cho các vết bỏng độ 1, độ 2, tác dụng nhằm làm dịu vết bỏng, tránh phồng rộp, ngăn vết bỏng lan rộng, giúp nhanh lành da và hạn chế hình thành sẹo.

Nha đam giúp giảm đau, làm se mặt da bị thương tổn và giúp vết thương mau lành nên có thể dùng để điều trị bỏng rất hiệu quả. Một số thuốc có thành phần trà xanh giúp làm dịu vết bỏng và vùng da bị tổn thương. Tinh nghệ giúp nhanh chóng tái tạo tế bào da và ngăn ngừa hình thành sẹo sau bỏng.

Tuy nhiên khuyến cáo không áp dụng cho các vết thương chảy máu hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.

2. Một số lưu ý khi dùng thuốc

Đối với vết thương bỏng, sau khi làm sạch và loại bỏ các mô hoại tử ở vết thương, dùng tay đi găng vô khuẩn, bôi một lớp kem dày 1 - 3mm vào diện tích bị bỏng, ngày 1 hoặc 2 lần. Bôi thuốc vào tất cả các khe kẽ, các chỗ nứt nẻ hoặc sùi trên vết bỏng, sau đó băng kín lại hoặc đặt gạc có mặt vải mịn, rồi quấn băng lại để thuốc tiếp xúc với vết thương. Hàng ngày, cần rửa vết thương bỏng bằng nước vô trùng và loại bỏ các mô hoại tử, đặc biệt là ở người bệnh bị bỏng độ 3 và tiếp tục bôi thuốc điều trị cho đến khi vết thương lành hoặc cho đến khi các vết bỏng đã có thể ghép da được.

Với những vết thương bỏng diện rộng, khi bôi thuốc có thể hấp thụ toàn thân nên làm thay đổi tác dụng của một số thuốc khác, đặc biệt là làm tăng tác dụng của các thuốc hạ đường huyết dùng đường uống và phenytoin (thuốc chống động kinh). Vì vậy, đối với người bệnh đái tháo đường, người bệnh động kinh khi bị bỏng mà dùng silver sulfadiazine, cần lưu ý theo dõi nồng độ của thuốc trong máu để điều chỉnh liều, tránh làm ảnh hưởng hiệu quả của các thuốc khác.

Mặc dù là thuốc bôi ngoài da, thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn tại chỗ cũng như toàn thân như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, viêm lưỡi; ngứa, mày đay, mẫn cảm với ánh sáng, Trường hợp các vết bỏng độ nặng với diện tích rộng khi bôi thuốc có thể gây giảm bạch cầu, liên quan đến liều dùng và thường biểu hiện sau khi bắt đầu điều trị 2 - 3 ngày, thường tự giới hạn và không cần phải ngừng thuốc song, vẫn cần theo dõi cẩn thận công thức máu để đảm bảo bạch cầu sẽ trở lại bình thường sau vài ngày.

ThS. BS. Nguyễn Ngọc Oanh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-thuoc-dieu-tri-bong-169240327144636493.htm