Các nước EU đạt được thỏa thuận về quy tắc di cư: Bước đột phá từ cân bằng trách nhiệm

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về quy tắc di cư, cho phép các quốc gia chấp nhận chia sẻ số người xin tị nạn hoặc đóng góp vào quỹ chung để chăm sóc người di cư. Thỏa thuận này được đánh giá là một 'sự cân bằng tốt' về trách nhiệm đối với những người xin tị nạn và thể hiện sự đoàn kết trong EU, đồng thời là bước đột phá về vấn đề này.

Tàu chở người xin tị nạn tới nơi tiếp nhận tạm thời trên đảo Lampedusa, Italia.

Thụy Điển, nước chủ trì Hội đồng EU cho biết, bộ trưởng các quốc gia thành viên EU nhóm họp tại Luxembourg đã nhất trí mỗi quốc gia đồng ý tiếp nhận một số người tị nạn hằng năm hoặc cung cấp tài chính cho việc hồi hương của người tị nạn nếu đơn xin tị nạn của họ bị từ chối.

Cụ thể nếu người nộp đơn không có cơ hội được tị nạn ở EU sẽ bị trả về ngay lập tức và tất cả các đơn xin tị nạn đều được xử lý tối đa trong vòng 6 tháng. Các quốc gia không sẵn sàng tiếp nhận những người xin tị nạn sẽ phải đóng một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 20.000 euro/người (21.571 USD/người) vào một quỹ do EU quản lý để hỗ trợ người di cư...

Cao ủy châu Âu về các vấn đề nội vụ Ylva Johansson ca ngợi thỏa thuận này là một "bước tiến quan trọng" đối với EU trong việc giải quyết các thách thức về di cư. Thỏa thuận vừa đạt được bắt nguồn từ Hiệp ước mới về Di cư và Tị nạn, một dự thảo do Ủy ban châu Âu (EC) công bố vào tháng 9-2020, đề xuất bỏ hạn ngạch tiếp nhận người di cư.

Văn kiện này được ví như bước đột phá đầu tiên sau nhiều năm các thành viên của “mái nhà chung” châu Âu tranh luận gay gắt và gây chia rẽ. Trước đó, ngày 8-6, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Kế hoạch hành động của EU nhằm quản lý các tuyến đường Tây Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, nơi người di cư bất hợp pháp coi là lộ trình vượt biên “thuận lợi nhất” với họ.

Số lượng người xin tị nạn ở châu Âu đã tăng lên sau thời gian tạm dừng do đại dịch Covid-19. Do đó, vấn đề người di cư đã trở lại danh sách ưu tiên của khối. Theo báo cáo mới nhất, các vụ bắt giữ người di cư dọc tuyến đường Trung Địa Trung Hải đã tăng lên gần 42.200 vụ, chỉ từ tháng 1 đến tháng 4-2023, tăng 28%. Tính từ đầu năm nay, hơn một nửa số lượt nhập cảnh bất hợp pháp vào EU qua tuyến đường Trung Địa Trung Hải. Các vụ vượt biên trái phép qua tuyến đường này trong 4 tháng đầu năm 2023 đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ trong hai ngày 5 và 6-6, lực lượng bảo vệ bờ biển Italia đã giải cứu gần 1.500 người di cư trên những chiếc thuyền gặp nạn ở biển Ionian. Lượng người di cư được dự báo sẽ tiếp tục tăng khi thời tiết khu vực Địa Trung Hải trở nên ấm áp hơn trong giai đoạn chuyển giao từ xuân sang hè.

Theo các nhà phân tích, thời tiết thuận lợi không phải là lý do duy nhất cho sự gia tăng lượng người di cư vào Italia. Khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, bạo lực và xung đột gia tăng... là những nguyên nhân chính khiến nhiều người dân ở các nước như Libya, Tunisia, Bờ Biển Ngà... rời bỏ quê hương đi tìm miền đất mới. Trưởng phái đoàn đảng Tiếng nói (VOX) tại Nghị viện châu Âu Jorge Buxadé đã chỉ ra rằng, làn sóng người nhập cư gia tăng tác động tiêu cực đến các nước châu Âu và tình trạng bất ổn về an ninh ngày càng nghiêm trọng.

EU đã nỗ lực giải quyết vấn đề di cư bằng cách sử dụng các quy tắc khủng hoảng đặc biệt, được thông qua vào năm 2015, khi Thổ Nhĩ Kỳ cho phép những người tị nạn từ cuộc chiến Syria đến châu Âu. Tuy nhiên các thỏa thuận này đã cho thấy là không đủ khả năng để đối phó với thách thức người di cư, trong khi mục tiêu cuối cùng của quy tắc mới là thiết lập một hệ thống lâu dài và có thể kiểm soát dòng người di cư trong tương lai.

Theo Hà Nội mới

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/the-gioi/cac-nuoc-eu-dat-duoc-thoa-thuan-ve-quy-tac-di-cu-buoc-dot-pha-tu-can-bang-trach-nhiem-175884.html