Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không xây cầu Mã Đà

Phương án xây dựng cầu Mã Đà kết nối hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, sẽ gây chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học, vi phạm luật pháp Việt Nam cùng các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết...

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không xây cầu Mã Đà đi xuyên vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 6823/BGTVT – KHĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và Đồng Nai, trong đó kiến nghị không xây cầu Mã Đà đi xuyên qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Văn bản 6823/BGTVT nêu rõ việc kết nối hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai là cần thiết. Tuy nhiên, phương án kết nối qua cầu Mã Đà đi qua vùng lõi khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESSCO) công nhận (năm 2011) gây chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học do các phương tiện lưu thông qua.

Việc này vi phạm Luật Đa dạng sinh học, các điều ước quốc tế dẫn đến khả năng thu hồi chứng nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, không phù hợp với Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường, các chủ trương của Đảng và Chính phủ; cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị lần 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, qua lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan, trên cơ sở phân tích, so sánh các phương án, Bộ Giao thông vận tải nhận thấy phương án xây cầu Mã Đà và mở đường xuyên Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai kinh phí rất lớn, ảnh hưởng diện tích rừng (chiều dài xuyên vùng lõi hơn 40 km, chiếm dụng khoảng 50 ha rừng – chú thích của người viết)…

Việc xây cầu Mã Đà đi xuyên vùng lõi sẽ gây chia cắt vùng lõi, phân mảnh hệ sinh thái, ảnh hưởng đến hành lang liên kết đa dạng sinh học...

Cụ thể, tỉnh Bình Phước phải bố trí 500 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp đường tỉnh ĐT-753 để bảo đảm đồng bộ về quy mô nên phải xây cầu cạn, hầm chui cho động vật qua lại, hàng rào chống tiếng ồn… do đó chi phí đầu tư khoảng 18.100 tỷ đồng cho các hạng mục dự án và mất 41 ha rừng đặc dụng. Do đó, việc xây dựng tuyến quốc lộ 13C kết nối 2 tỉnh khó khả thi, nếu xây dựng phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và cần có các nhà khoa học, chuyên gia, truyền thông ủng hộ.

Từ đó, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lựa chọn phương án không làm đường đi xuyên vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai; đồng thời, nghiên cứu bổ sung phương án kết nối tỉnh Bình Phước với đường Vành đai 4 TP.HCM và không qua cầu Mã Đà. Đây là phương án khả quan nhất.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước chủ trì, phối hợp với hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án kết nối tỉnh Bình Phước với Vành đai 4 TP.HCM, không qua cầu Mã Đà.

Văn bản 6823/BGTVT nêu rõ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đẩy nhanh tiến độ đầu tư tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM theo yêu cầu tại văn bản số 1263/TTg-CN ngày 29/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải cập nhật hướng tuyến kết nối tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai, trong quá trình triển khai lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để triển khai quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trước đó, tại chuyến công tác và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Bình Phước ngày 20/3/2022, tỉnh này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho triển khai xây dựng cầu Mã Đà vượt sông Mã Đà, nối Bình Phước với Đồng Nai qua đường tỉnh ĐT-753 của Bình Phước và đường tỉnh ĐT-761 của Đồng Nai lập quốc lộ mới 13C. Kế hoạch này sẽ đi xuyên qua vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai là khu dữ trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới đã được UNESCO công nhận vào năm 2011.

Sau đó, tỉnh Đồng Nai đã lên tiếng không đồng tình phương án xây cầu theo đề xuất của Bình Phước. Các nhà khoa học, chuyên gia, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, Tổ chức UNESCO đã lên tiếng góp ý, phản biện về các phương án xây cầu Mã Đà nối Bình Phước và Đồng Nai; theo đó không đồng tình phương án đi xuyên qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Vào giữa tháng 5/2022, Viện Chiến lược và phát triển, Bộ Giao thông vận tải sau khi tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, bộ, ngành, địa phương liên quan đã cho biết thống nhất phương án (có 4 phương án) xây cầu Mã Đà không đi qua vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai; thay vào đó, dự án sẽ đi qua vùng đệm của khu dự trữ.

Kế hoạch xây dựng cầu Mã Đã và mở tuyến đường nối Bình Phước – Đồng Nai đã có từ năm 2002. Lúc đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã khảo sát, lập dự án xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường Bà Hào - Rang Rang nối hai địa phương.

Tuy nhiên, một trong những lý do không thể triển khai là việc đầu tư xây dựng cầu Mã Đà có thể làm ảnh hưởng đến Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu Dự trữ sinh quyển thế giới). Tỉnh Bình Phước cũng thống nhất với tỉnh Đồng Nai về việc xác định, việc xây cầu Mã Đà và làm đường qua Khu bảo tồn là không khả thi, không phù hợp định hướng bảo vệ, phát triển rừng, không phù hợp với quy hoạch tổng thể.

Xuân Thái -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bo-giao-thong-van-tai-kien-nghi-thu-tuong-chinh-phu-khong-xay-cau-ma-da.htm