Bi kịch của những nữ binh sĩ Afghanistan bị phương Tây bỏ rơi

Trong số hàng nghìn phụ nữ Afghanistan phục vụ trong quân đội và cảnh sát của chính quyền trước đây, nhiều người đang mắc kẹt, bị Taliban săn lùng và xã hội quay lưng.

Khi Taliban chiếm Kabul, Samima chôn quân phục không quân ở sân nhà. Tuy vậy, quá khứ của cô vẫn bị phát hiện. Lực lượng Taliban gọi cho cô chỉ vài ngày sau đó.

Quá hoảng sợ, Samima tắt máy, vứt thẻ SIM và bỏ chạy khỏi nhà. Cô cho biết các tay súng Taliban đã tìm đến nhà bố mẹ cô để hỏi thông tin. Giờ đây, Samima vẫn đang lẩn trốn cùng chồng. Cô vẫn cố gắng tìm cách rời Afghanistan trong tuyệt vọng.

“Hàng nghìn phụ nữ như tôi đang bị Taliban đe dọa, săn lùng và đối mặt với tương lai bất định”, Samima, người từng phục vụ trong lực lượng không quân của chính quyền thân phương Tây, nói. “Nước Mỹ và cộng đồng quốc tế tuyên bố họ sẽ giúp đỡ chúng tôi dù điều gì xảy ra nhưng họ đã bỏ quên chúng tôi”.

Những người bị bỏ lại

Samima là một phần của các đơn vị nữ quân nhân và cảnh sát được Mỹ và đồng minh lập ra. Phương Tây coi đây là biểu tượng của thành tựu trong việc trao quyền cho phụ nữ Afghanistan. Họ tích cực tuyên truyền về các lực lượng này, dù nhiều nữ binh sĩ, cảnh sát muốn giữ bí mật nghề nghiệp của bản thân vì yếu tố văn hóa.

Trước khi chính phủ thân phương Tây sụp đổ, khoảng 6.300 phụ nữ Afghanistan phục vụ trong lực lượng vũ trang và cảnh sát, chiếm khoảng 2% quân số. Giờ đây, họ là đối tượng dễ tổn thương hàng đầu trước mối nguy từ Taliban, và nhiều khi từ cả gia đình cũng như xã hội mang nặng đầu óc bảo thủ.

Samima đang phải lẩn trốn trong khi tìm cách ra khỏi Afghanistan. Ảnh: Wall Street Journal.

“Các nhạc sĩ, cầu thủ, nghệ sĩ đã được đưa đi. Mạng sống của họ còn không bị đe dọa như chúng tôi”, Samima nói.

Chỉ các nữ quân nhân và cảnh sát làm việc với người Mỹ trong những hoàn cảnh đặc biệt mới được giới thiệu tham gia chương trình nhập cư vào Mỹ với tư cách người tị nạn. Tuy vậy, quá trình này tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian, các quan chức Mỹ nói với Wall Street Journal.

“Tôi đã mất hy vọng. Tôi sẽ cố tiếp tục, nhưng trên thực tế, tôi biết họ sẽ không thể rời đi”, một sĩ quan không quân Mỹ quen biết Samina nói. Người này đang tham gia các nỗ lực để đưa những người Afghanistan có thể gặp nguy hiểm ra khỏi đất nước.

Sau khi chiếm được Kabul, Taliban tuyên bố tổng ân xá cho binh lính và cảnh sát của chính quyền thân phương Tây. Tuy vậy, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết nhiều vụ ám sát đã xảy ra. Con số vụ việc có thể lên đến hơn 100 chỉ trong 4 tỉnh của Afghanistan.

Danh sách nạn nhân bao gồm bốn nữ sĩ quan không quân ở thành phố miền Bắc Mazar-e-Sharif, theo một quan chức từng phụ trách bộ phận quản lý nữ quân nhân của không quân Afghanistan.

Hai người bị sát hại tại nhà bởi các tay súng chưa rõ danh tính, còn hai người thiệt mạng khi gặp mặt một đối tượng giả danh là nhân viên của tổ chức phi chính phủ muốn giúp họ ra nước ngoài, quan chức trên cho biết.

Lực lượng Taliban phủ nhận dính líu đến các vụ việc trên, cũng như những vụ sát hại cựu binh sĩ Afghanistan khác.

“Nếu quân thánh chiến muốn trả thù những người này, họ đã làm ngay từ khi nắm quyền”, ông Hassan Akhund, Thủ tướng của chính quyền Taliban, nói. “Nhưng họ không làm vậy”.

Một trạm gác của Taliban tại thủ đô Kabul. Lực lượng này tuyên bố họ không liên quan tới các vụ sát hại nhằm vào cựu binh sĩ và nhân viên an ninh Afghanistan. Ảnh: Wall Street Journal.

Tháng 8 vừa qua, Mỹ và các đồng minh đưa hơn 100.000 người, bao gồm hàng chục nghìn phụ nữ, ra khỏi Afghanistan. Kể từ đó, cơ hội để người Afghanistan ra nước ngoài gần như khép lại.

Washington chỉ đưa những người Mỹ, người có thẻ thường trú ở Mỹ và một lượng ít ỏi người có visa ra khỏi Afghanistan kể từ thời điểm đó. Hầu hết người này làm việc trực tiếp cho người Mỹ và được xác định có nguy cơ cao. Trong khi đó, các nỗ lực giải cứu riêng lẻ đã phải dừng hàng tuần vì không quốc gia nào muốn tiếp nhận người tị nạn.

Hầu hết nữ quân nhân và cảnh sát Afghanistan không đủ điều kiện ra đi. Trong số 302 nữ sĩ quan của lực lượng không quân, chỉ 6 người kịp rời Afghanistan.

Hiểm nguy rình rập

Những người ở lại đất nước cho biết họ đang là mục tiêu săn lùng. Hầu hết phải rời bỏ nhà cửa và lẩn trốn. Nhiều người bị gia đình và láng giềng quay lưng. Không có lương và nơi ở ổn định, họ gặp nhiều khó khăn khi mùa đông đang đến.

Malika, cựu cảnh sát chống ma túy của chính quyền trước đây, cho biết cô bắt đầu nhận được các cuộc gọi đe dọa sau khi Kabul thất thủ. Hầu hết đến từ những người họ hàng theo Taliban của chồng cô. “Một trong những người anh họ của chồng tôi nói: ‘Tôi sẽ giết cô hoặc bắt cô’”, Malika cho biết.

Giờ đây, cô đang phải lẩn trốn ở nhà chị gái ở một tỉnh xa xôi cùng cô con gái 4 tháng tuổi. Chồng cô, một sĩ quan cảnh sát, đã chạy thoát sang Iran.

“Tôi đã ở đây một tháng và không ra ngoài. Tôi sợ bản thân bị Taliban nhận ra”, Malika nói.

Trong xã hội Afghanistan có xu hướng bảo thủ, việc phụ nữ gia nhập quân đội hay cảnh sát vấp phải nhiều sự chống đối và thách thức về mặt văn hóa. Dù đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích về tài chính, chính quyền trước đây luôn gặp khó khăn trong việc thực hiện chỉ tiêu tuyển dụng phụ nữ mà Mỹ và đồng minh đặt ra.

“Tôi thấy cách chúng ta đưa phụ nữ vào lực lượng vũ trang và huấn luyện họ, cũng như thấy họ giúp đỡ Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nước Mỹ tại Afghanistan”, bà Wazhma Frogh, một nhà vận động vì quyền phụ nữ, cho biết. “NATO đã bỏ rơi những người phụ nữ này. Trách nhiệm của họ trong vấn đề này rất lớn”.

Soheila, cựu sĩ quan cảnh sát cấp cao tại Kabul, cũng đang phải lẩn trốn. Bà sợ những tội phạm từng bị bà đưa vào tù hơn cả Taliban. Ảnh: Wall Street Journal.

Bà Frogh nhận định thách thức lớn nhất đối với họ đến từ chính xã hội. “Có nhiều sự giận dữ nhằm vào họ. Mọi người không ngại nói với Taliban về nơi ở của những nữ quân nhân”, bà nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết một số nữ nhân viên cảnh sát làm việc gần gũi với cơ quan này đã được đưa đến Mỹ. “Cam kết của chúng tôi đối với các đồng minh vẫn còn ở Afghanistan không kết thúc khi chúng tôi rời đất nước này”, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Nhiều nữ cựu quân nhân và cảnh sát Afghanistan còn gặp phải một rào cản khi tìm đường ra nước ngoài: Thiếu giấy tờ.

Các binh sĩ Taliban xé trang có ảnh ở hộ chiếu của Samima khi cô cố gắng tiếp cận sân bay Kabul hồi tháng 8. Trong khi đó, nhiều người hoàn toàn không có hộ chiếu hợp lệ.

Đây là điều xảy ra với Soheila, cựu sĩ quan cảnh sát cấp cao phụ trách các vụ bạo lực liên quan đến giới tính ở Kabul. Hầu hết người mà bà đưa vào tù - trong đó có các tội phạm bạo hành - đã được Taliban thả ra. Soheila sợ các đối tượng này hơn là Taliban.

“Tôi nhận được tin nhắn đe dọa từ những tù nhân mới được thả. Chúng khiến tôi và gia đình gặp nguy hiểm”, bà nói. Nhà của bà ở Kabul bị lục soát sau khi bà bỏ trốn. Giờ đây, Soheila đang sống với người thân trong một căn nhà chật chội ở ngoại ô Kabul.

“Tôi không thể ngủ vào ban đêm. Tôi đã không được nhận lương hàng tháng rồi. Tôi không còn tiền. Cuộc sống của chúng tôi đang bị đe dọa. Chúng tôi sẽ sống thế nào đây?”, bà nói.

Việt Hà

Theo Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bi-kich-cua-nhung-nu-binh-si-afghanistan-bi-phuong-tay-bo-roi-post1286452.html