Bệnh truyền nhiễm vừa xâm nhập TP.HCM

Việt Nam trở thành quốc gia mới nhất phát hiện người mắc đậu mùa khỉ. Tương tự nhiều nước, ca nhiễm đầu tiên đến từ người có tiền sử du lịch nước ngoài.

Các mẫu xét nghiệm đậu mùa khỉ tại Mỹ. Ảnh: Pablo Blazquez Dominguez.

Năm 2022 là năm của bệnh truyền nhiễm. Chúng ta bước vào năm thứ 3 của đại dịch Covid-19, chứng kiến thêm sự xuất hiện trên toàn cầu của mầm bệnh virus khác - đậu mùa khỉ.

Đây vốn là vấn đề của nhiều quốc gia châu Phi. Nhưng đến đầu tháng 5 năm nay, giới nghiên cứu phát hiện một loạt ca mắc ở Vương quốc Anh. Ngay sau đó, các trường hợp khác được xác nhận ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Mỹ và Canada.

Đợt bùng phát tiếp tục lan rộng. Ngày 3/10, Việt Nam ghi nhận ca mắc đầu tiên ở TP.HCM, là một phụ nữ trở về từ Dubai.

Đến nay, theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), 68.428 ca mắc đã được báo cáo tại 107 quốc gia trên toàn cầu. Hơn 1/3 trong số đó được xác định ở Mỹ. Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng sức khỏe khẩn cấp toàn cầu.

May mắn, đậu mùa khỉ không phải bệnh mới. Dẫu vậy, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xóa sổ căn bệnh này, thậm chí là không thể.

Bệnh đậu mùa khỉ là gì và lây lan như thế nào?

Giáo sư Tara C.Smith, nhà dịch tễ học, nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, cây bút của Quanta Magazine cho biết virus gây đậu mùa khỉ thuộc loài orthopox, có liên quan mật thiết đến bệnh đậu mùa - đại dịch đáng sợ đã giết chết 300-500 triệu người trên toàn cầu vào thế kỷ XX. Căn bệnh này mới bị xóa sổ vào năm 1980.

Bệnh đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần kéo dài, gồm cả tiếp xúc da kề da, và có khả năng lây lan qua dịch tiết đường hô hấp (giọt bắn đường thở, sol khí).

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể gồm sốt, đau nhức cơ thể, ớn lạnh và phát ban da với mụn nước khắp cơ thể. Các ca nhiễm trùng thường được mô tả là nhẹ, không khiến người mắc phải nhập viện hay tử vong. Song, vẫn có nhiều bệnh nhân phải chịu đau đớn nghiêm trọng vì các vết mụn nước gây ra. Ngoài ra, 28 bệnh nhân đã tử vong.

Căn bệnh này đang lây lan trong cộng đồng như một bệnh lây qua đường tình dục, nhưng giới chức y tế vẫn chú ý tới những con đường khác.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh mùa đậu khỉ chủ yếu lây lan qua tiếp xúc da kề da khi quan hệ tình dục. Thống kê cho thấy nam giới quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ cao nhất trong đợt bùng phát hiện nay, bởi phần lớn sự lây truyền xảy ra trong cộng đồng đồng tính nam. Tuy nhiên, WHO và CDC nhấn mạnh bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ, không riêng một khuynh hướng tình dục nào.

Các nhà khoa học ở Tây Ban Nha và Italy đã phát hiện DNA của virus đậu mùa khỉ trong tinh dịch những bệnh nhân dương tính. Dù vậy, họ vẫn chưa rõ liệu virus có thể lây lan qua tinh dịch khi quan hệ tình dục hay không. Các nhà khoa học Tây Ban Nha cũng phát hiện DNA của bệnh đậu mùa khỉ trong mẫu nước bọt. Họ không rõ liệu virus có thể lây lan khi mọi người bị nhiễm bệnh mà không có triệu chứng hay không.

Một người dân được tiêm vaccine đậu mùa khỉ ở New York, Mỹ, ngày 5/7. Ảnh: Reuters.

Chúng ta biết gì về virus gây đậu mùa khỉ?

Virus bệnh thủy đậu là virus DNA, có nghĩa là chúng sử dụng DNA làm vật liệu di truyền (khác với virus RNA như SARS-CoV-2 hay cúm).

Virus DNA cũng có xu hướng đột biến chậm hơn virus RNA. Trong lịch sử, thuật ngữ “pox” để chỉ những vết phồng rộp do virus gây ra, gồm cả các bệnh lây qua động vật khác như đậu mùa lạc đà, đậu mùa bò.

Hầu hết virus gây đậu mùa đều có nguồn gốc từ động vật, nghĩa là chúng đã có bước nhảy giữa các quần thể loài. Bệnh đậu mùa có khả năng phát triển từ một virus từ loài gặm nhấm, nhưng sau đó thích nghi với con người, biến đổi theo thời gian để lây lan hiệu quả hơn ở quần thể này.

Được gọi là đậu mùa khỉ nhưng bệnh này không xuất phát từ khỉ. Nó được xác định lần đầu tiên vào năm 1958, trong đợt bùng phát tại một cơ sở nghiên cứu về khỉ của Đan Mạch. Những con khỉ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc loài gặm nhấm mang virus.

Năm 1970, các bác sĩ xác định ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên trên người.

Có vaccine phòng đậu mùa khỉ không?

Câu trả lời thực tế là không nhưng chúng ta có phương án thay thế. Đó là sử dụng vaccine đậu mùa. Việc này là phù hợp trong tình thế hiện nay, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Bởi vaccine được sử dụng nhiều nhất trong chiến dịch xóa sổ đậu mùa - ACAM200 - chứa virus sống.

Phần lớn người tiêm an toàn nhưng nó có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở những người bị suy giảm miễn dịch và những người khác mắc một số bệnh về da như bệnh chàm. Trên thực tế, khi ca mắc đậu mùa giảm, hầu hết quốc gia ngừng tiêm chủng bởi tác dụng phụ của vaccine trở nên nguy hiểm hơn so với lây nhiễm tự nhiên.

Tin tốt là chúng ta có vaccine thứ 2 - Jynneos. Loại vaccine này chứa phiên bản virus đã suy yếu, không biến chứng và trở thành lựa chọn cho những người không thể dùng ACAM2000. Tuy nhiên, loại vaccine này đang thiếu trầm trọng, cần đủ hai liều, cách nhau 4 tuần để có sự bảo vệ đầy đủ. Hiện tại, để đáp ứng nguồn cung, FDA chỉ cho phép sử dụng 1/5 liều thông thường, mặc dù các thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả của phương pháp này chỉ mới bắt đầu.

Hạn chế chung của cả hai loại vaccine đó là chưa được thử nghiệm lâm sàng chống đậu mùa khỉ. Cả hai đều sử dụng từ nguồn cung cấp hạn chế phòng khi xảy ra khủng bố sinh học.

Những người chờ tiêm vaccine đậu mùa khỉ tại Mỹ. Ảnh: AFP.

Làn sóng đậu mùa khỉ hiện nay bùng phát thế nào?

Chủng virus gây đợt dịch hiện nay liên quan mật thiết đến chủng được tìm thấy ở Nigeria. Quốc gia này báo cáo 0 ca mắc từ năm 1979 đến 2016. Nhưng tháng 9/2017, một đợt bùng phát bắt đầu, bệnh nhân đầu tiên là cậu bé 11 tuổi. Điều này khiến Nigeria tăng cường giám sát đậu mùa khỉ. 276 ca nghi ngờ/xác nhận đã được phát hiện sau đó. Giới chức cảnh báo dịch đã lây lan trong nước mà không bị phát hiện trong thời gian dài.

Đợt bùng phát ở Nigeria thể hiện sự chuyển dịch từ các bệnh nhiễm trùng lẻ tẻ do động vật gây ra sang chuỗi lây truyền từ người sang người kéo dài, đặc biệt ở các khu vực đô thị và nhà tù.

Điều này lặp lại vào năm 2022. Đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay được cho là rất bất thường bởi nó lan rộng ra khắp quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu. Đây vốn là nơi thường không có sự xuất hiện của virus đậu mùa khỉ. Trong lịch sử, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ở mức độ thấp đến các vùng xa xôi của Tây và Trung Phi - nơi các loài gặm nhấm và các động vật khác mang virus.

Theo AP, khi bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện, nhiều lý do khiến giới chức y tế tin rằng họ có thể kiểm soát nó. Các vết sưng, mụn nước khá dễ phát hiện. Và virus lây lan qua tiếp xúc cá nhân gần gũi nên giới chức y tế cho rằng có thể xác định được người liên quan khi điều tra truy vết lịch sử dịch tễ của người bệnh, xem họ đã thân mật với ai.

Nhưng hóa ra nó không dễ dàng như vậy.

Bệnh đậu mùa khỉ rất hiếm ở Mỹ. Nhiều người bệnh và ngay cả bác sĩ của họ cũng chẩn đoán nhầm vết phát ban, mụn nước là do yếu tố khác.

Việc theo dõi tiếp xúc cũng bị cản trở vì nhiều người không biết danh tính bạn tình. Một số quan hệ tình dục nhiều lần với những người lạ khác nhau. Điều này không giúp ích gì cho các cơ sở y tế địa phương - vốn đã phải gánh chịu áp lực từ Covid-19 và nhiều bệnh khác. Giờ đây, họ cũng phải tìm kiếm nguồn lực để truy vết chuyên sâu người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Điều này khiến một số nơi từ bỏ kỳ vọng sẽ tìm ra tất cả người tiếp xúc gần ca bệnh.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Liệu dịch có thể được kiềm chế, hay virus sẽ trở thành bệnh đặc hữu bên ngoài châu Phi?

Đây là câu hỏi chính mà các nhà lãnh đạo y tế công cộng ở Mỹ và các quốc gia bị ảnh hưởng khác phải đối mặt. Làn sóng dịch bệnh đã giảm ở nhiều quốc gia, song việc xóa sổ căn bệnh được cho là rất khó. CDC cho rằng tiêm chủng và thay đổi hành vi đã khiến số ca mắc giảm xuống. Dẫu vậy, giới chức Mỹ cho rằng có thể không xóa sổ được căn bệnh này vì tình thế "nhạy cảm" hiện nay, nhiều người không dám báo cáo vì sợ kỳ thị.

Bên cạnh đó, những người Mỹ bị mắc bệnh hiện có thể tiếp cận thuốc kháng virus TPOXX (tecovirimat monohydrate). Nó được cho là an toàn và giúp giảm thời gian, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh.

Nhưng ngay cả khi đợt bùng phát này được kiểm soát và đậu mùa khỉ bị xóa sổ, chúng ta không thể chắc chắn nó sẽ tái xuất hay không. Để thực sự giảm thiểu nguy cơ, giới chức y tế cần cung cấp vaccine rộng rãi, công bằng và cho nhiều người nhất có thể.

Cách phòng bệnh hiện nay vẫn tương tự Covid-19: Rửa sạch tay, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/benh-truyen-nhiem-vua-xam-nhap-tphcm-post1361720.html