Bên bờ Ô châu

Buổi trưa, nhà lưu niệm Chế Lan Viên ở làng An Xuân vắng vẻ. Giở trang mới nhất trong cuốn sổ ghi cảm tưởng bìa màu đỏ, chỉ có một dòng 'T4 13/12/2023 - Con vừa xuất viện, đến thăm nhà cha trước khi về lại Sài Gòn – Phan Thị Vàng Anh'. Trước khi ra Cam Lộ, tôi đã hẹn với Vàng Anh, chị bảo ngày 11/12 cũng sẽ về Cam Lộ, ở đó khoảng một tuần…

Khi biết tôi có ý định viết về mảnh đất này, Phan Thị Vàng Anh hỏi “vì sao anh Tuấn lại có nhiều kỷ niệm với Quảng Trị?”. Tôi đã trả lời khá dông dài, về biết bao những gắn bó, hồi ức lẫn ẩn ức thời thuở xa xôi. Và mảnh đất này hay lắm. Vàng Anh chợt thốt lên “Cam Lộ biết là hay mà sao có một cái gì cứ như đám mây nhiều nước đè lên, làm tôi về ở đó từ 2016 mà cũng không viết được gì về nó”.

Năm 2016 ấy khi Nhà lưu niệm Chế Lan Viên này còn chưa xây dựng, Phan Thị Vàng Anh đã về quê, chọn mua mảnh vườn bên dòng sông Hiếu ở An Hưng, thị trấn Cam Lộ dựng lên nhà thờ cha, cũng làm chốn đi về quê cha đất tổ. Doi đất này là nơi đặt nhà thờ của một chi dòng họ Phan.

Tiểu Trường An từ chợ phiên Cam Lộ. Ảnh: Trần Tuấn

“Thằng con Quảng Trị/Lớn lên Nghĩa Bình/ Già ở Tân Bình/Một cây mấy rễ/Mấy đời lang thang”. Mấy câu thơ di cảo như một lý lịch trích ngang lướt nhanh cuộc đời Chế Lan Viên. Năm 1920, cậu bé Phan Ngọc Hoan sinh ra ở làng An Xuân (Cam An, Cam Lộ), lên 7 tuổi theo gia đình vào Bình Định, học đến khi lấy bằng Thành chung ở Quy Nhơn.

Một dạo, lang thang dọc sông Côn, tôi đi tìm dấu vết “Bàn thành tứ hữu” của bốn người bạn thi ca đất Bàn thành (Đồ Bàn) xưa: Hàn Mạc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên. Buổi chiều qua những đền tháp rêu đổ, tưởng tượng về luồng gió lạ rùng mình nhập thân chàng thi sĩ mới lớn, thức dậy dòng máu Chăm lưu lạc ngàn năm, khiến Hàn Mạc Tử bàng hoàng gọi tên Chế Bồng Hoan.

Nhà lưu niệm Chế Lan Viên, trang trọng bức hoành phi Tổ quốc và Thơ. Ảnh: Trần Tuấn

Mới 17 tuổi đã lừng lẫy với “Điêu tàn”, tôi muốn thử tự cắt nghĩa về điều này, rằng có phải những câu thơ siêu hình đó đã âm thầm đi theo người từ nơi chôn rau cắt rốn An Xuân này, vốn thuộc xứ Ulik mà sử Việt gọi bằng cái tên châu Ô xưa?

Như trưa nay trước Bàu Đá nước lặng trong xanh bên miếu thờ Huyền Trân ở làng cổ Kim Đâu-Cam An, hay đâu tôi đang đứng chính ngay vạch cương giới Ô châu với Đại Việt ngàn xưa, trước khi trở thành sính lễ cho cuộc hôn nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử. Kể rằng trên đường vào kinh đô Đồ Bàn làm dâu Chiêm quốc, công chúa nhà Trần đã dừng chân bên Bàu Đá một nhánh của Hiếu giang lập đàn hướng về bờ Bắc bái vọng quê cha đất tổ.

Điểm cuối cùng nàng Huyền Trân cất bước rời khỏi bờ cõi nước mình là đây? Phải vậy chăng mà nơi này dân dựng miếu thờ, và sông Cam Lộ được đổi tên là sông Hiếu? Chế Lan Viên có lần tự bạch “Với chữ Chế, hay Chế Lan Viên hay Chế Bồng Hoan, tôi đã rời số phận một người để sống số phận một dân tộc”. Huyền Trân đã phụng hiến đời mình cho giang san.

Còn Chế Lan Viên, tôi chợt nhớ đến bức hoành phi trang trọng giữa nhà lưu niệm chạm nổi bốn chữ Nôm thủ bút của bậc thầy thư pháp Trương Lộ: “Tổ quốc và Thơ”.

Chợ phiên Cam Lộ bây giờ. Ảnh: Trần Tuấn

*

Thanh An là xã duy nhất của huyện Cam Lộ không có chữ “Cam” ở đầu. Là do nhập hai xã Cam Thanh và Cam An, nên thành ra vậy. Nguyễn Minh Đức - Bí thư xã tạm gác việc đưa chúng tôi đi thăm làng. Là cựu sinh viên ngành Sử Đại học Tổng hợp Huế, từng làm Bí thư Huyện Đoàn, rồi Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện, nên Đức rành rẽ nguồn cội đất này.

Tôi đứng bên bờ Ô châu xưa. Nghe lịch sử trôi qua bờ nước. Dòng trôi của những ngọn gió mang bao biến cố và thiên sử mở rộng giang sơn mê mải thổi qua đất này. Mảnh đất hai lần được chọn làm thủ phủ quốc gia, là Sơn phòng Tân Sở - thủ đô kháng chiến nơi vua Hàm Nghi dựng cờ ban chiếu Cần Vương chống Pháp, và nơi đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Đón chúng tôi là hàng vông đồng cổ thụ sừng sững đội nắng gió nơi chợ Sòng làng cổ Kim Đâu, mà anh bạn thi sĩ của tôi gọi là ngô đồng như cách người địa phương vẫn gọi. Đức bảo, có 5 chợ lớn của cả xứ Thuận Hóa mênh mông thời xưa được Lê Quý Đôn chép vào Phủ biên tạp lục, và sau này là Đại nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, thì 2 cái ở đất này, là chợ Sòng và chợ phiên Cam Lộ, cùng với chợ Sãi ở Triệu Phong bên bờ Thạch Hãn gần bên. “Nhất Sòng, nhì Sãi”.

Chợ Sòng, hói Sòng cùng với Hiếu giang từ hơn 200 năm trước trên bến dưới thuyền tấp nập, có cả phố hội của thương nhân người Hoa. Có những làng nghề lừng danh như làng bún Cẩm Thạnh, giấy dó Phổ Lại, vải chợ Chùa, đúc đồng Phước Tuyền, kim hoàn An Xuân, dầu sở An Thái…. Nay thất truyền hết rồi. Nền chợ nơi chúng tôi đứng cũng chỉ còn lại bãi đất trống vắng lặng. Người làng bảo thời kháng chiến, lính Pháp dẹp bỏ chợ để dồn hết vào chợ Đông Hà, cũng nhằm ngăn chặn dân tiếp tế hàng hóa cho Việt Minh.

Dấu tích chỉ còn những cái tên. Khi chúng tôi đi ngang qua cây cầu mang tên cầu Phường Giấy, chợt nghĩ phải chăng là lưu tích làng nghề giấy dó xưa, như cách người Tràng An gọi tên cầu Giấy, phố Hàng Giấy,…, còn chữ “Phường” khá lạ lẫm với xứ bán sơn địa miền Trung này, hẳn là mượn từ câu “buôn có bạn, bán có phường”? Điều này có lý, nếu chiếu vào danh (tự) xưng “Tiểu Trường An” được chạm lớn nơi cổng chợ phiên Cam Lộ.

Đình làng phía sau chợ phiên Cam Lộ. Ảnh: Trần Tuấn

Chủ tịch huyện Cam Lộ Trần Anh Tuấn té ra cùng khóa đại học với tôi hồi ở Tổng hợp Huế. Cũng dân ngành Sử như Bí thư Đức, nên trong câu chuyện Tuấn cứ thao thiết bao điều về đất và người quê mình. Anh bảo tính cách người Cam Lộ rất thuần phác, mến khách, trọng tình làng nghĩa xóm, và dù là gốc nông dân nhưng giỏi kinh doanh buôn bán.

Bằng chứng là không ít những cái chợ nổi tiếng nhất mang tầm quốc tế từ ba bốn trăm năm trước đều hiện diện đất này. Cam Lộ thời nay cũng là huyện Nông thôn mới đầu tiên của dải Quảng Trị - Thừa Thiên. Tôi chêm lời, rằng tố chất giỏi kinh doanh của người Cam Lộ tôi thấy không thuần chỉ là tiền bạc.

Tôi nghĩ đó là khả năng biết và giỏi hoạch định, lên kế hoạch để thực hiện bằng được nó, nhưng lại với một tâm hồn thi sĩ, như rất nhiều những người bạn Cam Lộ quanh tôi. Sâu thẳm họ đều là những kẻ mơ mộng. Có lẽ bởi vậy nên không có những “đại gia” lớn như những vùng miền khác?

Nơi từng lưu dấu chợ Sòng năm xưa. Ảnh: Trần Tuấn

“Tôi lớn lên, chợ vẫn duy trì 6 phiên mỗi tháng, rất đông, phiên 28 Tết là sầm uất nhất”, Tuấn tiếp mạch chuyện. Sáu phiên vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch. Do thuận tiện thông thương từ Cửa Việt, bến Đuồi giáp sông Hiếu, phía trên tiếp giáp với Ai Lao (Lào) nên chợ phiên thành trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn có tính chất quốc tế chứ không nội địa làng xã.

Người từ Thượng Lào cưỡi voi đi chợ, ở lại mấy ngày. Rồi từ Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Xuân Huế, đến ở tận thương cảng Hội An, Thị Nại Quy Nhơn các tàu buôn Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha cũng thường về đậu cảng Cửa Việt lên đây bán buôn.

Hành lang kinh tế Đông Tây vậy là đã có từ nhiều trăm năm trước. Không chỉ các mặt hàng thiết yếu, gạo muối, cau, hồ tiêu, mà còn gỗ quý, trầm hương, ngà voi, sừng tê, yến sào, mật ong,… Tới ngày phiên, chợ còn là nơi sinh hoạt văn hóa, trai gái giao duyên, “trai khôn tìm vợ chợ đông…”.

Giếng Chăm Bùa Đá có từ thế kỷ 14 bên dòng Bàu Đá. Ảnh: Minh Đức

Giờ đây chợ ngày nào cũng họp, nhưng như nếp cũ, tới phiên lại đông vui hơn. Nhờ buôn bán, mặt bằng đời sống người dân Cam Lộ cao so với các huyện nông thôn khác. Chủ tịch Tuấn cung cấp số liệu, năm 2023 tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch, đạt 12.26%, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,6% so với cùng kỳ.

Nên huyện đang tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp dù quan trọng nhưng giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản xuống còn khoảng 20%, và 80% dành cho phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Đứng giữa ngôi chợ rộng có từ 6 thế kỷ trước, tôi thử mường tượng lại những âm vọng xôn xao ngày xưa. Như Lê Quý Đôn ghi trong Phủ biên tạp lục: “…Hai bên tả hữu phía trên sông Hiếu Giang thì dân các động sách ở, cày cấy, chăn nuôi rất nhiều; người buôn bán ở các xã thường mang muối mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, các đồ lặt vặt, đến đất người Man đổi lấy các hàng hóa, thóc, gạo, gà, trâu, bò, heo, sáp, mây, gió, vải Mán, màn Man, thuê voi chở về Cam Lộ.

Người Man cũng lấy voi chở hàng hóa xuống chợ Cam Lộ để bán, một con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh được 30 bát. Cũng có một phiên chợ lùa trâu đến 300 con để bán, giá một con trâu không quá 10 quan, giá một con voi chỉ 2 hốt bạc và một khẩu súng nhỏ…”.

Trước miếu thờ Huyền Trân công chúa bên bờ Hiếu giang. Ảnh: XD

Rẽ vào thăm ngôi đình cổ nằm ngay phía sau lưng chợ, là di tích cấp tỉnh, có từ mấy trăm năm trước đó, tới năm Gia Long 12 (1814), đình được dựng lại và nguyên vị đến ngày nay. Đình gắn với chợ là tâm thức mà những lưu dân từ Bắc mang vào, tạo nên không gian sinh hoạt tâm linh gắn với nhộn nhịp đời sống. Các phúc thần trong đình phù trợ việc buôn bán mưu sinh của dân làng.

“Vua tinh dầu lạc” đất Cam Lộ Từ Linh Nhân (biệt danh do báo chí đặt) dù bận bịu vẫn dành gần buổi sáng cầm lái đưa chúng tôi đi thăm làng trên xóm dưới. Chàng trai sinh ra ở thôn nghèo Ngô Đồng, xã Cam Thành, bôn ba học đủ trường, làm đủ nghề, nếm đủ mùi thất bại trước đó, cho đến khi chạm phải mùi tinh dầu lạc bùi ngậy đậm đà của chính quê mình.

Tròn 10 năm trước (2014) Nhân là người tiên phong mở nhà máy chế biến tinh dầu lạc quy mô lớn ngay tại làng Ngô Đồng. Bởi anh thấy cảnh người dân mình cần mẫn canh tác trên những cánh đồng lạc (đậu phụng) mênh mông hai bờ bãi sông Hiếu đỏ ửng phù sa, nhưng vẫn theo kiểu truyền thống tự phát đời sống bấp bênh không khá lên được. Công ty Từ Phong của Nhân đã liên kết với nông dân sản xuất lạc hữu cơ, cung cấp giống, phân bón, hệ thống tưới tiết kiệm nước, bao tiêu sản phẩm đưa về nhà máy chế biến thành sản phẩm sạch.

Từ những hạt lạc tự trồng tự chế biến ép dầu thủ công, rồi tự gánh đi bán làng trên xóm dưới, để lâu dễ hư hỏng, giờ đây là những chai dầu lạc, dầu mè đen nguyên chất được chứng nhận Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia, chứng nhận Sản phẩm 4 sao OCOP của tỉnh Quảng Trị, được xuất khẩu và bày bán trong các siêu thị, cửa hàng lớn cả nước, thật là một bước tiến quá dài.

Mỗi năm hàng trăm tấn tinh dầu lạc từ nơi đây đến với những khách hàng cao cấp trong và ngoài nước. Ngoài ra còn các sản phẩm bơ lạc, kẹo đậu phộng... Mô hình thành công góp phần tạo động lực cho Cam Lộ đặt mục tiêu mở rộng từ 500 ha lạc hiện có lên 1.000 ha thời gian tới…

Bàu Đá nơi lưu dấu lịch sử mở cõi trước miếu thờ Huyền Trân

*

Tôi đứng bên bờ Ô châu xưa. Nghe lịch sử trôi qua bờ nước. Dòng trôi của những ngọn gió mang bao biến cố và thiên sử mở rộng giang sơn mê mải thổi qua đất này. Mảnh đất hai lần được chọn làm thủ phủ quốc gia, là Sơn phòng Tân Sở - thủ đô kháng chiến nơi vua Hàm Nghi dựng cờ ban chiếu Cần Vương chống Pháp, và nơi đặt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Nhớ lại, những tháng năm trai trẻ gần bốn chục năm trước tôi đã lang thang sưu tầm ca dao, tục ngữ nơi đây. Gần hai chục năm trước, tôi đã về Cam Tuyền dưới chân núi Fuller mà nghe người địa phương gọi chệch là Cu Lơ, cứ nghĩ là do màu sắc biến ảo của ngọn núi. Và viết bài thơ Buổi sáng ở làng Cam Tuyền, từng đọc lên ở sân thơ Thái Học – Văn Miếu một năm nào đó.

“Tôi gối lên quả bom/chậm nổ/buổi sáng ở làng Cam Tuyền/pha loãng cái đầu tôi vào đất/đỉnh Cu Lơ ngậm gió/ngậm buổi sáng Cam Tuyền/ngậm tôi +/quả bom ngậm nổ…”. Nơi đây những tháng năm sau chiến tranh nhiều người dân sống bằng nghề đào bới rà tìm phế liệu bom đạn còn sót lại, biết bao xương tan thịt nát.

Cam Tuyền giờ đây thôn xóm, bản làng đã bình an. Đỉnh Cu Lơ trước mắt tôi giờ hắt lên thứ ánh sáng thật lạ, và như đổi màu liên tục, vừa mới xanh non, chốc lại xanh biếc, khác với màu trầm lặng của những dãy đồi núi gần bên.

Nền chợ Sòng nức tiếng năm xưa. Ảnh: Trần Tuấn

Cái màu xanh tôi tìm thấy trong khu vườn rộng mênh mông ở Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời vừa mới qua. Cây trái mọi miền hình như đều có mặt ở đây, từ những hàng dừa, vú sữa, những rặng nhãn xanh um bên những tán cọ xòe ô xanh ngắt. Như bụi phúc bồn tử còn gọi là mâm xôi mọc nơi ngọn đồi 241 trước cứ điểm Carroll một thời giăng mắc hàng rào điện tử McNamara, mà cái đọt non của nó bẻ ra nhấm thử thanh mát suốt buổi chiều...

Cúi xuống làm một hớp nước Bàu Đá, biết rằng sẽ suốt đời mang theo hương vị Ô châu…

Cam Lộ, 12/2023

Trần Tuấn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ben-bo-o-chau-post1604361.tpo