Đến với bài thơ hay: Ngọn lửa bất diệt

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có một sự nghiệp thơ ca phong phú, nhiều hương sắc.

Ảnh minh họa: INT

Nguyễn Khoa Điềm

Đồng dao mùa Xuân

Có một người lính

Đi vào núi xanh

Những năm máu lửa.

Một ngày hòa bình

Anh không về nữa.

Có một người lính

Chưa một lần yêu

Cà phê chưa uống

Còn mê thả diều

Một lần bom nổ

Khói đen rừng chiều

Anh thành ngọn lửa

Bạn bè mang theo

Mười, hai mươi năm

Anh không về nữa

Anh vẫn một mình

Trường Sơn núi cũ

Ba lô con cóc

Tấm áo màu xanh

Làn da sốt rét

Cái cười hiền lành

Anh ngồi lặng lẽ

Dưới cội mai vàng

Dài bao thương nhớ

Mùa Xuân nhân gian

Anh ngồi rực rỡ

Màu hoa đại ngàn

Mắt như suối biếc

Vai đầy núi non...

Tuổi Xuân đang độ

Ngày Xuân ngọt lành

Theo chân người lính

Về từ núi xanh...

(Tháng 12/1994 , Theo: Tạp chí Thế giới mới, số 120 xuân Ất Hợi 1995)

Trong đó, thi phẩm “Đồng dao mùa Xuân” là sáng tác tiêu biểu để lại ấn tượng sâu sắc cho bạn đọc.

Nhan đề lấy từ “đồng dao” để chỉ những câu hát của trẻ em - lứa tuổi nhi đồng; thường là những câu ngắn, có vần dễ nhớ, dễ thuộc. Còn “mùa Xuân” là khởi đầu của một năm, khoảng thời gian vạn vật, trời đất giao hòa, sinh sôi, tràn đầy sức sống. Tên bài có ý nghĩa: Những câu hát của trẻ em về mùa Xuân, về tuổi trẻ của người lính ra trận. Thi phẩm là khúc hát trữ tình chan chứa tình yêu thương, quý mến; là khúc tráng ca về anh bộ đội Cụ Hồ, chiến đấu dũng cảm, hy sinh quên mình vì tự do, độc lập của Tổ quốc.

Bài thơ gồm 9 khổ với 33 câu thể bốn chữ; khổ đầu chỉ gồm 3 câu: “Có một người lính/ Đi vào núi xanh/ Những năm máu lửa” và 2 câu: “Một ngày hòa bình/ Anh không về nữa”. Cả hai khổ thơ kể về sự kiện người lính lên đường ra chiến trường và sự ra đi của anh. Phần còn lại của bài tập trung làm sống lại hình ảnh người lính bình dị mà anh dũng và tình cảm của những người ở lại.

Các anh lính thời ấy vốn là những chàng trai đang tuổi còn hồn nhiên, ham vui chơi: “Chưa một lần yêu.../ Còn mê thả diều”. Với tình yêu quê hương đất nước tha thiết, những chàng trai mới lớn ấy tự thấy trách nhiệm của người trẻ với Tổ quốc: “Vai đầy núi non...” - cứu nước là sứ mệnh cao cả.

Nhà thơ dùng nhiều hình ảnh gần gũi, quen thuộc nói lên đặc điểm chung của người lính thời chống Mỹ: Vô tư, thích những trò chơi khoáng đạt, gắn với thiên nhiên, tiêu biểu là trò chơi thả diều. Sống trong giai đoạn lịch sử đất nước đâu đâu cũng sục sôi đánh Mỹ: “Những buổi vui sao cả nước lên đường” (Chính Hữu), “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật), lớp lớp trai tráng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tự nguyện “đi vào núi xanh”, sẵn sàng đương đầu với cuộc sống gian khổ thiếu thốn của thời chiến. Các anh không hề tiếc tuổi Xuân, sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, tạm gác lại ước mơ và sở thích, quyết giữ trọn lời thề bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Những tháng huấn luyện, hành quân diễn ra liên miên, tiếp đó là những trận chiến đấu căng thẳng, ác liệt. Tham gia chiến đấu kiên cường, dũng cảm; bom đạn khốc liệt ở chiến trường đã cướp đi tuổi Xuân của các anh: “Một lần bom nổ/ Khói đen rừng chiều/ Anh thành ngọn lửa...”. Các anh đã sống bình dị, chết vẻ vang.

Tình cảm của người ở lại với các anh được tác giả thể hiện rất phong phú. Đó là: “Anh thành ngọn lửa/ Bạn bè mang theo” – hình ảnh thật xúc động, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc: Tuy ngã xuống nhưng sự hy sinh cao cả của các anh trở thành ngọn lửa bất diệt. Ngọn lửa ấy soi sáng cho đồng đội và những người ở lại, nhắc nhở mọi người sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh ấy. Các anh không còn nữa song ý chí, tinh thần và lý tưởng cao đẹp cùng chân dung với: “Ba lô con cóc/ Tấm áo màu xanh/ Làn da sốt rét/ Cái cười hiền lành”, vẫn sống mãi trong sâu thẳm trái tim những người ở lại. Ngày đất nước thống nhất, trong khúc ca khải hoàn, mọi người đoàn tụ trong niềm vui, riêng “Anh không về nữa”. Con số “Mười, hai mươi năm” là danh tính về những con số không hoàn toàn cụ thể, cho thấy độ dài của thời gian trôi đi, các anh mãi mãi ở lại nơi rừng sâu núi thẳm: “Anh vẫn một mình/ Trường Sơn núi cũ” trong niềm thương nhớ và cảm phục, biết ơn của những người ở lại.

Đoạn thơ nói về mất mát và đau thương nhưng không bi lụy, trái lại vẫn rất vững vàng, kiên định. Mấy chục năm đã trôi qua, người lính giờ đã hóa thân vào quê hương với dáng ngồi lặng lẽ nhưng phong thái uy nghiêm, tinh thần kiên định, khiêm tốn khiến mọi người cảm phục biết bao. Hình ảnh này gợi nhớ đến những vần thơ của Lê Anh Xuân: “Không một tấm hình không một dòng địa chỉ/ Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ: Anh là chiến sĩ Giải phóng quân” (Dáng đứng Việt Nam).

Mùa Xuân tiếp tục xuất hiện thông qua hình ảnh cành “mai vàng” trong câu thơ: “Anh ngồi lặng lẽ/ Dưới cội mai vàng”, gợi tả hình ảnh linh thiêng của người lính còn tiếp tục canh giữ, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, đất nước thân yêu. Chân dung các anh hiện lên lồng lộng và thơ mộng qua những vần thơ: “Anh ngồi rực rỡ/ Màu hoa đại ngàn/ Mắt như suối biếc/ Vai đầy núi non...”. Thương tiếc và cảm phục biết bao những người chiến sĩ trẻ lặng thầm cống hiến và hi sinh cho mùa Xuân đất nước độc lập, tự do.

Bài thơ cho thấy phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm có sự kết hợp hài hòa giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng. Trong bài, tác giả dùng thể thơ bốn chữ cô đọng, lối gieo vần tự nhiên, phép điệp ngữ và điệp cấu trúc câu sáng tạo (“Có một người lính”, “Anh không về nữa”). Nhiều biện pháp tu từ được dùng đắt giá: Ẩn dụ “ngọn lửa”, so sánh “mắt như suối biếc”…, ngôn ngữ toàn bài trong sáng. Với những giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, bài thơ đã được tuyển chọn in sách giáo khoa để dạy và học trong chương trình Ngữ văn lớp 7 bộ Kết nối tri thức.

Nguyễn Thị Thiện (Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Thất, Hà Nội)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-ngon-lua-bat-diet-post681240.html