Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống: Nhìn từ thế hệ trẻ

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng đối với mỗi dân tộc, địa phương. Xác định được điều đó, nhiều sở, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống. Trong đó, việc truyền dạy, tăng cơ hội tiếp cận với văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ đang được quan tâm thực hiện, từ đó từng bước khơi dậy tình yêu với văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ.

Nhiều bạn trẻ tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống tại Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa năm 2024.

Thanh Hóa có 7 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa truyền thống riêng, từ trang phục, phong tục tập quán, tín ngưỡng đến các trò chơi, trò diễn, diễn xướng... Những giá trị văn hóa ấy đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong bức tranh đa sắc màu các dân tộc. Đồng thời, trở thành yếu tố nhận diện và cũng là hồn cốt của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống ấy đang đứng trước nhiều thách thức từ nguy cơ mai một, đến sự hòa tan do giao thoa văn hóa. Bởi, những giá trị văn hóa truyền thống ấy chưa thực sự hấp dẫn phần lớn thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của văn hóa truyền thống.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các ngành, địa phương liên quan đã quan tâm triển khai nhiều chương trình văn hóa và đã ghi nhận những kết quả khả quan trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Có mặt tại liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX - năm 2024, người xem có thể cảm nhận được sức sống cũng như sự đa dạng, độc đáo của văn hóa xứ Thanh. Trong các phần trình diễn, thi diễn văn hóa truyền thống, không chỉ có các nghệ nhân, diễn viên tham gia mà nhiều em học sinh, bạn trẻ đã tích cực góp sức vào sự thành công của liên hoan. Điều này cho thấy thế hệ trẻ xứ Thanh đã và đang quan tâm đến văn hóa truyền thống.

Khoác lên mình bộ trang phục của dân tộc, những chàng trai, cô gái trẻ như hiểu thêm về các giá trị văn hóa truyền thống và trách nhiệm của bản thân đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Bạn Lê Kỳ Duyên, dân tộc Mường (Lang Chánh) chia sẻ: "Thông qua các hoạt động tại liên hoan văn hóa dân tộc, em hiểu thêm về sự độc đáo của văn hóa dân tộc mình. Từ trang phục đến các điệu múa, hát đều mang bản sắc riêng, không giống bất kỳ dân tộc nào. Em tự nhận thấy thế hệ trẻ như em cần quan tâm hơn đến văn hóa truyền thống để gìn giữ văn hóa truyền thống mãi cho sau này".

Không chỉ qua các hoạt động văn hóa lớn của tỉnh, mà các hoạt động văn hóa của địa phương cũng đã dần thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ. Tại huyện Ngọc Lặc, các hoạt động văn hóa của địa phương đều thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ những cụ già đã 80 tuổi cho đến những em nhỏ đều hòa mình vào những điệu múa, trò diễn, âm vang cồng chiêng đặc trưng đã tồn tại bao đời nay trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mường. Điều này đã đưa Ngọc Lặc trở thành điểm sáng trong công tác truyền dạy và thu hút thế hệ trẻ tham gia văn hóa truyền thống.

Để có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Ngọc Lặc đã đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Huyện đã ban hành kế hoạch và triển khai Đề án bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa trên địa bàn huyện. Đồng thời, chú trọng triển khai truyền dạy các di sản văn hóa phi vật thể cho người dân và các em học sinh. Hằng năm, các nghệ nhân như bà Phạm Thị Tắng, Phạm Thị Hương, ông Phạm Vũ Vượng cứ đều đặn đến các thôn, bản, trường học để truyền dạy pồn pôông, hát ru, cồng chiêng... cho người dân và các em học sinh. Em Lương Anh Thơ, học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc chia sẻ: "Sau khi được tìm hiểu và học tập với các nghệ nhân về văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống, em đã cảm thấy thích thú với những điệu nhảy, bài hát của dân tộc. Em ý thức được rằng đó chính là những sản phẩm văn hóa tinh thần được cha ông gìn giữ qua bao đời nay và thế hệ trẻ chúng em cần phải bảo tồn và phát huy".

Nói về việc tham gia văn hóa truyền thống của các em học sinh, thầy giáo Lê Văn Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Ngọc Lặc cho biết: "Thực hiện nhiệm vụ của ngành giáo dục cũng như định hướng của địa phương, từ năm 2017 đến nay, năm nào nhà trường cũng phối hợp với địa phương mời các nghệ nhân về truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh nhà trường. Sau mỗi buổi học về văn hóa truyền thống trong các giờ ngoại khóa, học sinh đều viết bài cảm nhận, nhận thức của bản thân về nội dung học và văn hóa truyền thống. Đồng thời, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động cho các em học sinh luyện tập và trình diễn văn hóa truyền thống. Trong tháng 5/2024, nhà trường sẽ thành lập câu lạc bộ văn hóa truyền thống cho các em tham gia. Với các hoạt động ấy, tình yêu với văn hóa truyền thống, tình yêu dân tộc dần được bồi đắp trong tâm hồn, nhận thức của các em, giúp các em ý thức được trách nhiệm của bản thân trong thực hành và gìn giữ văn hóa truyền thống".

Việc ngày càng nhiều bạn trẻ biết và thực hành văn hóa truyền thống cho thấy việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ tại địa phương, nhà trường đang là một hướng đi mang lại hiệu quả, cần được nhân rộng. Cùng với đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ lâu dài, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Do đó, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền huy động mọi nguồn lực để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian, truyền dạy văn hóa truyền thống.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-nhin-tu-the-he-tre-212879.htm