Bảo tồn và phát huy giá trị nghi lễ Kin Pang Then của đồng bào Thái trắng Quỳnh Nhai

Đồng bào Thái trắng ở Quỳnh Nhai hiện lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó, có nghi lễ Kin Pang Then. Đây là nghi lễ có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng, là niềm tự hào về văn hóa dân tộc của đồng bào nơi đây.

Phục dựng nghi lễ Kin Pang Then tại Tuần văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023.

Nghi lễ Kin Pang Then hay còn gọi là “lễ mừng con nuôi” được đồng bào Thái trắng Quỳnh Nhai duy trì từ rất lâu đời. “Then” là những người có uy tín trong cộng đồng, chuyên thực hiện các nghi lễ cúng để chữa bệnh, cầu sức khỏe cho dân bản. Những người bệnh sau khi được chữa khỏi sẽ nhận làm con nuôi của “Then”. Những “Then” nào chữa khỏi bệnh cho càng nhiều người thì càng có nhiều con nuôi, nên có thông lệ, mỗi năm một lần tổ chức lễ gặp mặt con nuôi tại nhà “Then”. Nghi lễ Kin Pang Then được ra đời từ đó và được lưu truyền qua nhiều đời cho đến ngày nay.

Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh, xã Mường Giàng, cho biết: Nghi lễ Kin Pang Then thường được tổ chức hằng năm hoặc 2-3 năm/lần. Thời điểm tổ chức thường vào dịp đầu năm, từ ngày mùng 3 đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Đây là thời điểm đầu xuân nhàn rỗi, các con cháu có dịp về thăm “Then”, tề tựu đông đủ để cùng múa hát, vui chơi.

Nghi lễ Kin Pang Then được chuẩn bị cầu kỳ từ phần lễ vật cho đến các nghi lễ cúng, gọi hồn “Then” từ mường trời về dự lễ và phù hộ cho con cháu năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, gia súc đầy sàn. Người dự lễ không chỉ có các con nuôi của “Then” mà còn có đông đủ bà con dân bản đến chung vui. Sau những lễ cúng “Then” là những trò diễn vui nhộn với sự tham gia của tất cả những người dự lễ như: Trò mưa đá, trò ong đốt, trò cày ruộng, chặt cây hái nấm… Người tham gia thực hiện động tác mô tả lại hành động theo chủ trò, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi.

Đặc sắc nhất trong nghi lễ Kin Pang Then phải kể đến các phần trình diễn múa quả nhạc, múa chọi gà, múa khăn… được thể hiện bởi những đội múa nữ hay cả nam và nữ, trang phục cầu kỳ, sặc sỡ, múa hát dưới tiếng nhạc đàn tính, tiếng trống, chiêng nhịp nhàng. Sôi động nhất là phần múa tăng bu, múa xòe, là những điệu múa tập thể, tất cả người dự lễ cùng tham gia.

Nghệ nhân ưu tú Hoàng Văn Chiêm, xã Mường Giàng, chia sẻ: Nghi lễ Kin Pang Then của đồng bào Thái trắng Quỳnh Nhai có có những nét độc đáo riêng, đặc biệt là trong nghệ thuật chơi đàn tính, múa then. Đàn tính có thể nói là nhạc cụ mang tính biểu tượng cho văn hóa của đồng bào Thái nơi đây. Đàn tính cũng luôn gắn liền với nghệ thuật hát then và những nghi lễ truyền thống của dân tộc.

Trích đoạn múa then trong dịp giao lưu văn nghệ tại Quỳnh Nhai.

Nghi lễ Kin Pang Then mang tính cộng đồng cao, không chỉ mang ý nghĩa cầu sức khỏe, cầu phúc, cầu mùa màng mà còn nhắc nhở con cháu về lòng biết ơn. Nghi lễ hội tụ đầy đủ về quan niệm tâm linh, tín ngưỡng, tập quán trong văn hóa truyền đời của đồng bào Thái trắng. Công nhận giá trị và ý nghĩa lớn lao của nghi lễ đặc sắc này, năm 2020, nghi lễ Kin Pang Then đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm qua, huyện Quỳnh Nhai đã thường xuyên tổ chức phục dựng nghi lễ Kin Pang Then trong khuôn khổ Tuần văn hóa, thể thao và du lịch của huyện hằng năm, phục dựng tại các các xóm/bản cộng đồng người Thái trắng, phục dựng trích đoạn tại các trường học trên địa bàn huyện… nhằm tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị tốt đẹp của nghi lễ, hướng tới việc bảo tồn nghi lễ và văn hóa truyền thống của đồng bào Thái.

Hội thảo khoa học giải pháp bảo tồn, phát huy Lễ hội “Kin Pang Then” của người Thái trắng, xây dựng sản phẩm phát triển du lịch huyện Quỳnh Nhai.

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Để bảo tồn nghi lễ Kin Pang Then, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mời các chuyên gia nghiên cứu, tư vấn nghi lễ này tại Sơn La. Tại Quỳnh Nhai, huyện cũng mời các nghệ nhân thực hiện khảo sát, điều tra thống kê, thu thập thông tin để phục vụ cho công tác bảo tồn giá trị nghi lễ tại 4 xã: Mường Giàng, Pá Ma Pha Khinh, Mường Chiên và Cà Nàng. Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn lễ hội truyền thống, tổ chức hội thảo khoa học, trình diễn, tái hiện lễ hội để khuyến khích đồng bào Thái tích cực gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc từ các lễ hội truyền thống.

Các nghệ nhân và học viên tham gia tập huấn bảo tồn lễ hội của Quỳnh Nhai.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 1 Nghệ nhân nhân dân, 5 Nghệ nhân ưu tú đã được Chủ tịch nước công nhận và 12 nghệ nhân dân gian dân tộc Thái về các lĩnh vực: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian dân tộc. Đây là những người am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc Thái, luôn say mê và tâm huyết với nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc, là những nhân tố tích cực trong gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy văn hóa cho lớp con cháu, khơi dậy tình yêu, trách nhiệm gìn giữ văn hóa cội nguồn dân tộc trong cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Quỳnh Nhai cũng đang duy trì 188 đội văn nghệ quần chúng, 4 câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc văn hóa”, cùng các câu lạc bộ đàn tính, hát then được thành lập với các thành viên cùng đam mê, sở thích, góp phần tích cực trong công tác phục dựng, bảo tồn lễ hội truyền thống, trong đó có nghi lễ Kin Pang Then.

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp nghi lễ Kin Pang Then để phục vụ du lịch trên địa bàn, Quỳnh Nhai đang tích cực triển khai những giải pháp bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế; tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp đối với các nghệ nhân và tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa đi vào thực chất và hiệu quả.

Thanh Đào

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-nghi-le-kin-pang-then-cua-dong-bao-thai-trang-quynh-nhai-glQEfBdIg.html