Gìn giữ và hồi sinh gốm Việt

Nghề làm gốm được đánh giá là một trong những ngành nghề có truyền thống lâu đời nhất Việt Nam, liên quan mật thiết đến lịch sử, văn hóa dân tộc. Để giữ gìn nghề gốm không chỉ kế thừa được kỹ thuật, tinh thần và triết lý của làng nghề, mà phải bắt đầu bằng cách thực hành để những kỹ thuật ấy không bị mất đi.

Phản ánh tư duy sáng tạo, kỹ thuật của con người

Chia sẻ tại hội thảo “Gốm Việt Nam: Bảo tồn di sản và phát triển đương đại” cuối tuần qua, GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, đồ gốm là một trong những phát minh quan trọng nhất của nhân loại thời tiền sử, đánh dấu bước tiến lớn trong lịch sử văn minh. Phát minh này xuất hiện vào khoảng thời gian giữa thời kỳ đồ đá cũ và đồ đá mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của những nhóm người săn bắt, thu lượm cả trong nội địa và vùng ven biển. Đồ gốm đã mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người, mở ra nhiều cơ hội cho các hoạt động kinh tế và trao đổi. Việc phát minh ra đồ gốm còn phản ánh sự phát triển của tư duy sáng tạo và khả năng kỹ thuật của con người.

Nghệ nhân làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế) trình diễn nghệ thuật vuốt gốm bên lề hội thảo. Ảnh: Nhật Minh

Nghệ nhân làng gốm Phước Tích (Thừa Thiên Huế) trình diễn nghệ thuật vuốt gốm bên lề hội thảo. Ảnh: Nhật Minh

Đồ gốm không chỉ có chức năng thực tiễn mà còn mang giá trị nghệ thuật cao, với nhiều hoa văn và kiểu dáng đa dạng, thể hiện sự phong phú trong văn hóa và tín ngưỡng của các cộng đồng tiền sử. “Qua thời gian, kỹ thuật làm gốm ngày càng được cải tiến và phát triển, từ việc nặn bằng tay đơn giản đến việc sử dụng bàn xoay và lò nung chuyên dụng. Sự phát triển của đồ gốm đã góp phần quan trọng vào việc định hình các nền văn minh sơ khai, đóng vai trò thiết yếu trong sự tiến bộ của nhân loại”, GS.TS. Lâm Thị Mỹ Dung nhận định.

Việt Nam là nơi đồ gốm xuất hiện khá sớm, kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy, đồ gốm sớm nhất có niên đại 8000 năm. Từ khoảng 6000 năm cách ngày nay đã hình thành nhiều truyền thống sản xuất và sử dụng đồ gốm khác nhau. Đồ gốm đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân cổ và phản ánh trình độ văn hóa vật chất và tinh thần cũng như mối quan hệ qua lại với môi trường tự nhiên và xã hội. Dựa vào đồ gốm những nhà nghiên cứu có thể nhận diện sự khác biệt văn hóa cũng như mối quan hệ tương tác, giao lưu và trao đổi ý tưởng, hàng hóa giữa các cộng đồng cư dân cổ.

Gốm Việt hiện diện trong nhiều bảo tàng, bộ sưu tập, cuộc đấu giá ở nước ngoài. TS. Phạm Thị Anh Nga,chuyên gia về văn học phương Tây, cho biết, chỉ riêng tại Pháp, đất nước có hệ thống bảo tàng quy mô, phong phú và được tổ chức chỉn chu, gốm Việt Nam đã có mặt cùng với gốm đến từ nhiều quốc gia và vùng đất khác trên thế giới. Như tại Bảo tàng Guimet - bảo tàng về nghệ thuật châu Á ở Pháp, nhà khảo cổ học Henri Maspero, cựu thành viên của EFEO (École Française d'Extrême Orient) đã hiến tặng 1.630 đồ gốm Việt Nam mà ông sưu tầm được trong thời gian ở Đông Dương từ năm 1908 - 1919. Bộ sưu tập cung cấp những ví dụ điển hình về từng loại hình gốm sản xuất từ thời nhà Lý và thời nhà Trần.

Khi đề cập đến gốm Việt Nam, những cái tên thường được nhắc đến là các làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Thanh Hà, Bàu Trúc… Đáng chú ý, tháng 1.2006, Đài France Info của Pháp đã chọn làng gốm cổ Phước Tích của Thừa Thiên Huế để thực hiện một trong bốn cuộc phỏng vấn thuộc chương trình France Info ở Việt Nam. Gần đây, Lan Viên cố tích của GS.TS. Thái Kim Lan được lên tạp chí GEO lừng danh của Pháp, trong đó nhà báo Sebastien Desurmont viết: “Bộ sưu tập về gốm của bà là duy nhất trên đời”.

"Lưu giữ của riêng cho gia sản chung"

“Bộ sưu tập về gốm duy nhất trên đời” ấy chính là Bảo tàng Gốm cổ sông Hương đặt tại Lan Viên cố tích, TP. Huế, được thành lập từ một phần sưu tập của anh em GS.TS. Thái Kim Lan trong gần 40 năm qua, với hàng vạn món đồ trục vớt từ lòng sông Hương. Giờ đây cộng đồng nhân dân địa phương, du khách bốn phương khi đến Huế có thêm một địa chỉ văn hóa để tìm hiểu, trải nghiệm và tự hào về vùng đất của mình. Cách GS.TS. Thái Kim Lan suốt hai năm trên chặng đường “lưu giữ của riêng cho gia sản chung”, mỗi ngày và mỗi ngày từ va chạm, lau chùi hiện vật đến từng chữ, từng câu chuyện của gốm giới thiệu cho khách tham quan đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy giá trị gốm Việt.

Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Trần Đình Sơn nhận định, "nghề làm gốm là một trong những ngành nghề có truyền thống lâu đời nhất Việt Nam, liên quan mật thiết đến lịch sử, văn hóa dân tộc". Tuy nhiên, do sự du nhập của các sản phẩm được làm từ nhựa, sắt, inox dần thay thế thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ gốm, nhiều làng nghề làm gốm bị mai một, thậm chí tắt lửa.

Những năm gần đây, với nỗ lực rất lớn từ phía chính quyền và người dân, một số lò gốm bắt đầu đỏ lửa trở lại, sản xuất những sản phẩm đáp ứng thị hiếu đương đại. Trong tham luận gửi tới hội thảo “Gốm Việt Nam: Bảo tồn di sản và phát triển đương đại", KTS. Huỳnh Xuân Huỳnh kể, từ năm 2018, ông đã thuyết phục những chủ lò xưa của gốm Lái Thiêu (Bình Dương) cho đến lò để nghiên cứu, học hỏi cũng như thực hành làm gốm.

Tiêu chí làm nghề của KTS. Huỳnh Xuân Huỳnh là kế thừa - giữ gìn - phát huy. Đầu tiên là kế thừa những hoa văn, họa tiết, phom dáng xưa, và quan trọng hơn là nghiên cứu để tìm ra tinh thần, mật mã định danh của làng nghề để từ đó có hướng đi phù hợp. Sự kế thừa còn nằm ở chỗ tận dụng những thứ còn lại của làng nghề, đặc biệt là những người thợ xưa, góp nhặt kỹ thuật của từng người, tạo thành kho tư liệu quý để thực hành nghề hiệu quả và chuẩn xác.

Sau khi kế thừa được kỹ thuật, tinh thần và triết lý của làng nghề, đến công đoạn thực hành để những kỹ thuật ấy không bị mất đi; đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền lửa yêu nghề đến với giới trẻ. “Từ những nghiên cứu và kinh nghiệm thực hành, chúng ta phát huy làng nghề bằng cách thổi làn gió đương đại cho làng nghề. Đây là quá trình cần độ chuyên môn cao và phải vô cùng cẩn thận. Thiết kế mới phải thể hiện rõ đặc điểm của làng nghề, tránh trường hợp bỏ gốc lấy ngọn”, KTS. Huỳnh Xuân Huỳnh chia sẻ

Ngọc Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/gin-giu-va-hoi-sinh-gom-viet-i372345/