Bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích Tiên Lục

Chiều 20/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Lạng Giang tổ chức tọa đàm 'Bảo tồn, phát huy giá trị Cụm di tích Tiên Lục, xã Tiên Lục gắn với phát triển du lịch'.

Các đại biểu dự tọa đàm.

Tham gia tọa đàm có các Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài; ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ở Trung ương và địa phương.

Cụm di tích Tiên Lục, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đang được các cơ quan chức năng bước đầu hoàn thành xây dựng hồ sơ khoa học để đề nghị Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm ông Nguyễn Sĩ Cầm nhấn mạnh: Tọa đàm nhằm bổ sung thông tin, tư liệu, làm rõ hơn những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của Cụm di tích Tiên Lục; đánh giá thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.

Tại tọa đàm, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, kiến trúc, nghệ thuật của cụm di tích đang thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu. Các đại biểu cung cấp thêm tư liệu về quần thể công trình và góp ý để hoàn thiện nội dung hồ sơ khoa học.

Các ý kiến tại tọa đàm nhấn mạnh, cần nêu rõ điểm đặc biệt của Cụm di tích như có hệ thống tượng Phật cổ, cây Dã hương nghìn năm tuổi là cây di sản của thế giới, lễ hội Tiên Lục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia với nghi thức độc đáo như rước nước từ giếng về đình, tục thờ cây, tục kéo chữ “Thiên Hạ Thái Bình”. Bên cạnh đó cần bổ sung tư liệu ảnh, sưu tầm đầy đủ các sắc phong, bảo vật lưu giữ tại đây và xác định cụ thể niên đại; nêu rõ mối liên hệ về lịch sử, văn hóa giữa các công trình cũng như kế hoạch tôn tạo cảnh quan...

Màn trống hội tại Lễ hội Tiên Lục.

Cụm di tích Tiên Lục được xây dựng từ lâu đời và được trùng tu, tôn tạo thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII). Đây là quần thể công trình kiến trúc nghệ thuật gồm: Chùa Phúc Quang, đền Tiên Lục, đình Thuận Hòa, đình Viễn Sơn và cây Dã hương.

Căn cứ các nguồn tư liệu lịch sử, tư liệu Hán-Nôm cho thấy, Cụm di tích Tiên Lục được biết đến như một danh lam cổ tự nổi tiếng trong vùng, không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học mà còn có giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật.

Hiện, các công trình vẫn bảo lưu tương đối nguyên vẹn kiến trúc, hình dáng và các mảng chạm khắc trang trí trên cấu kiện kiến trúc với nhiều chủ đề độc đáo, phong phú như: Rồng ổ, rồng lớn, hình con thú, tiên nữ cưỡi rồng, cảnh đấu vật...

Cụm di tích Tiên Lục còn sở hữu hệ thống tượng Phật cổ và nhiều di vật, cổ vật có giá trị; là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân theo tín ngưỡng, tôn giáo ở miền bắc Việt Nam. Nơi đây thờ 4 vị thành hoàng, trong đó có “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương”-cây Dã hương cổ thụ nghìn năm tuổi đã được Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786) sắc phong.

Tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lạng Giang nói riêng đã và đang có nhiều biện pháp đầu tư thực hiện các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của cụm di tích Tiên Lục gắn liền với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-cum-di-tich-tien-luc-post805708.html