Trí tuệ, bản lĩnh

Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc

Dù thời gian đã lùi xa nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng.

Quyết tâm và lòng dũng cảm

Tháng 11-1953, quân Pháp nhảy dù đổ bộ xuống thung lũng Mường Thanh, chiếm đóng Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương với 3 phân khu, chia thành 8 cụm, 49 cứ điểm kiên cố.

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Với quyết tâm cao nhất, ta đã dồn hết sức người, sức của cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều tầng lớp nhân dân như: công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ… hăng hái lên đường tham gia chiến dịch.

Đầu tháng 3-1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với phương châm "đánh chắc, tiến chắc" đã hoàn thành. Trên chiến trường, ta mở 3 đợt tiến công vào Điện Biên Phủ.

Ngày 13-3-1954, tiếng súng chính thức mở màn đợt 1 của chiến dịch với trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30-3-1954, đánh vào phân khu trung tâm. Đợt 3 diễn ra từ ngày 1 đến 7-5-1954, đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm: Tiêu diệt hoàn toàn trên 21 tiểu đoàn và 10 đại đội, hơn 16.000 quân tinh nhuệ của địch, trong đó có toàn bộ các cơ quan chỉ huy của địch; bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại, thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, đạn dược, quân trang, quân dụng…

17 giờ 40 phút ngày 7-5-1954, bộ đội ta đã cắm lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” trên nóc hầm tướng De Castries, Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng Ảnh: TƯ LIỆU TTXVN

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, bằng quyết tâm và lòng dũng cảm, sự gắn bó khăng khít, keo sơn, hàng vạn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, bộ đội công binh đã ngày đêm lao động khẩn trương nên chỉ trong hơn 3 tháng (từ tháng 12-1953 đến đầu tháng 3-1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa và mở các Đường số 41, Đường số 13, đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ, là những trục đường chính của tuyến vận tải cơ giới, với chiều dài khoảng 300 km. Kết quả đó còn là sự gắn bó, đồng cam cộng khổ, hy sinh trong những ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" của bộ đội và nhân dân, nhất là nhân dân các dân tộc Tây Bắc.

Theo ông Sáu, phát huy sức mạnh thế trận lòng dân trong thế trận chiến tranh nhân dân, trên khắp miền Tây Bắc, đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Hà Nhì... thi đua phục vụ chiến dịch. Nhiều gia đình đã vét những hạt thóc giống cuối cùng hoặc nhịn bữa, ăn sắn, ăn khoai để dành gạo phục vụ cho chiến dịch. Nhiều phụ nữ nghe theo tiếng gọi của Đảng không quản gian khổ, hiểm nguy, nô nức lên đường, mở đường, gánh gạo, cấp dưỡng, tải thương.

Trong toàn Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân cả nước đã đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ… với tinh thần "cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc".

Tầm vóc vĩ đại

Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở ra trang sử mới cho lịch sử nhân loại, cổ vũ, động viên các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh tự giải phóng; đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nêu rõ: Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của sức mạnh toàn dân đánh giặc dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

"70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên giá trị, là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay" - ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - khẳng định sức mạnh làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ còn nằm ở nhân tố chính trị - tinh thần. Chính vì biết khơi dậy và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, đặc biệt là việc quy tụ, tập hợp và phát huy nhân tố con người làm cho ý Đảng, lòng dân thành một khối thống nhất đưa cuộc kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ" giành thắng lợi.

Theo Thượng tướng - TS Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhân dân ta dồn sức người, sức của chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Cả nước hướng về Điện Biên Phủ, cả dân tộc anh dũng chiến đấu với tinh thần "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", tạo nên sức mạnh tổng hợp đập tan Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

PGS-TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, khẳng định 70 năm đã trôi qua nhưng sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, tạo cơ sở và nền tảng để đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định đất nước. Qua đó, đất nước chủ động chuẩn bị về mọi mặt, ngăn chặn có hiệu quả các nguy cơ xung đột và chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.

Khoảng lặng ở Noong Nhai

Cuối năm 1953, Pháp tổng tấn công Điện Biên Phủ, quân lính nhảy dù xuống chiếm đóng và càn quét người dân vô tội, dồn họ vào các trại tập trung. Trại tập trung Noong Nhai gồm dân các xã Thanh Xương, Thanh An, Noong Hẹt, Sam Mứn và Noong Luống do đồn Hồng Cúm của Pháp phụ trách. Trại kéo dài từ bản Pom La đến bản Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên ngày nay. Toàn bộ trại nằm trong phạm vi chưa đầy 10 ha và có tới trên 3.000 dân, đa phần là phụ nữ, người già, trẻ nhỏ. Người dân sống trong những lán trại bằng tre nứa, lợp rơm rạ.

Về Noong Nhai hôm nay, không còn nhiều nhân chứng còn sống chứng kiến tội ác của quân Pháp ngày ấy. Nhưng thế hệ con, cháu sau này vẫn biết về nỗi đau xé lòng, về cái chết tức tưởi của cha ông họ bởi bom đạn giặc Pháp.

Ông Lò Văn Hặc - ở bản Noong Nhai 2, 84 tuổi đời, 43 năm tuổi Đảng - cho biết năm 1954, ông mới 14 tuổi. Hôm ấy, bố mẹ đi làm đồng không ở nhà, ông Hặc đang chơi đánh cù cùng chúng bạn. Sau này lớn lên ông mới hiểu rằng khi ấy Chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào đợt tấn công thứ 2 của quân ta, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp rơi vào thế bị bao vây, nguy cơ bị tiêu diệt đã gần kề. Trong cơn tuyệt vọng, những kẻ xâm lược càng trở nên vô nhân tính.

Đầu giờ chiều 25-4-1954, người dân trong trại tập trung Noong Nhai đang có mặt để làm đám tang tiễn đưa một người dân qua đời. Bỗng từ đâu xuất hiện 4 máy bay Pháp bay tới, chúng bất ngờ nhằm thẳng đám đông dội bom sát thương và bom Napan xuống.

Tấm bia tưởng niệm ngày diễn ra vụ thảm sát tại khu trại tập trung Noong Nhai, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ảnh: VĂN DUẨN

"Những tiếng nổ chát chúa, khói lửa mù mịt bốc lên. Đến lúc nhìn rõ thì phía ấy bao nhiêu người chết, người cháy, người quằn quại trong vết thương. Lúc ấy những người còn sống, người thì sợ hãi co ro, người thì chạy nhốn nháo tìm người thân. Lúc ấy, gia đình tôi may mắn có em trai đang đi tắm ở sông Nậm Rốm gần đó chỉ bị thương ở chân và người bác bị thương ở vai" - ông Hặc nhớ lại.

Ông Hặc cho hay theo thống kê, cuộc tàn sát của máy bay Pháp đã giết chết 444 người, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em. Nhiều gia đình không còn một ai sống sót, hàng trăm người bị thương. Để tưởng nhớ những đồng bào đã bị giặc Pháp giết, khu nhà lưu niệm trưng bày chứng tích về cuộc thảm sát được xây dựng. Công trình được khánh thành năm 1964 thì đến năm 1965 lại bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy. Đến năm 1984, khu tưởng niệm mới được xây dựng lại ngay khu vực bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-5

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tri-tue-ban-linh-196240503210050897.htm