Báo động đỏ nguy cơ khủng bố ở châu Âu

Vụ tấn công đẫm máu tại Nga khiến 144 người thiệt mạng và khoảng 180 người bị thương cùng vụ bắt cóc con tin tại Hà Lan cũng như nước Pháp nâng báo động khủng bố lên cấp độ cao nhất… cho thấy một lần nữa châu Âu lại được đặt trong tình trạng báo động đỏ về nguy cơ khủng bố.

Lực lượng cảnh sát Pháp thắt chặt kiểm soát an ninh tại Thủ đô Paris nhằm phòng ngừa khủng bố trước thềm Olympic 2024

Cảnh báo khủng bố ở nhiều nơi

Nước Nga vẫn đứng trước nguy cơ cơ bị tấn công khủng bố cho dù vừa xảy ra vụ khủng bố đẫm máu tại Nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Matxcơva ngày 22-3 khiến ít nhất 144 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương. Thông tin mới nhất cho biết, Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 29-3 xác nhận đã bắt giữ 3 nghi phạm khủng bố đến từ “một quốc gia Trung Á” đang âm mưu thực hiện vụ tấn công ở miền Nam nước Nga.

Theo FSB, cơ quan này đã “ngăn chặn các hoạt động khủng bố của 3 công dân đến từ một quốc gia Trung Á đang lên kế hoạch thực hiện hành động khủng bố bằng cách kích nổ một thiết bị tại khu vực công cộng ở Vùng Stavropol”. Đây là nơi nằm ở khu vực Bắc Caucasus thuộc miền Nam nước Nga, giáp với Dagestan và Chechnya. Trong khi đó, truyền hình Nga đăng tải hình ảnh một số người đàn ông bị các đặc vụ FSB ghì xuống đất. Hãng thông tấn RIA Novosti của Nga cho biết thêm, những bộ phận của thiết bị nổ tự chế và các chất hóa học đã được tìm thấy tại nhà của 1 trong 3 nghi phạm.

Cơ quan an ninh Nga không thông tin cụ thể 3 nghi phạm khủng bố bị bắt đã đến Nga từ quốc gia nào. Tuy nhiên, 4 nghi phạm tham gia trực tiếp vào vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Nga trong hơn 20 năm qua tại Nhà hát Crocus City Hall đến từ quốc gia Trung Á là Tajikistan. Do vậy, theo Giám đốc FSB Alexander Bortnikov, nguy cơ khủng bố trên lãnh thổ Nga vẫn còn hiện hữu. Người đứng đầu cơ quan an ninh Nga lưu ý thêm, FSB trước đó đã ngăn chặn các âm mưu khủng bố ở những khu vực khác của nước Nga.

Không chỉ Nga mà nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang được đặt trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ khủng bố. Trong đó, ngày 30-3, một nghi phạm trang bị vũ khí đã bắt giữ một số người ở thị trấn Ede thuộc miền Đông Hà Lan làm con tin. Cảnh sát Hà Lan sau đó đã giải thoát an toàn các con tin và bắt giữ nghi phạm, song vụ bắt cóc cho thấy quốc gia này không thể mất cảnh giác với khủng bố. Chưa xảy ra vụ tấn công khủng bố quy mô lớn nào như một số quốc gia châu Âu khác, nhưng Hà Lan từng chứng kiến hàng loạt vụ tấn công và âm mưu khủng bố, trong đó gây chấn động gần nhất là vụ xả súng trên tàu điện ở thành phố Utrecht xảy ra vào năm 2019 khiến 4 người thiệt mạng.

Những ngày này, quốc gia láng giềng với Hà Lan là Đức cũng đang được đặt trong tình trạng báo động cao về nguy cơ khủng bố. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser tuyên bố, chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Afghanistan - còn gọi là ISIS-K, vẫn là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với nước này. Theo người đứng đầu cơ quan đảm bảo an ninh trật tự của Đức, nước này phải thắt chặt hơn nữa biện pháp tăng cường như kiểm soát biên giới nhằm đảm bảo an ninh trong thời gian diễn ra Vòng chung kết Vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2024) vào mùa hè sắp tới. Trong một tháng diễn ra EURO 2024 từ 14-6 đến 14-7, nước Đức sẽ thu hút khoảng 2,7 triệu lượt người từ khắp nơi trên thế giới đến để theo dõi các trận thi đấu tổ chức trong các sân vận động và 12 triệu lượt người xem tại các địa điểm công cộng.

Sự kiện thể thao quy mô lớn nhất toàn cầu như Olympic 2024 diễn ra cùng mùa Hè này tại thủ đô Paris cũng đang khiến nước Pháp được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ trước nguy cơ khủng bố. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết, Chính phủ nước này sẽ nâng mức cảnh báo khủng bố lên cấp độ cao nhất sau vụ tấn công khủng bố tại Nga. Cảnh sát quốc gia Pháp cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập tấn công mô phỏng để kiểm tra phản ứng trước một cuộc tấn công khủng bố khi thủ đô Paris tổ chức Olympic 2024 vào mùa hè này.

Vượt qua khác biệt, chung tay chống khủng bố

Nguy cơ tấn công khủng bố trỗi dậy sau vụ khủng bố tại Nga cũng như vụ bắt cóc con tin tại Hà Lan… đang khiến nhiều nước châu Âu lo ngại sâu sắc. Theo các cơ quan tình báo nhiều quốc gia châu Âu, những kẻ được cho là thủ phạm đằng sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Matxcơva có tham vọng tấn công không chỉ mỗi nước Nga. Theo Chính phủ Pháp, các nghi phạm bị cáo buộc lên kế hoạch xả súng ở Nga ngày 22-3 vừa qua thuộc ISIS-K - một nhánh của tổ chức khủng bố khét tiếng IS tự xưng - đã thực hiện nhiều vụ tấn công khủng bố bên trong nước Pháp.

Đến nay, Nga vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra và chưa khẳng định IS hay tổ chức nào đứng sau vụ tấn công khủng bố vào Nhà hát Crocus City Hall. Tuy nhiên, vụ tấn công khủng bố đẫm máu khiến hơn 300 người thương vong cho thấy nhiều mối lo ngại không chỉ với nước Nga mà còn với cả châu Âu. Trong đó, các tổ chức khủng bố có thể sử dụng các xung đột đã có từ trước và sự chú ý của giới truyền thông để thúc đẩy lợi ích và tham vọng trỗi dậy của chúng. Đồng thời, các vụ tấn công hay đe dọa tấn công khủng bố có khả năng làm trầm trọng thêm tình hình bất ổn, nhất là các xung đột vũ trang, trong đó xung đột quân sự ở Ukraine và Dải Gaza.

Theo các chuyên gia, đối với các tổ chức khủng bố hoạt động rộng như IS, những rạn nứt, bất ổn địa chính trị toàn cầu là môi trường thuận lợi để chúng có thể trỗi dậy, hoành hành. Chỉ một ngày trước vụ khủng bố tại Nga, ngày 21-3, Hội đồng An ninh Quốc gia Tây Ban Nha (CSN) cảnh báo rằng, Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với “nguy cơ thực sự và trực tiếp” về các mối đe dọa khủng bố gia tăng do các cuộc xung đột ở Dải Gaza và Ukraine. Các chuyên gia CSN cũng nêu rõ, mối đe dọa chính đối với an ninh châu Âu đến từ các nhóm khủng bố IS và Al Qaeda.

Các chuyên gia cho rằng, kể từ năm 2019, số vụ tấn công do tổ chức khủng bố IS tiến hành đã giảm đáng kể và mối quan tâm ở châu Âu chuyển sang các vấn đề cấp bách khác như đại dịch Covid-19 và sau đó là cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và Dải Gaza. Thế nhưng, tâm lý và hành động chủ quan trước thông tin khủng bố thời gian cho thấy, điều đó là sai lầm bởi các tổ chức khủng bố khét tiếng như IS và Al Qaeda vẫn có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.

Bộ trưởng Quốc phòng Italia nhấn mạnh, vụ khủng bố tại Nga cho thấy mức độ nguy hiểm và lo ngại cuộc tấn công tương tự có thể xảy ra ở những quốc gia có “chân rết” hay có sự hiện diện của các thành viên IS. Các cơ quan an ninh Đức cũng cảnh báo, một số tổ chức cực đoan đang lên kế hoạch tấn công khủng bố ở Đức và các nước Tây Âu khác, đặc biệt trong dịp diễn ra EURO 2024 tại Đức và Olympic 2024 tại Pháp. Theo giới chức an ninh Đức, cả thế giới sẽ hướng đến những sự kiện quy mô lớn này và “theo logic của những kẻ khủng bố, đây là những mục tiêu hoàn hảo”.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh nỗ lực riêng lẻ của từng quốc gia, châu Âu cần phải để sang một bên những mâu thuẫn địa chính trị cũng như đối đầu trong cuộc xung đột tại Ukraine để cùng cảnh báo và chia sẻ thông tin về nguy cơ khủng bố. Khủng bố đang là mối đe dọa nghiêm trọng và không loại trừ quốc gia nào tại châu Âu. Chúng sẽ tìm mọi cách để lợi dụng sự lơ là, sơ hở trong giám sát, thông tin tình báo để phát hiện những mắt xích yếu kém, tấn công bất ngờ, gieo rắc nỗi sợ hãi, gây bất ổn, thậm chí gây chia rẽ, hận thù giữa các quốc gia, các dân tộc và tôn giáo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bao-dong-do-nguy-co-khung-bo-o-chau-au-post571806.antd