Bạn đã tới 'Chùa cắt duyên' ở Kamakura chưa?

Nếu được chọn những nơi đi mãi không chán ở nước Nhật, tôi sẽ gọi tên hai thành phố đó là Kyoto và Kamakura.

Tôi đang sống và làm việc ở Tokyo nên chỉ có thể ghé Kyoto khi có điều kiện, còn Kamakura thì nằm ở Kanagawa, một tỉnh lân cận thủ đô nên việc đi về trong ngày rất thuận tiện. Đặc biệt, sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên tươi đẹp và không gian cổ kính, cùng hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, khiến Kamakura trở nên gần gũi và hoàn hảo cho những người muốn khám phá một Nhật Bản vừa truyền thống vừa hiện đại.

Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu một chuyến “hành hương” ngắn trong ngày đến Kamakura, xuất phát từ ga Kamakura và điểm đến cuối cùng là ga Kita-Kamakura.

Khi vừa xuống ga Kamakura, tôi bị choáng ngợp bởi quá đông khách du lịch đến đây, cả du khách nước ngoài và người Nhật, tôi không ngờ Kamakura lại có sức hút lớn như thế! Tôi và những người bạn đi cùng đã ghé thăm rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở đây và có những trải nghiệm thật tuyệt vời vào một ngày mùa xuân.

Tsurugaoka Hachimangu - ngôi đền cầu tình duyên và may mắn trong hôn nhân

Điểm đến đầu tiên trong chuyến đi này là đền thờ Tsurugaoka Hachimangu.

Lễ cưới truyền thống diễn ra trong đền thờ thần đạo Tsurugaoka Hachimangu. Ảnh: Vân Hoàng.

Ngôi đền này được xây dựng bởi Minamoto Yoriyoshi - người đứng đầu gia tộc Minamoto danh giá của Nhật Bản, nơi đây từng là trung tâm thờ cúng tín ngưỡng của chính quyền Mạc Phủ Kamakura. Hiện nay, cùng với đền Usa và Ishimizu, đền Tsurugaoka Hachimangu là một trong ba đền thờ Hachimangu lớn nhất Nhật Bản.

Và thật may mắn, chúng tôi đã được chứng kiến một lễ cưới diễn ra trong đền thờ Tsurugaoka Hachimangu.

Việc lựa chọn tổ chức lễ cuới ở đền thờ thần đạo theo nghi thức truyền thống của Nhật thay vì tổ chức ở nhà thờ không phải là điều quá hiếm, nhưng với quy mô và độ nổi tiếng của đền thờ Tsurugaoka Hachimangu thì chi phí tương đối cao và không hề dễ dàng.

Theo tôi tìm hiểu, chi phí tổ chức lễ cưới ở đây dao động 600.000-1,3 triệu yen (tức khoảng100 - 250 triệu đồng), tùy thuộc vào các gói dịch vụ, ngoài thuê địa điểm còn có thể thêm một số lựa chọn như quay phim, chụp ảnh, thuê phục trang, trang điểm v.v.

Chùa Kenchoji với hàng anh đào Yoshino đang độ khoe sắc

Sau khi rời Tsurugaoka Hachimangu, chúng tôi men theo những bậc thang đá phía sau đền và đi bộ chừng 15 phút để đến với ngôi chùa cổ nhất trong số 5 ngôi chùa lớn ở Kamakura - chùa Kenchoji.

Tôi thực sự ấn tượng với chiếc cổng gỗ khổng lồ có mái che bằng đồng chắc chắn. Chiếc cổng cao 20 m này được dựng vào năm 1775 và được chỉ định là Tài sản văn hóa quan trọng của Nhật Bản. Ngoài ra, cổng này không có cánh cửa và ý nghĩa của nó là “thể hiện lòng trắc ẩn sâu sắc của Đức Phật là không bao giờ từ chối những ai tìm kiếm sự giúp đỡ”.

Khu vườn Nhật trong chùa Kenchoji - ngôi chùa cổ nhất trong số 5 ngôi chùa lớn ở Kamakura. Ảnh: Vân Hoàng.

Bước qua cổng để vào tòa nhà chính Hojo, bạn sẽ bắt gặp hàng anh đào Yoshino đang độ mãn khai, và nhất định hãy ghé khu vườn Nhật phía sau Hojo, được thiết kế bởi thiền sư Muso Kokushi.

Chúng tôi đã ngồi ở đây, ngắm nhìn khu vườn mãi và ao ước sẽ có một khoảng hiên nhà như thế, một khu vườn như thế của riêng mình.

Meigetsuin đẹp như một giấc mộng

Ngôi chùa này nổi tiếng với tên gọi Ajisai-ji bởi hoa Ajisai (cẩm tú cầu) được trồng ở khắp nơi trong chùa, và một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất để ngắm cẩm tú cầu ở Nhật.

Cửa sổ tròn trong tòa chính điện ở chùa Meigetsuin. Ảnh: Vân Hoàng.

Ngày tôi đến là mùa xuân, mặc dù Ajisai chưa nở nhưng tôi thích mê đắm ngôi chùa này bởi khung cảnh bình yên, những bậc thang nhỏ nhắn dẫn lên khu điện chính, rặng trúc cao vút, những phiến đá nhỏ, tượng Jizo bé xíu giữa màu xanh ngập tràn.

Tôi mong sẽ đuợc quay lại đây vào một ngày trời mưa đầu hạ để thỏa thích ngắm nhìn những bông cẩm tú cầu rực rỡ, tươi thắm trong mưa. Nhưng có lẽ vì quá nổi tiếng với cẩm tú cầu nên vào mùa cẩm tú cầu sẽ rất đông khách du lịch, ngôi chùa sẽ không có được sự tĩnh lặng như hôm chúng tôi đến.

Tượng Jizo bé xíu giữa màu xanh ngập tràn ở chùa Meigetsuin. Ảnh: Vân Hoàng.

Enkakuji - bối cảnh của “Cánh cổng” và “Ngàn cánh hạc”

Từ Meigetsuin đi bộ khoảng 10 phút là đến chùa Enkakuji, ngôi chùa đứng đầu của Thiền phái Rinzai.

Có lẽ vì thế mà Enkakuji được chọn làm bối cảnh trong nhiều tác phẩm văn học như "Cánh cổng" của Natsume Soseki hay "Ngàn cánh hạc" của Kawabata Yasunari (nhà văn đầu tiên của Nhật đoạt giải Nobel văn học).

Chùa Enkakuji, ngôi chùa đứng đầu của Thiền phái Rinzai. Cây mộc lan trắng khổng lồ nằm ở cuối con dốc nhỏ phía sau chùa nở hoa sáng rực cả góc trời. Ảnh: Vân Hoàng.

Nhìn cổng gỗ Yamamon tráng lệ, tôi đã nhớ ngay đến nhưng trang văn đầy tâm tư của Natsume Soseki khi viết về Phật giáo, hay thân phận con người trước những biến động của thời cuộc.

Enkakuji còn cực kì thu hút khách du lịch bởi vẻ đẹp thiên nhiên, bốn mùa hoa nở, hoa mận vào đầu mùa xuân, hoa anh đào vào mùa xuân, hoa cẩm tú cầu vào mùa hạ, và lá vàng lá đỏ mùa thu. Ngày chúng tôi đến, cây mộc lan trắng khổng lồ nằm ở cuối con dốc nhỏ phía sau chùa đang đúng độ mãn khai, sáng rực cả góc trời.

Hòa mình vào thiên nhiên và bình yên ở Jochiji

Chùa Jochiji. Ảnh: Vân Hoàng.

Ngay gần Enkakuji là chùa Jochiji, một trong 4 ngôi chùa Thiền phái lớn ở Kamakura và cũng thuộc nhánh của Enkakuji.

Điều tôi thích nhất ở Jochiji là sự nhỏ nhắn và yên tĩnh, được bao quanh bởi rừng cây xanh.

Nơi đây thực sự phù hợp dành cho những bạn nào muốn có một không gian nhẹ nhàng để tản bộ, hòa mình vào thiên nhiên.

Còn gì tuyệt vời hơn là được thư thái hít hà không khí trong trẻo vào một ngày đầu xuân tràn ngập nắng, hoa anh đào chớm nở, lắng nghe tiếng chim hót và ngắm nhìn mấy chú sóc nhỏ đùa nghịch trên cành cây.

Tokeiji (Enkiriji) - Chùa cắt duyên và đón chào những điều tốt lành sẽ đến

Điểm đến cuối cùng trong chuyến đi lần này của chúng tôi là chùa Tokeiji, cũng rất gần với Enkakuji.

Ngôi chùa còn có tên gọi khác là Enkiriji (Chùa cắt duyên). Cái tên này bắt nguồn từ một tục lệ cũ của người Nhật. Thời phong kiến, phụ nữ không thể ly hôn và nếu muốn ly hôn, họ phải lên chùa, tu hành trong khoảng 2,3 năm thì sau đó có thể "ly hôn".

Chùa Tokeiji, còn có tên gọi khác là Enkiriji (Chùa cắt duyên), cũng có khi được gọi là là "Hana no ji "(Chùa của hoa), bởi hoa được trồng khắp nơi trong chùa. Ảnh: Vân Hoàng.

Trước đây, Enkiriji là nơi chia cắt nhân duyên nhưng ngày nay, ngôi chùa này là nơi để “bỏ lại” những mối quan hệ cũ, những điều không may đã qua để đón chào và hướng tới những mối quan hệ tốt đẹp hơn sẽ tới.

Ngôi chùa còn có tên là "Hana no ji (Chùa của hoa), bởi hoa được trồng khắp nơi trong chùa. Tôi thích ngôi chùa này lắm, mọi thử đều nhỏ nhắn, vừa phải, bình yên, đặc biệt nhìn ánh nắng chiều buông nhè nhẹ trên những chùm anh đào cánh rủ, đẹp đến nao lòng.

Chuyến "hành hương đặc biệt'

Ánh nắng chiều buông nhè nhẹ trên những chùm anh đào cánh rủ ở chùa Tokeiji. Ảnh: Vân Hoàng.

Khác với những chuyến đi “chạy đua” check-in những địa điểm nổi bật và thu hút đông khách du lịch, chuyến “hành hương” nhỏ ở Kamakura là trải nghiệm thực sự đặc biệt với tôi.

Một chuyến đi ngắn thôi, nhưng để lại cho tôi những giây phút lắng đọng và những khoảnh khắc không thể nào quên, như khi lặng lẽ ngắm nhìn khu vườn Nhật ở Kenchoji, hay được đắm mình trong không gian hư mộng ở Meigetsuin, cảm động khi nhìn hoàng hôn buông xuống trong khuôn viên Tokeiji.

Tôi mong sẽ có nhiều chuyến đi như thế nữa, khám phá thêm những điều tuyệt vời và những nơi tuyệt vời khác ở Kamakura.

Vân Hoàng (từ Nhật Bản)

Nguồn Znews: https://znews.vn/ban-da-toi-chua-cat-duyen-o-kamakura-chua-post1447487.html