Bài cuối: Phát huy giá trị tài sản trí tuệ trong phát triển kinh tế

Để tăng sức cạnh tranh, mở rộng hơn nữa thị trường nước ngoài, các sản phẩm được bảo hộ quyền SHTT đã đặt ra thách thức cho cơ quan quản lý và người nông dân.

Tuân thủ nghiêm quy định của nước cấp quyền bảo hộ

Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, trong Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ở nước ngoài và triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức khác. Trong Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ, đối tượng nhận hỗ trợ có thể ưu tiên hỗ trợ các đối tượng yếu thế như doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc là cả cộng đồng.

Cục SHTT đã tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền các quy định về quyền SHTT tại các thị trường trọng điểm cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý tại địa phương. Ảnh: IP Việt Nam

Tuy nhiên, sau khi bảo hộ tài sản trí tuệ tại từng nước, các chủ sở hữu dù là đối tượng yếu thế cũng cần chú trọng bảo vệ tài sản này thông qua tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia đó.

Ông Hồng lấy ví dụ, theo quy định pháp luật về chỉ dẫn địa lý của Nhật, sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hàng năm, Tổ chức quản lý chỉ dẫn đại lý phải nộp các báo cáo, tài liệu về hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Ngoài ra, Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) có quyền yêu cầu tổ chức quản lý, người sản xuất hoặc những người có liên quan khác báo cáo tình hình hoạt động hoặc cho phép cán bộ của MAFF đến trụ sở, văn phòng, nhà kho, nông trại, nhà xưởng hoặc các địa điểm khác của tổ chức quản lý, nhà sản xuất tiến hành kiểm tra về tình hình hoạt động hoặc sản phẩm nông sản cùng các nguyên liệu, sách báo, tài liệu và các vật dụng khác có liên quan.

Thực tế từ hoạt động kiểm tra vào ngày 13/3 vừa qua của các cán bộ MAFF tại vùng trồng vải thiều Lục Ngạn cho thấy, nhiều nội dung được phía Nhật Bản yêu cầu Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn và người trồng cung cấp như: Điều lệ của hội, chi tiết giới thiệu về vải Lục Ngạn, quy trình nghiệp vụ quản lí sản xuất vải lục ngạn, danh sách lãnh đạo của hội, bảng cân đối thu chi của hội, sơ đồ tổ chức và phân công nhiệm vụ của hội, sổ của hội lưu kí việc thực hiện kiểm tra khi xác nhận sản phẩm cuối cùng, sổ lưu tình hình sử dụng chỉ dẫn địa lí, sổ lưu thông tin trồng trọt của nhà sản xuất (nhật kí nhà nông, tạp chí vườn trồng), tài liệu dẫn chứng thực hiện kiểm tra thực địa, tài liệu liên quan tới vùng sản xuất, tài liệu về quy mô sản xuất, sản lượng vải được hội hoặc UBND xã phê duyệt, sổ lưu kiểm tra phân loại và dán nhãn, tài liệu được sử dụng tại các buổi tuyên truyền, tập huấn, tài liệu lưu thông tin buổi tuyên truyền, tập huấn, vật dụng, bao bì, tem, tờ quảng cáo… về chỉ dẫn địa lí vải Lục Ngạn, sản phẩm đang bán thực tế có sử dụng chỉ dẫn địa lí (đặc biệt là sản phẩm đang xuất bán đi Nhật, có thể thay thế bằng hình ảnh).

Đoàn chuyên gia của MAFF làm việc với UBND huyện Lục Ngạn, Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn và người trồng về quy trình canh tác vải thiều. Ảnh: Thu Hường

Như vậy, ngay từ cơ sở sản xuất đến chính quyền địa phương và cả hiệp hội ngành nghề cần phải nhận thức rõ rằng sản phẩm/dịch vụ mạnh khi có thương hiệu ở thị trường nước ngoài, khi mở rộng kinh doanh ở nước ngoài, từ đó xác định nhu cầu đăng ký, bảo hô nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài. Qua đó, có việc xác định rõ về việc cần phát triển các sản phẩm, dịch vụ thực chất và hiệu quả khi đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nước ngoài tương ứng.

Ông Hồng cũng khuyến cáo, các cơ sở sản xuất và địa phương cần đánh giá một cách thực tiễn, chuyên nghiệp về nhu cầu và khả năng bảo hộ ở thị trường nước ngoài, không triển khai tràn lan cũng như tận dụng tối đa sự hỗ trợ chuyên môn, nguồn lực của các cơ quan như: Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Chủ các sản phẩm, dịch vụ cũng cần lựa chọn đối tượng để đăng ký cho phù hơp với từng thị trường như: Nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu cộng đồng hay chỉ dẫn địa lý. Trong đó, xem xét, tận dụng hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid để tiết kiệm và nhanh chóng có được đăng ký ở nước ngoài có nhu cầu….

Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phối hợp các bên liên quan

Từ thực tế trong quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Ma Thuột vào Nhật Bản, có thể nói, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài.

Nói về nguyên nhân trên, ông Trần Lê Hồng khẳng định: Do sự khác biệt về quy định pháp luật, về chỉ dẫn địa lý giữa các nước. Bên cạnh đó, thực trạng quản lý chỉ dẫn địa lý của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Năng lực quản lý chỉ dẫn địa lý của tổ chức tập thể, hội/hiệp hội sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý còn yếu và thiếu chủ động.

Vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGap ở huyện Tân Yên - Bắc Giang. Ảnh: Thu Hường

Phân tích vấn đề này, ông Hồng cho rằng, chỉ dẫn địa lý (tên gọi xuất xứ) đầu tiên được bảo hộ tại Việt Nam cho đến nay được gần 25 năm. Thực tế các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cho thấy phải đến khi đi đăng ký xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý tại Cục Sở hữu trí tuệ, địa phương mới nghiên cứu về đặc tính đặc thù của sản phẩm, về mối quan hệ giữa đặc tính đặc thù của sản phẩm và điều kiện địa lý, do đó những nghiên cứu về mối quan hệ và tính bền vững giữa đặc tính của sản phẩm trong mối liên hệ với phương pháp sản xuất gần như là không có, trong khi đó như quy định của Nhật Bản, một sản phẩm có khoảng 25 năm lịch sử sản xuất là cần thiết để xem xét đặc tính nào của sản phẩm đăng ký được duy trì và khác biệt so với các sản phẩm cùng giống cây, để đánh giá sự bền vững của các đặc tính của sản phẩm đăng ký.

Khó khăn nữa là một số chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đã được bảo hộ từ lâu (ví dụ như thanh long Bình Thuận bảo hộ năm 2006, vải thiều Lục Ngạn bảo hộ năm 2008, do đó tại thời điểm Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản) – cơ quan xác lập quyền chỉ dẫn địa lý sang khảo sát thực tế tại địa phương, phương pháp sản xuất sản phẩm ít nhiều đã có sự thay đổi so với hồ sơ đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, từ đó, họ nhận định thông tin trong hồ sơ đăng ký chưa đúng với thực tế.

Việt Nam đã có rất nhiều các nghiên cứu của nhiều bộ, ngành khác nhau liên quan đến 03 sản phẩm, nhưng rất tiếc các nghiên cứu này lại riêng rẽ, tản mạn làm cho công tác tìm kiếm rất khó khăn, nhưng đến khi tìm được thì kết quả của các nghiên cứu này lại có thể không phục vụ được cho việc bổ sung hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý”- ông Hồng trao đổi.

Theo ông Hồng, ở các quốc gia có hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý lâu đời, tập thể nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có vai trò rất lớn trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý. Còn ở Việt Nam, thực tế là các hội/hiệp hội sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam - hoạt động chưa thực sự hiệu quả, vai trò của hội/hiệp hội trong các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý của địa phương còn mờ nhạt và với việc có quá nhiều bên liên quan tham gia vào công tác quản lý chỉ dẫn địa lý dẫn đến việc quản lý chỉ dẫn địa lý của chúng ta còn yếu kém. Bên cạnh đó, công tác quản lý các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý trên thị trường trong nước chưa được kiểm soát và triển khai quyết liệt.

Điển hình, trong chuyến thị sát của MAFF vào ngày 13/3/2024 vừa qua, MAFF đã chỉ ra nhiều điểm chưa phù hợp trong quy trình quản lý các loại sổ sách, tài liệu liên quan của Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn, đây là vấn đề mà Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn cần xem xét, rút kinh nghiệm và khắc phục sớm.

Các quốc gia rất chú trọng trong việc xem xét thực tế sử dụng chỉ dẫn địa lý. Tôi lấy ví dụ như, Việt Nam đã xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang Nhật Bản, tuy nhiên, do yêu cầu của nhà nhập khẩu mà tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Lục Ngạn lại hầu như chỉ được bày bán dưới tên gọi “Vải thiều Việt Nam”. Đây là bất lợi của chúng ta trong phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý”- ông Hồng nhấn mạnh.

Hội thảo “Biện pháp phòng chống đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu” nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý SHTT (Ảnh: IP Việt Nam)

Để giải quyết những bất cập, vướng mắc trên lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, cần phải có nghiên cứu các quy định của nước đăng ký (bao gồm cả quy định ghi nhãn đối với hàng hóa nhập khẩu).

Việc nghiên cứu kỹ các quy định của nước dự định đăng ký là rất cần thiết và việc nghiên cứu này không đơn thuần chỉ là hiểu biết về các quy định luật nói chung, mà nghiên cứu phải đạt đến mức “thông thạo” đặc biệt đối với các quy định tại các văn bản dưới luật, các mẫu tài liệu cũng như quy trình tác nghiệp của họ”- ông Hồng cho hay.

Ông Hồng khuyến cáo, chủ các sản phẩm, dịch vụ phải chuẩn bị hồ sơ một cách tốt nhất. Bên cạnh việc lựa chọn sản phẩm cần đăng ký ra nước ngoài, hồ sơ đăng ký cần phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, nhất là nếu đối tương đăng ký là chỉ dẫn địa lý. Trong đó đó, phải xác định cho được những vấn đề tồn tại, khó khăn và kèm theo đó là phương án xử lý, khắc phục.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc và phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan. "Như tôi đã nói, đây là công việc phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị khác nhau không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài. Cần xác định rõ vai trò của các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn và trách nhiệm của chủ thể sử dụng, tổ chức tập thể, hiệp hội… trong việc quản lý, khai thác, bảo hộ, sử dụng và bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ đẫn địa lý cũng như nâng cao năng lực, tính chủ động cho các chủ thể sử dụng, tổ chức tập thể, hiệp hội…"- ông Trần Lê Hồng nhấn mạnh.

Thu Hường - Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bai-cuoi-phat-huy-gia-tri-tai-san-tri-tue-trong-phat-trien-kinh-te-310779.html