Dứt 'cơn nghiện' dầu mỏ?

Dầu mỏ hiện chiếm 31% trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, vẫn là 'mạch máu của cuộc sống hiện đại' và sẽ duy trì vai trò quan trọng trên các thị trường quốc tế trong nhiều thập kỷ nữa, theo Tổng thư ký OPEC Al-Ghais.

Thế giới sẽ không thể tránh khỏi những cú sốc nghiêm trọng do việc phân phối lại toàn bộ hệ thống năng lượng. (Nguồn: AEEC)

Thế kỷ XX là thế kỷ của dầu mỏ định hình sự thống trị của đồng USD, sức mạnh Mỹ, trong nền kinh tế toàn cầu. Bước vào thế kỷ XXI, vai trò của dầu đã không còn như xưa. Sự lùi dần của dầu, thay bằng các dạng năng lượng khác, như năng lượng tái tạo hay Hydrogen… có thể cảm nhận được trong hai thập niên đầu thế kỷ.

Tuy nhiên, nhu cầu dầu mỏ và khí đốt chỉ chậm lại, chứ chưa bao giờ dừng, thậm chí dự báo đến năm 2030 mới đạt đỉnh, vì thế việc từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ và khí đốt có phải là quá ảo tưởng?

Chuyển đổi năng lượng thất bại?

Tờ Arab News mới đây đăng bài viết dẫn ý kiến của Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham Al-Ghais và Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn năng lượng Saudi Aramco của Saudi Arabia Amin H. Nasser, nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của dầu mỏ trong các hoạt động của đời sống hiện đại.

Theo Tổng thư ký OPEC Haitham Al-Ghais, dầu mỏ có vai trò quan trọng và thiết yếu trên các thị trường quốc tế, vì thế lời kêu gọi từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ để dựa hoàn toàn vào năng lượng tái tạo là sai lầm và không thực tế. Thậm chí, ông Al-Ghais còn đưa ra dẫn chứng trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn KUNA của Kuwait, “nếu dầu mỏ biến mất, cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo. Chẳng hạn, việc sản xuất các tourbin gió và tấm pin mặt trời đều liên quan đến các sản phẩm dầu mỏ”.

Chỉ ra hàng loạt lợi thế của dầu mỏ như “dễ khai thác, dễ tinh chế và dễ vận chuyển”, ông Al-Ghais khẳng định, chính những lợi thế đó đã củng cố vị thế quan trọng của dầu mỏ, kể từ khi nó được phát hiện và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế toàn cầu.

Ở thời điểm hiện tại, dầu khí vẫn đang thể hiện rõ vai trò quan trọng và thiết yếu trên phạm vi toàn cầu, hiện diện mọi lúc, mọi nơi trong đời sống sinh hoạt và kinh tế, từ các hoạt động thường nhật thiết yếu. Những lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu thế giới ngừng sử dụng dầu mỏ, sẽ lan rộng từ các lĩnh vực vận tải đường bộ, hàng hải và đường hàng không… đến các hoạt động sản xuất lương thực, dược phẩm, vật tư và thiết bị y tế... và nhiều lĩnh vực quan trọng khác, khiến việc từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ càng trở nên khó khăn.

Đề cập dầu mỏ ở một khía cạnh khác, Tổng thư ký OPEC cho biết, “việc từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ cũng sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người do bị mất việc làm. Sự biến mất của dầu mỏ khiến hoạt động sản xuất trên toàn thế giới bị đình trệ, làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu năng lượng ở nhiều quốc gia vì hàng triệu người sẽ không thể đảm bảo được nguồn năng lượng họ cần, bao gồm cả điện”.

OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt 116 triệu thùng/ngày theo kịch bản thông thường và 120 triệu thùng/ngày theo một trong những kịch bản đặc biệt vào năm 2045, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải có những khoản đầu tư thích hợp để đáp ứng nhu cầu to lớn về năng lượng và dầu mỏ.

Phát biểu tại Diễn đàn năng lượng toàn cầu CERAWeek 2024 mới đây tại Houston (bang Texas, Mỹ), ông Nasser cho biết, chiến lược chuyển đổi năng lượng hiện nay rõ ràng đang thất bại ở hầu hết các mặt trận khi nó đối mặt với không ít khó khăn. Nhiều bằng chứng vẫn đang củng cố quan điểm rằng, sự thoái trào của dầu mỏ và khí đốt khó có thể xảy ra trong thời gian tới.

Việc từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ cũng sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người do bị mất việc làm, theo Tổng thư ký OPEC. (Nguồn: Bloomberg)

Đầu tư theo cách thực tế hơn

Theo tính toán mới nhất của của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2030. Trong khi, khí đốt vẫn là nguồn năng lượng chính của thế giới, với nhu cầu tăng gần 70% kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay.

OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024 và 2025 nhờ các hoạt động kinh tế khởi sắc ở Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Theo đó, nhu cầu dầu thế giới dù không đạt được mức tăng 2,5 triệu thùng/ngày như trong năm 2023, nhưng sẽ vẫn tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm 2024 và 1,85 triệu thùng/ngày vào năm 2025.

“Hoạt động kinh tế khởi sắc ở Trung Quốc, sự phục hồi của ngành hàng không toàn cầu, hoạt động vận tải đường bộ, cũng như nhu cầu mạnh mẽ về nguyên liệu hóa thạch cho nhiều hoạt động khác, dự kiến sẽ là những yếu tố chính đẩy mạnh tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2024”, báo cáo của OPEC viết.

CEO Saudi Aramco Amin H. Nasser dẫn chứng số liệu - dù thế giới đã đầu tư hơn 9.500 tỷ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong hai thập kỷ qua, nhưng các giải pháp thay thế vẫn tỏ ra bất khả thi trước nhu cầu về nguồn năng lượng hydrocarbon quy mô lớn như nói trên.

Ông Nasser kêu gọi gác lại “ảo tưởng loại bỏ ngay dầu mỏ và khí đốt”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư vào ngành dầu khí theo một cách thỏa đáng.

Cùng quan điểm, Tổng thư ký OPEC Al Ghais kêu gọi, khuyến khích phát triển ngành dầu mỏ và tăng cường các khoản đầu tư cần thiết theo cách nâng cao sự tin cậy về môi trường của ngành này - “Đây là thông điệp của OPEC gửi tới thế giới”.

Theo Tổng thư ký OPEC, trong những năm gần đây nhiều người đã lên tiếng kêu gọi từ bỏ dầu mỏ với lý do bảo vệ môi trường, nhưng chưa đề cập những hậu quả nghiêm trọng mà thế giới có thể phải đối mặt nếu hoạt động sản xuất dầu mỏ bị ngưng trệ. Tuần trước, CEO Saudi Aramco Amin H. Nasser nhấn mạnh sự cần thiết về một lộ trình mới, thực tế hơn cho quá trình chuyển đổi năng lượng, có tính đến dầu mỏ và khí đốt.

Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang năng lượng sạch không hề dễ dàng. Thế giới khó tránh khỏi những cú sốc nghiêm trọng do việc phân phối lại toàn bộ hệ thống năng lượng, vì chính nó là nguồn sức mạnh của kinh tế thế giới và là nền tảng của trật tự địa chính trị.

Nhưng những thách thức hiển hiện về biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên, căng thẳng địa chính trị, đại dịch toàn cầu... nhắc nhở con người về tính cấp thiết của phát triển bền vững tại mỗi quốc gia, cũng như thế giới.

Chẳng hạn, châu Âu không phải không lường trước được quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ rất tốn kém, nhưng coi đó là khoản đầu tư cần thiết. Như Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier cho rằng, việc theo đuổi sự phát triển bền vững trong nền kinh tế mang đến cả cơ hội và thách thức. Việc áp dụng thực tiễn và công nghệ bền vững sẽ mở ra những con đường mới cho phép xây dựng một xã hội mạnh mẽ và bao trùm hơn.

Giải pháp thực tế mà CEO Saudi Aramco đưa ra là, nên nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon, tích cực cải thiện tính hiệu quả và đưa ra các giải pháp ít carbon hơn. Thế giới cũng nên từng bước sử dụng các nguồn năng lượng mới và công nghệ mới khi chúng thực sự sẵn sàng, có tính cạnh tranh về mặt kinh tế và có cơ sở hạ tầng phù hợp.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dut-con-nghien-dau-mo-269158.html