Áp lực đối với bệnh viện ở Pháp giảm nhiều

Tính tới tối 15-5, áp lực đối với hệ thống y tế ở Pháp đã được giải tỏa đáng kể khi số bệnh nhân cần điều trị do Covid-19 ở Pháp giảm xuống dưới 20 nghìn. Trong khi đó, Tổng cục Y tế Pháp cho biết có tới 135 trẻ em mắc phải một hội chứng như bệnh Kawasahi.

NDĐT - Tính tới tối 15-5, áp lực đối với hệ thống y tế ở Pháp đã được giải tỏa đáng kể khi số bệnh nhân cần điều trị do Covid-19 ở Pháp giảm xuống dưới 20 nghìn. Trong khi đó, Tổng cục Y tế Pháp cho biết có tới 135 trẻ em mắc phải một hội chứng như bệnh Kawasahi.

Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp, có thêm 104 ca tử vong, nâng tổng số lên 27.529 và 563 ca nhiễm mới. Số người nhập viện cũng như bệnh nhân nặng tiếp tục giảm chậm nhưng duy trì đà đi xuống liên tục trong nhiều ngày qua. Áp lực hiện nay đã bớt căng thẳng hơn rất nhiều so với đợt cao điểm từ ngày 7 đến 12-4 khi có hơn 30 nghìn người nhập viện và hơn 7 nghìn ca hồi sức cấp cứu.

Như vậy, nước Pháp đã sắp bước qua tuần đầu tiên kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ dần từ ngày 11-5. Người dân có thể di chuyển trong kỳ nghỉ cuối tuần này nhưng chỉ được đi cách nhà không quá 100km. Người phát ngôn Chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye cho biết : "Bức tranh tổng thể là tích cực và các biện pháp nới lỏng lệnh phong tỏa đã được tuân thủ trong năm ngày qua".

Theo Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE), mức suy giảm của bệnh dịch được ghi nhận khi tỷ lệ tử vong chỉ tăng ở mức 22% trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến 4-5 so với cùng kỳ năm 2019. Trước đó vào ngày 20-4, tỷ lệ tử vong là 27% khi dịch đạt đỉnh.

Cùng ngày, trong chuyến thăm Bệnh viện Pitíe-Salpêtrìere ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận rằng đã có sai lầm trong chiến lược cải cách hệ thống y tế được thực hiện từ hai năm trước. Việc cắt giảm đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nhân lực đã khiến cho hệ thống y tế của Pháp rơi vào tình trạng bị động khi đối mặt làn sóng bệnh nhân do dịch Covid-19.

Theo Tổng thống Emmanuel Macron, mọi thứ đã thay đổi khi cải cách. Đó là một chiến lược có tầm nhìn nhưng đáng lẽ phải thực hiện từ 10 năm trước. Vì vậy, Nhà nước sẽ đầu tư để chấm dứt tình trạng khủng hoảng hiện nay của hệ thống y tế. Bốn ưu tiên đầu tư trong thời gian tới là tăng lương cho nhân viên y tế, đầu tư thiết bị và cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống y tế linh hoạt và phi tập trung hơn và tăng cường năng lực cho y tế địa phương.

Trong một diễn biến khác, Tổng cục Y tế Pháp công bố một báo cáo về 135 trẻ em từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc mắc hội chứng tương tự như bệnh Kawasaki (bệnh viêm mạch máu hệ thống cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ). Trong số này có một trẻ 9 tuổi ở thành phố Marseile thuộc phía nam bị tử vong vì "tổn thương não do một cơn đau tim."

Nhiều trường hợp có hội chứng viêm dẫn đến sốt cao, mệt nhiều, đau dạ dày và lên hạch trong miệng. Xét nghiệm huyết thanh học cho thấy 52% trẻ có kết quả dương tính với SARS–CoV-2, nhưng không phát triển hội chứng Covid-19. Ở vùng thủ đô Ile-de-France, tỷ lệ dương tính còn cao hơn, tới 58%.

Kênh truyền hình BFM dẫn lời Giáo sư Fabrice Michel, phụ trách hồi sức cấp cứu nhi khoa ở bệnh viện La Timone tại Marseille, về trường hợp tử vong đầu tiên ở Pháp tại đây: Đứa trẻ phát bệnh với các dấu hiệu có thể giống bệnh Kawasaki và kết quả xét nghiêm huyết thanh học có thấy bị nhiễm virus corona chủng mới nhưng không có các triệu chứng.

Theo Giáo sư Fabrice Michel, bệnh lý này chưa được xác nhận rõ ràng và còn trong quá trình theo dõi, nghiên cứu. Nó có thể nghiêm trọng nhưng rất may là hiếm và sức khỏe của phần lớn bệnh nhân tiến triển tốt.

Cũng trong ngày 15-5, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM) đưa ra báo cáo về 562 trường hợp bị tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị Covid-19 trong đó có 78% trường hợp nghiêm trọng. Số người bị tác dụng phụ về tim do thuốc Hydroxychloroquine chiếm phần lớn, có 141 trong tổng số 159 trường hợp. Hiện đã có bốn ca tử vong liên quan thuốc này.

KHẢI HOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/44491402-ap-luc-doi-voi-benh-vien-o-phap-giam-nhieu.html