Miễn phí tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ: Tránh nguy cơ bị thấp còi

Nhiều trẻ bị thấp còi do thiếu hormon tăng trưởng GH, nhưng cha mẹ chỉ can thiệp bằng dinh dưỡng, không biết rằng cần phải điều trị. Để tránh hậu quả không mong muốn, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương sẽ tổ chức tầm soát GH miễn phí cho các cháu.

Tầm soát thiếu hormon tăng trưởng để tránh cho trẻ bị thấp còi

Dinh dưỡng không thay thế được hormon tăng trưởng

Cháu Trần Diệp Tuấn (TP.HCM), 4 tuổi nhưng bé nhỏ, chỉ cao 98 cm, nặng 15 kg. Gia đình cho cháu ăn, uống đủ loại dinh dưỡng nhưng không cải thiện. Nhân có đợt tầm soát miễn phí ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, mẹ bé đã đưa bé đến khám và bác sĩ xác định bé bị thiếu hormon tăng trưởng GH. Các bác sĩ đã điều trị cho Tuấn và chỉ sau 6 tháng, cháu đã cao thêm được 4cm và nặng thêm 0,5kg.

Bé Diệu Chi (Bình Dương) được phát hiện thiếu hormon tăng trưởng khi 10 tuổi, khi bé luôn thấp nhất so với các bạn cùng lứa tuổi. Bé đã được điều trị GH tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương trong 2 năm liền. Đến nay, Diệu Chi đã tăng thêm được 20cm chiều cao và nặng thêm 11kg, nằm trong mức trung bình so với nhóm cùng tuổi.

Bé Chu Duy Anh (TP.HCM) khi 7 tuổi vẫn bé còi nhất lớp. Chiều cao của bé tăng rất chậm, chỉ 3-4 cm/năm. Khi được chẩn đoán thiếu GH, bé đã được các bác sĩ điều trị liên tục 5 năm, nên từ một em bé chỉ cao 113 cm, nay cháu đã cao 165 cm. Do cháu có dấu hiệu dậy thì nên các sĩ quyết định cho cháu ngưng điều trị.

Theo BS.CKII. Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - bệnh chậm tăng trưởng chiều cao là do thiếu GH, khiến trẻ chỉ có cao từ 135 - 145 cm, thấp hơn nhiều so với chiều cao tối đa có thể đạt được.

Việc thiếu GH có thể do bẩm sinh hoặc do tổn thương tuyến yên, chấn thương đầu, u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não…Đáng nói là thiếu GH xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào và nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Thông thường, trẻ mới sinh có chiều cao 48-52cm, trong năm đầu bé tăng khoảng 20-25cm, sang năm thứ 2 tăng 12cm, năm thứ 3 tăng 10 cm, năm thứ 4 tăng 7cm. Từ 4 tuổi trở đi, cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ ở độ tuổi 4-11, trẻ sẽ tăng trung bình 4-6cm/năm.

Do vậy, bác sĩ lưu ý cha mẹ nên theo dõi sát chiều cao của bé, nếu thấy con tăng trưởng dưới từ 4-6cm/năm, có dấu hiệu thấp còi, thì nên đưa bé đi khám ngay.

Nếu được chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu GH, trẻ sẽ được chỉ định bổ sung GH, để thay thế sự thiếu hụt GH, đảm bảo cho trẻ phát triển chiều cao tối ưu, các hoạt động chuyển hóa và tình trạng sức khỏe nói chung. Sau 3-6 tháng điều trị, trẻ sẽ được đo lại chiều cao và xét nghiệm máu để đánh giá kết quả và điều chỉnh liều thuốc nếu cần.

“Nhiều cháu bé được được phát hiện kịp thời qua các đợt tầm soát miễn phí, để điều trị kịp thời đã tăng được chiều cao 8-12 cm/năm. Khi đến tuổi dậy thì, các cháu tiếp tục được đánh giá lại xem có cần bổ sung GH hay không”, BS.CKII. Võ Đức Chiến cho hay.

Tuy nhiên, BS.CKII. Võ Đức Chiến lưu ý: Để việc điều trị GH đạt hiệu quả, cần điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng, tốt nhất trong độ 4-13 tuổi. Nếu qua thời gian này, các sụn xương của trẻ đóng lại, dùng hormone tăng trưởng không còn tác dụng lên chiều cao. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định tiêm GH đối với những trẻ bị chậm tăng trưởng do nhiều bệnh lý khác như: nhỏ so với tuổi thai, hội chứng Turner, bệnh thận mạn…

Nhiều phụ huynh đã quan tâm đến vấn đề thiếu hormon tăng trưởng cho trẻ

Cơ hội cho các cháu phát triển chiều cao bình thường

Tại Việt Nam, có một thực tế là trẻ thường chỉ được cha mẹ phát hiện chậm cao khi đến tuổi đi học, tức khi có điều kiện so sánh chiều cao với các bạn đồng trang lứa. Thậm chí, tình trạng chậm cao của trẻ cũng chỉ được phát hiện tình cờ khi đi khám một bệnh khác.

Vì thế, để phát hiện kịp thời những trẻ em bị chậm tăng trưởng chiều cao, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã mở chương trình tầm soát miễn phí cho tất cả trẻ em ở TP.HCM và các tỉnh lân cận trong thời gian từ 1/6 đến 23/6/2024. Phụ huynh cần đăng ký từ nay đến ngày 16/6/2024.

Năm nay, Bệnh viện dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 300 trẻ đến khám với 8 buổi khám trong 4 tuần. Các trường hợp nghi ngờ chậm phát triển chiều cao sẽ được bác sĩ chỉ định chụp X-quang xương bàn tay, đánh giá tuổi xương để hỗ trợ chẩn đoán.

Các bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, theo dõi quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương chia sẻ: Việc tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao miễn phí cho trẻ đã giúp nhiều phụ huynh quan tâm hơn đến sự phát triển chiều cao của con, đặc biệt là biết đến nguyên nhân chậm cao do thiếu hormone tăng trưởng chứ không đơn thuần chỉ là vấn đề dinh dưỡng hay yếu tố di truyền.

Thực tế cho thấy, trước khi đưa các cháu đi tầm soát, nhiều gia đình đã cho các cháu điều trị và can thiệp dinh dưỡng nhưng không có sự cải thiện. Chỉ khi được xác định đúng nguyên nhân gây chậm cao do thiếu GH và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, trẻ mới được cải thiện chiều cao đáng kể.

Để được tầm soát miễn phí, phụ huynh cần gọi điện thoại đăng ký qua một trong hai số hotline sau, để bộ phận tiếp nhận đặt câu hỏi sàng lọc, chọn đúng đối tượng cần thăm khám: 0923.041.579 hoặc 0815.221.437 trong khung giờ 8h - 17h tất cả các ngày trong tuần.

Vương Thi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/mien-phi-tam-soat-cham-tang-truong-chieu-cao-o-tre-tranh-nguy-co-bi-thap-coi-post175009.html