Anh hùng Lê Hồng Nhi: Người trinh sát vũ trang quả cảm

Nếu có dịp ghé qua miền Tây Nam Bộ, bạn có thể sẽ đi qua hai con đường mang tên Anh hùng, liệt sĩ Lê Hồng Nhi, người Tiểu đội trưởng trinh sát vũ trang C3, D1 Ban An ninh Nhân dân khu Tây Nam Bộ nằm trên địa bàn phường Ba Láng, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ và phường 3, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Người chiến sĩ đảm lược ấy, dù không được trang bị vũ khí tối tân nhưng đã lặng thầm chiến đấu trong lòng địch, giáng nhiều đòn chí mạng vào những cơ quan đầu não địch và bọn tay sai có nợ máu với cách mạng.

Một góc đường Lê Hồng Nhi tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Tú Anh

Đồng đội của anh cũng vậy, nhiều người chỉ có hình mà không có tên, có người chỉ có tên mà không có hình, thậm chí có người chỉ còn lại một mật danh, bí số lưu trong tâm trí bạn bè đồng đội hay trang lược sử.

Trong những tháng ngày chiến đấu sôi nổi, hiểm nguy nhưng đầy tự hào của những chiến sĩ An ninh vũ trang năm ấy, đã có biết bao người ngã xuống trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào. Xin đi ngược thời gian để có thể nói lên một phần về họ, những chiến sĩ An ninh vũ trang miền Tây Nam Bộ thông qua câu chuyện về Anh hùng, liệt sĩ Lê Hồng Nhi, người con của miền quê Giá Rai, Bạc Liêu. Sinh năm 1954, khi tròn 17 tuổi, đồng chí Lê Hồng Nhi tham gia cách mạng. Tới năm 1973, anh chính thức được tuyển lựa vào Đội An ninh vũ trang thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 khu Tây Nam Bộ, làm nhiệm vụ bảo vệ Khu ủy.

Khu 9, miền Tây Nam Bộ, còn được gọi bằng biệt danh T3, là một bộ phận của Đồng bằng sông Cửu Long trù phú nhưng căn cứ Khu ủy lúc bấy giờ là căn cứ lõm, khu vực lân cận có nhiều đồn bốt địch, giao thông khó khăn, phức tạp mà luôn phải di chuyển, thay đổi địa điểm nhiều lần. Là một trinh sát trẻ, Lê Hồng Nhi đã không quản ngại cùng đồng đội xây dựng hầm bí mật, công sự và dự liệu các phương án tác chiến, bảo vệ cán bộ, đồng thời, tranh thủ học tập chính trị, quân sự, không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Ngoài thời gian công tác, đưa đón cán bộ, bảo vệ cấp ủy, Lê Hồng Nhi còn tranh thủ làm công tác dân vận, kêu gọi nhân dân trong vùng tích cực phòng gian, bảo mật, xây dựng xã, ấp chiến đấu, cùng đồng đội đào chiến hào, hầm bí mật để đảm bảo an toàn cho cán bộ, đặt cạm bẫy, hầm chông chặn địch.

Những năm tháng đó, ngoài nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, đưa đón cán bộ lãnh đạo đi công tác, Lê Hồng Nhi còn tham gia chiến đấu chống càn, chống bình định, lấn chiếm của địch vào khu căn cứ. Đại đội 3 của Lê Hồng Nhi đã có nhiều trận đụng độ nảy lửa với địch để bảo vệ an toàn cho các đồng chí lãnh đạo khu ủy, lãnh đạo tỉnh ủy và hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy. Các anh đã thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm, lòng trung thành tuyệt đối với lí tưởng cộng sản và sự tận tụy bảo vệ nhân dân trong bất cứ tình huống gian nan, nguy hiểm nào. Riêng Tiểu đội trưởng Lê Hồng Nhi đã tiêu diệt và làm bị thương 146 tên địch, phá hủy hàng trăm súng, thu nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Trong trận đánh tháng 12/1972, Lê Hồng Nhi nhận nhiệm vụ và cùng đồng đội nghiên cứu nắm quy luật hành quân của địch. Cả đơn vị thức trọn một đêm để phục kích, đón lõng thê đội của địch được nhân dân mật báo đã di chuyển từ Cà Mau qua căn cứ của ta. Nhịn đói, nhịn khát, mãi tới trưa mới thấy chúng xuất hiện, cả đơn vị nín lặng chờ địch lọt vào trận địa. Ngay lập tức, đồng chí Lê Hồng Nhi vọt tiến, cho nổ mìn đã gài sẵn trong trận địa và nổ súng vào đội hình của chúng. Bị tập kích bất ngờ, địch phân tán quân số, tản đội hình ra nhiều phía. Lê Hồng Nhi đã động viên đồng đội cùng bám sát các mũi rút lui của địch để tiêu diệt nhiều tên, anh góp phần cùng đơn vị phá hủy 7 khẩu phóng pháo, thu 1 khẩu AR16, bẻ gãy âm mưu tiến đánh căn cứ của chúng.

Những năm tiếp theo, Mỹ, ngụy mở nhiều đợt càn quét vào các khu căn cứ, trấn áp nhân dân địa phương. Đồng chí Lê Hồng Nhi luôn xung kích đi đầu, xung phong chặn đánh địch ở các mũi chính diện, dùng lựu đạn, bắn B.40, B.41 tiêu diệt hàng chục tên địch, làm tiêu hao lực lượng của chúng ngay từ đầu, gây hoang mang, nhụt ý chí chiến đấu của những tên còn sống đạt hiệu suất cao, tiêu diệt nhiều địch. Nhiều trận đánh tưởng chừng thất bại bởi hỏa lực của địch mạnh, quân số đông, nhưng đơn vị của những trinh sát vũ trang miền Tây Nam Bộ đã đảo ngược tình thế và giành thắng lợi.

Đơn cử như trận đánh đồn Ông Sáu, là một đồn có hầm hào, lô cốt kiên cố, địch lợi dụng ưu thế địa hình đánh trả ta quyết liệt, nhiều đồng chí của ta bị thương vong. Trước khó khăn đó, Lê Hồng Nhi được phân công dẫn đầu một mũi chủ công chọc thẳng vào lô cốt địch, dùng B.40 diệt từng lô cốt quan trọng, mở đường cho đồng đội xông lên tiêu diệt hoàn toàn địch, thu nhiều vũ khí đạn được, bắt một số tù binh. Ngay tại trận địa ở đồn Ông Sáu, đồng chí Lê Hồng Nhi đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ những đảng viên trung kiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Mùa xuân năm 1975, cục diện chiến trường miền Nam có nhiều thay đổi, giải phóng quân trên các mặt trận đều ra sức thi đua, chiến đấu lập công diệt địch, quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng. Cùng với các mặt trận, khu ủy cùng quân dân khu 9 Tây Nam Bộ cũng hạ quyết tâm tấn công các đồn, bốt của ngụy, nhằm mở rộng vùng tự do, tạo đà cho Tổng tấn công và nổi dậy. Tháng 2 năm 1975, đơn vị của đồng chí Lê Hồng Nhi nhận nhiệm vụ cùng các lực lượng vây đồn Vàm Xáng thuộc huyện Vĩnh Thuận. Hai bên giằng co quyết liệt, lửa đạn mù trời. Để giải vây cho đám lính trong đồn đang nguy khốn, địch cho một tiểu đoàn ứng cứu. Chúng say máu tăng cường quân dồn dập hòng giành ưu thế và mở rộng càn quét vào căn cứ cách mạng.

Trong trận này, Lê Hồng Nhi được giao nhiệm vụ chỉ huy 6 chiến sĩ chiến đấu chặn địch, tạo điều kiện cho đơn vị bảo vệ cấp ủy di chuyển an toàn đến địa bàn mới. Dù quân địch đông, lại có phi cơ và pháo binh yểm trợ, trong khi quân ta ít, địa hình trống trải, nhưng Lê Hồng Nhi cùng đồng đội hạ quyết tâm chiến đấu đến cùng. Đồng chí bình tĩnh, mưu trí chỉ huy đồng đội chiến đấu từ sáng đến chiều, diệt hàng chục tên địch, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Nhưng rồi càng về sau, cuộc chiến đấu càng ác liệt, 6 chiến sĩ đều bị thương vong, chỉ còn lại một mình Lê Hồng Nhi cầm cự với cả một tiểu đoàn địch.

Vừa đánh địch, Lê Hồng Nhi vừa tranh thủ cướp súng giết giặc. Lúc anh lấy được 1 khẩu AR16 và 300 viên đạn càng tạo điều kiện cho anh đánh trả quyết liệt vào đội hình địch. Đạn hết, đồng chí Nhi bị thương nặng và đã hi sinh anh dũng. Nhờ trận đánh kéo dài quyết liệt đó của Lê Hồng Nhi mà cuộc họp của các đồng chí Khu ủy đã nhanh chóng di chuyển về địa điểm an toàn tuyệt đối. Người sinh sát vũ trang ấy đã được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì. Ngày 24/1/1976, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Hồng Nhi.

Hôm nay, trong những ngày cả nước rộn ràng tiếng trống tòng quân, hân hoan "Ngày hội Biên phòng toàn dân", đi trên những con đường mang tên người anh hùng đã hi sinh vì hòa bình, độc lập và tự do cho Tổ quốc, dâng trọn vẹn cuộc đời cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, càng trân quý hơn những thành tựu mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã giành được qua 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của đất nước hôm nay.

Đặng Tuệ Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/anh-hung-le-hong-nhi-nguoi-trinh-sat-vu-trang-qua-cam-post473147.html