5 đề xuất, 3 kiến nghị giảm khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đưa ra 5 đề xuất và 3 kiến nghị nhằm giảm khó khăn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và chưa hồi phục hoàn toàn sau dịch bệnh Covid-19.

Việt Nam có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động

Chia sẻ tham luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2024 được tổ chức mới đây, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp cho biết: Hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với thách thức lớn từ quá trình hội nhập và chuyển đổi số, cùng với khó khăn từ tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, dịch Covid-19 đã tác động đến 87% trong số họ, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận sự sụt giảm lớn từ 50-90% trong doanh thu so với trước đại dịch, một số doanh nghiệp thậm chí đã phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Vì vậy, việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trở thành một giải pháp quan trọng và là một xu hướng để doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng hiệu suất sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh hội nhập và đảm bảo sự phát triển bền vững” – ông Mạc Quốc Anh thông tin.

Về những khó khăn hiện tại của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Mạc Quốc Anh cho rằng: 52% doanh nghiệp thiếu đơn hàng, trong khi 32% doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận vốn; 25% doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính còn rườm rà, ngoài ra, thiếu nhân sự chất lượng cao cũng là một vấn đề gây trở ngại đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ảnh minh họa

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đề xuất 5 vấn đề. Thứ nhất, tiếp tục chủ động tổ chức các chương trình hội nghị đối thoại doanh nhân, tổ chức khảo sát, nắm bắt, ghi nhận, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp để kịp thời giải quyết và báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đánh giá thực chất kết quả xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ hai, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các kế hoạch, chương trình công tác về hỗ trợ doanh nghiệp giai đoạn đến 2025. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài ngân sách.

Thứ ba, tiếp tục triển khai cải cách thủ tục hành chính về vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp với quy định hấp dẫn để doanh nghiệp hấp thụ được nguồn vốn vay, nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như: Quy hoạch, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường.

Thứ tư, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của đề án, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ năm, để đề án xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai sâu rộng và mang lại giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thì không thể thiếu được sự hỗ trợ, đồng hành của một số bộ, ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vì đây là đối tượng được thụ hưởng kết quả của đề án mang lại.

Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cũng đưa ra 3 kiến nghị nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn: Thứ nhất: Tiếp tục đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp giãn, hoãn, giảm thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc cho phép chậm nộp các loại thuế như VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu. Cùng với đó, đề xuất thuế đất tiếp tục giảm 50% (trước đây đã giảm 30%) cho các doanh nghiệp trong năm 2024 và 6 tháng 2025.

Thứ hai: Tăng cường xúc tiến thương mại, hội chợ ảo trên nền tảng trực tuyến và trực tiếp, có giải pháp mở rộng thị trường mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, kết nối bên mua bên bán, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ ba: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thiết thực và hiệu quả với phương châm phục vụ doanh nghiệp, giảm các chi phí mặt hàng thiết yếu như là nguyên liệu chính trong hoạt dộng của doanh ngiệp như điện, nước, xăng dầu.... thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; tạo nhiều mặt bằng sạch cho doanh nghiệp dễ tiếp cận để thức đẩy đầu tư sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn để đổi mới công nghệ sản xuất xanh phát triển bền vững.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/5-de-xuat-3-kien-nghi-giam-kho-khan-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-314869.html